Mỡ máu là tên gọi thông thường của lipid máu, bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó thành phần quan trọng nhất là cholesterol. Chất này cần duy trì ở mức ổn định trong máu để các cơ quan cần thiết trong cơ thể sử dụng, giúp tổng hợp hormone, bảo vệ tế bào, đảm bảo cơ thể phát triển và hoạt động bình thường.
Cholesterol nếu ở mức cao có thể âm thầm ‘tàn phá’ động mạch, khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao hơn. Vì vậy, việc kiểm soát mức cholesterol ở mức an toàn là điều rất quan trọng.
Mới đây, một bác sĩ tim mạch đã tiết lộ bảy loại thực phẩm tốt nhất để loại bỏ mỡ máu xấu, cải thiện mỡ máu tốt.
Bác sĩ tim mạch Neil Ruparelia, làm việc tại Phòng khám Harley Street, Anh, nói với trang Express: “Để giảm cholesterol cao, hãy cân nhắc việc kết hợp một số loại thực phẩm vào chế độ ăn nhằm giảm mức lipoprotein mật độ thấp (LDL) hoặc cholesterol “xấu” và tăng lipoprotein mật độ cao (HDL) hoặc cholesterol “tốt”.”
7 thực phẩm giúp giảm mỡ máu
1. Yến mạch và lúa mạch
Bác sĩ Ruparelia giải thích: Các món thường được ăn vào bữa sáng, ví dụ như yến mạch và lúa mạch “giống như nam châm nhỏ hút cholesterol”.
Ông nói: “Chúng chứa một loại chất xơ đặc biệt [được gọi là beta-glucans] có tác dụng liên kết với cholesterol xấu trong cơ thể, giúp cơ thể đào thải cholesterol dễ dàng hơn”.
Bác sĩ Ruparelia khuyến nghị nên ăn ít nhất một khẩu phần yến mạch hoặc lúa mạch, khoảng 120 đến 200 gram, mỗi ngày để có được một lượng beta-glucans đáng kể.
2. Cá béo
Theo bác sĩ Ruparelia, các loại cá béo như hồi, cá thu chứa nhiều axit béo omega-3, không chỉ làm giảm mức cholesterol xấu mà còn tăng cholesterol tốt.
Ông nói: “Hãy đưa cá béo vào chế độ ăn của bạn ít nhất hai lần mỗi tuần. Một khẩu phần thường nặng khoảng 100 gram”.
3. Các loại hạt
Giàu chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, các loại hạt có tác dụng tích cực trong việc giảm cholesterol xấu.
Bác sĩ Ruparelia giải thích: Ăn những món như hạnh nhân, quả óc chó và hạt dẻ cười cũng sẽ tăng mức độ chất chống oxy hóa có lợi cho tim mạch.
Ông khuyên nên ăn một nắm nhỏ các loại hạt, tương đương khoảng 40 đến 50 gram, trong mỗi lần ăn. Bác sĩ tim mạch cho biết thêm: “Hãy chú ý đến khẩu phần ăn vì các loại hạt chứa nhiều calo”.
4. Dầu ô liu
Chế độ ăn Địa Trung Hải chủ yếu sử dụng chất béo không bão hòa đơn, loại chất béo có thể làm giảm cholesterol xấu mà không gây hại cho cholesterol tốt.
Bác sĩ Ruparelia khuyên nên kết hợp dầu ô liu trong chế biến thức ăn, sử dụng khoảng hai đến bốn muỗng canh mỗi ngày.
5. Trái cây và rau củ
Các loại trái cây và rau củ, chẳng hạn như quả việt quất và rau bina, không chỉ bổ sung màu sắc cho bữa ăn mà còn chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa và sterol thực vật.
Bác sĩ Ruparelia cho biết: “Cùng nhau, chúng làm giảm tổng lượng cholesterol mà cơ thể bạn hấp thụ và giúp cơ thể loại bỏ cholesterol xấu”.
Ông khuyên nên bổ sung nhiều loại trái cây và rau củ trong chế độ ăn uống hàng ngày, hướng tới ít nhất 5 khẩu phần mỗi ngày.
6. Các loại đậu
Chất xơ hòa tan trong đậu xanh, đậu lăng và đậu gà sẽ ‘bám’ vào cholesterol, đưa cholesterol ra khỏi cơ thể.
Bạn nên bổ sung các loại đậu vào chế độ ăn uống của mình vài lần một tuần. Một khẩu phần ăn là khoảng 120 đến 200 gram đậu nấu chín.
7. Quả bơ
Tương tự như dầu ô liu, bơ chứa chất béo không bão hòa đơn giúp giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt.
Bác sĩ Ruparelia cho biết: “Hãy kết hợp từ một nửa đến một quả bơ vào chế độ ăn uống hàng ngày của bạn. Bơ có thể được thêm vào món salad, bánh mì sandwich hoặc dùng làm sốt”.
Bác sĩ tim mạch lưu ý rằng mặc dù đây là những khuyến nghị chung nhưng nhu cầu ăn của mỗi cá nhân có thể khác nhau. Ông nói thêm: “Điều quan trọng là phải duy trì một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Ngoài ra, hãy cân nhắc tư vấn với chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với mục tiêu và nhu cầu sức khỏe cụ thể của bạn”.
(Theo Express)
Nguồn tin: https://cafef.vn/7-thuc-pham-duoc-vi-nhu-nam-cham-hut-sach-mo-mau-xau-bac-si-tim-mach-khen-het-loi-188240212073544755.chn