PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam – bày tỏ bức xúc về thực trạng quảng cáo TPCN hiện nay tại toạ đàm “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng” do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức ngày 29.5.
Cũng theo PGS.TS Trần Đáng, có 4 hiện tượng vi phạm đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) hiện nay là quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, hiểm nghèo).
Nguyên nhân của tình trạng trên do luật pháp không nghiêm, không hiệu quả, không phù hợp với thực tế; thiếu quy chế pháp luật cho người quảng cáo, người kinh doanh quảng cáo, người phát hành quảng cáo. Hiện nay mới xử lý người quảng cáo; hệ thống quản lý, thanh tra chưa hoàn thiện…
Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường Internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” TPCN.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) – cảnh báo, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng luôn cố quảng cáo thổi phồng, vượt quá công dụng của sản phẩm để thu hút người dùng.
Khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, nhiều công ty trắng trợn, sẵn sàng chối bay không nhận nội dung trên trang website đó mình đang quảng cáo. Tuy nhiên, nhìn vào những nội dung quảng cáo này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận diện quảng cáo thổi phồng, lừa đảo nhằm đánh lừa người tiêu dùng sản phẩm có công dụng thần kỳ, thậm chí như thuốc chữa bệnh.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định: Về pháp luật đã có chế tài, quy định xử lý vi phạm quảng cáo. Yêu cầu các cơ quan truyền thông tuyên truyền mạnh mẽ TPCN không thể chữa bệnh.
Để nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo như dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật; dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng; quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia, quảng cáo “đẩy lùi” bệnh tật…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, việc Bộ Thông tin và Truyền thông có thể làm là công bố những mạng lưới công nghệ có nhiều quảng cáo vi phạm để các doanh nghiệp biết mà tránh. Hiện nay, Luật quảng cáo đang vắt qua nhiều cơ quan và chưa rõ trách nhiệm. Do sức quản lý có hạn nên không tiền kiểm mà để hậu kiểm gây ra hệ lụy xã hội lớn.