Theo báo cáo ba công khai và đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố, cả nước có 6 cơ sở giáo dục đại học đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm. Trong đó có 4 trường đại học ở TP.HCM nằm trong top này, gồm ĐH Văn Lang, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Công nghệ TP.HCM.
Theo đó, Văn Lang là trường ĐH dẫn đầu danh sách danh sách các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Cụ thể trường ĐH này đạt mức doanh thu 1.758 tỷ đồng/năm, tương ứng mỗi ngày trường thu về 4,8 tỷ đồng. Nguồn doanh thu này đến từ học phí, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Xếp ngay sau Văn Lang là ĐH Kinh tế TP.HCM với mức doanh thu 1.189 tỷ đồng/năm. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có doanh thu cao thứ 3 trong số các cơ sở giáo dục đại học ở khu vực phía Nam, 1.051 tỷ đồng/năm. Cuối cùng, ĐH Công nghệ TP.HCM có doanh thu 1.044 tỷ đồng/năm.
Theo đó, các trường cũng công bố mức học phí trung bình để đào tạo 1 sinh viên. Đối với với trường ĐH Văn Lang, mức học phí mà 1 học sinh phải chi trả trong 1 năm là 30 triệu đồng. Đây cũng là chi phí đào tạo một sinh viên của trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM.
Đối với ĐH Tôn Đức Thắng, mức học phí đào tạo 1 sinh viên thấp hơn, khoảng 18 triệu đồng/năm.
1. Đại học Văn Lang (VLU)
Được thành lập năm 1995, Văn Lang là 1 trong những trường ĐH tư thục đầu tiên ở nước ta. Năm 2023, trường ĐH Văn Lang tuyển sinh 7 khối ngành gồm: Nghệ thuật, xã hội – nhân văn, kinh doanh và quản lý, công nghệ, kiến trúc, khoa học sức khoẻ, quản trị du lịch với 63 ngành học khác nhau.
Dựa theo công bố điểm chuẩn của trường bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, 16 đến 23 là mức điểm chuẩn của các ngành. Theo đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Răng – Hàm – Mặt (23 điểm). Đây là một trong những ngành học có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao, luôn khát nhân lực trong xã hội hiện đại.
Khi chất lượng cuộc sống nâng cao, nhu cầu về sức khoẻ răng miệng cũng phát triển. Do đó, ngày nay ngành Răng – Hàm – Mặt tiếp tục thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký. Theo học trong 6 năm, sinh viên theo học ngành này sẽ phải đóng mức học phí từ 85,000,000 đến 98,000,000 đồng/học kỳ.
Song nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nhà trường cũng đầu tư ghế máy nha, trang thiết bị hiện đại như PrimeScan, kính hiển vi, giá khớp,… giúp sinh viên tiếp cận được với nha khoa hiện đại.
Nhóm ngành “hot” của Văn Lang có điểm chuẩn trúng tuyển từ 17 đến 18 điểm: Thiết kế Đồ họa (18 điểm), Thiết kế Thời trang (17 điểm), Quan hệ Công chúng (18 điểm), Marketing (18 điểm),… Các ngành còn lại có mức điểm chuẩn trúng tuyển 16-19 điểm.
Hiện ĐH Văn Lang gồm 3 cơ sở đào tạo với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại nhất nhằm nâng cao trải nghiệm giáo dục cho sinh viên và giảng viên.
2. ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH)
ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) là một trong những trường đại học kinh tế top đầu của khu vực phía Nam và cả nước với bề dày lịch sử và thành tích đáng nể. Ngôi trường này còn được ví von là “cái nôi” đào tạo nhiều thế hệ cán bộ, nhà lãnh đạo và doanh nhân thành đạt.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2022, điểm chuẩn trúng tuyển vào trường xét theo phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động 23,6-27,8 điểm. Ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là Kiểm toán, tương ứng mỗi môn cần đạt 9,2 điểm.
Luôn đứng vị trí cao trong bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới, UEH khẳng định mình thông những con số về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp. Vào tháng 3 vừa qua, trường đã trao bằng tốt nghiệp cho 4.372 tân cử nhân, gồm 3.978 (bao gồm: hệ ĐHCQ, Liên thông ĐHCQ và Văn bằng 2 hệ ĐHCQ), và 394 sinh viên VLVH.
Trong số 3.978 sinh viên chính quy tốt nghiệp có 43 sinh viên xuất sắc, 1.994 sinh viên giỏi, 1.602 sinh viên khá. Như vậy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp từ loại khá trở lên đạt đến 91,5%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh sinh có việc làm sau khi ra trường cũng là những con số ấn tượng. Tỷ lệ cựu sinh viên của trường có việc làm vào năm 2022 đạt mức 97,79%. So với năm 2021, tỷ lệ này đã tăng 3,14%.
Đặc biệt một số ngành của trường có tỷ lệ sinh viên có việc làm lên đến 100% như Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, hệ thống thông tin quản lý, marketing, ngôn ngữ Anh, kế toán, tài chính ngân hàng… Thậm chí một số ngành duy trì sự ổn định về tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 100% từ năm 2021 đến 2022 như Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Ngôn ngữ Anh; Marketing.
Hiện nay, ĐH Kinh tế TP.HCM có 10 cơ sở học tập và nghiên cứu cùng 2 KTX phân bố tại các khu vực trung tâm và tiện lợi tại TP.HCM. Cơ sở vật chất của trường cũng luôn được chú trọng hoàn thiện, xây mới và nâng cấp. Các trang thiết bị đều được đầu tư cải tiến theo tiêu chuẩn quốc tế từ phòng học, KTX, hệ sinh, thái nhà trường đến thư viện thông minh, trung tâm mô phỏng giảng dạy và nghiên cứu, phòng lab, studio…
3. ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU)
ĐH Tôn Đức Thắng là trường đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam vào Top 100 đại học trẻ tốt nhất thế giới, theo đánh giá của tổ chức xếp hạng đại học THE World University Rankings năm 2022.
Bên cạnh đó, ĐH Tôn Đức Thắng cũng có tên trong nhiều BXH đại học uy tín trên thế giới. Năm 2022, trường lọt Top 500 đại học tốt nhất thế giới theo THE World University rankings; thứ 73 Châu Á theo QS Asia University rankings; Top 700 đại học tốt nhất theo hệ thống xếp hạng đại học Thượng Hải (ARWU)…
Đây là trường đại học công lập đầu tiên tại Việt Nam có cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy được xếp hạng quốc tế 5 sao trên 5 sao theo chuẩn QS Stars (Anh Quốc). Trong đó, tiêu chí về cơ sở vật chất và hỗ trợ sinh viên được đánh giá với số điểm tuyệt đối 5 sao.
Trường hiện đào tạo hơn 40 ngành đào tạo bậc đại học, trong đó có một số ngành “hot” lấy điểm chuẩn cao có thể kể đến Marketing (34,8 điểm năm 2022 và 36,9 điểm năm 2021 – cao nhất TDTU), Quản trinh kinh doanh, chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực, Kinh doanh quốc tế, Tài chính ngân hàng (năm 2022 và 2021 đều lấy trên 33,6 điểm).
Đáng chú ý, ĐH Tôn Đức Thắng đào tạo một ngành học độc đáo tại Việt Nam đó là ngành Golf với khung chương trình được nhập khẩu từ Trường ĐH Chung-Ang, Hàn Quốc. Sinh viên theo học ngành này được trang bị kiến thức và quản lí kinh doanh trong golf, huấn luyện tại sân tập, tổ chức sự kiện giải đấu…
Năm 2023, học phí ngành Golf khoảng hơn 24 triệu đồng/năm. Đây cũng là mức học phí chung của các ngành Ngôn ngữ, Quản trị kinh doanh, Marketing, Tài chính ngân hàng, Luật. Các ngành khối Kỹ thuật, Công nghệ, Thiết kế học phí khoảng 28 triệu đồng/năm. Ngành Dược học có mức học phí cao nhất, 55 triệu đồng/năm.
Trường hiện có các cơ sở đào tạo tại TP.HCM, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP. Nha Trang (Khánh Hòa) và TP.Cà Mau (Cà Mau). Trụ sở chính tọa lạc tại Quận 7, TP.HCM có hệ thống khu học xá và rèn luyện thể chất hiện đại, tiện nghi.
4. ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH)
ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là ngôi trường đào tạo đa ngành với gần 60 chuyên ngành thuộc các lĩnh vực: Kỹ thuật – Công nghệ, Kinh tế – Quản trị, Kiến trúc – Mỹ thuật, Khoa học Sức khỏe, Luật, Khoa học xã hội – nhân văn, Ngoại ngữ và Nghệ thuật. Học phí năm học 2023-2024 tại HUTECH khoảng 30-40 triệu đồng/ sinh viên/năm.
Năm 2022, trường lấy điểm chuẩn ở mức 17-21 điểm theo phương thức xét điểm thi THPT QG. Trong đó, ngành có điểm cao nhất là Dược học (21 điểm), tiếp đến là Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu (20 điểm), các ngành còn lại phổ biến ở ngưỡng 17-18 điểm. Dược học cũng là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất khi xét phương thức lấy điểm chuẩn học bạ.
Một số ngành hot của HUTECH có thể kể đến như Thương mại điện tử và Quan hệ công chúng (điểm chuẩn cao nhất năm 2021 – 22 điểm), Truyền thông đa phương tiện, Robot và trí tuệ nhân tạo, Thanh nhạc. Trường cũng hợp tác đào tạo với nhiều ĐH nổi tiếng của Mỹ, Pháp, Đan Mạch, Malaysia… trong các chương trình Cử nhân Quốc tế, Thạc sĩ Quốc tế.
Đáng chú ý, tháng 11/2022, HUTECH được chứng nhận quốc tế QS Stars 4 Sao từ Quacquarelli Symonds (QS) – một trong những tổ chức đánh giá xếp hạng các trường đại học nổi tiếng toàn cầu. Sau 27 năm xây dựng và phát triển, trường hiện sở hữu 4 khu học xá tại TP.HCM hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng diện tích trên 100.000m2.