Anh Nguyễn Xuân Thái ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm hỏi, tôi làm xe ôm công nghệ được hơn 1 năm nay. Vừa rồi tôi trót vui với bạn bè nên bị phát hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn ở mức kịch khung. Theo đó, ngoài bị phạt tiền, tôi bị tước bằng lái xe 2 năm. Thời gian tước bằng khá dài, trong thời gian này, tôi thi lại lấy giấy phép lái xe để hành nghề được không?
Trả lời vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thu Trang (Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long) cho biết, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đối với xe máy như sau:
Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).
Như vậy theo quy định tất cả các lỗi vi phạm nồng độ cồn đều bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe. Trong đó mức cao nhất lên tới 24 tháng.
Về việc thi lại giấy phép lái xe, khoản 1, Điều 25, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề…
Khoản 5, Điều 81, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng quy định:
Trường hợp người có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó ít hơn thời hạn bị tước thì người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Điểm g, khoản 3, Điều 37, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;
Những trường hợp cố tình khai báo sai hoặc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để tham gia học, thi sát hạch và cấp lại Giấy phép lái xe sẽ bị tước giấy tờ và phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Như vậy, trong thời gian bị tước giấy phép lái xe, để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông, người vi phạm sẽ không được thi lại để cấp giấy phép lái xe.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/xe-om-cong-nghe-vi-pham-nong-do-con-bi-tuoc-bang-2-nam-thi-lai-duoc-khong-1322256.ldo