Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thảo luận, tiếp thu các ý kiến, trong đó có đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ xe chỉ có một hàng ghế” và bỏ nội dung “mà không có người lớn ngồi cùng” tại khoản 3 điều 11.
Đây là nội dung dự thảo được nhiều người quan tâm, nhất là với những tài xế taxi công nghệ. Bởi thực tế, nhu cầu di chuyển của người dân bằng taxi hiện nay đa phần có hành khách là trẻ em.
“Người dân hay sử dụng taxi để đi khám bệnh cho con hoặc cả gia đình đi chơi, đi tham quan đâu đó. Họ ưu tiên dùng xe taxi để đảm bảo con được an toàn” – anh Nam cho hay.
Tuy nhiên, không ít khách hàng khi lên xe lại để trẻ nhỏ ngồi ở hàng ghế cạnh tài xế. Điều này khiến các bác tài lo lắng về an toàn giao thông.
Anh Nguyễn Tiến – một tài xế taxi công nghệ trú tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng – cho biết: “Trẻ con thì hay tò mò, có cháu sẽ nghịch cần số hoặc đột ngột đứng lên, che khuất tầm nhìn của tài xế. Đặc biệt khi đang di chuyển, xe sẽ không tránh khỏi những lúc phanh đột ngột, điều này gây nguy hiểm cho các cháu nhỏ nếu các cháu đang đứng, không thắt dây an toàn với người lớn. Mặc dù đây có thể là lỗi do hành khách nhưng khi xảy ra tai nạn, chúng tôi cũng có phần liên quan nên lái xe có trẻ nhỏ ngồi cùng hàng ghế khiến tài xế khá căng thẳng”.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả trẻ em nên được ngồi ở ghế sau của xe ôtô, dùng thiết bị an toàn, bởi nguy cơ chấn thương trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước. Túi khí bung ra (khi có tai nạn) có thể gây thương tích nghiêm trọng ở đầu và cổ cho trẻ em ngồi ghế trước. Đến năm 2023, 115 nước đã có luật cấm trẻ ngồi ghế trước.
Bên cạnh đó, đề xuất sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em nhận được phản ứng rất tích cực của cộng đồng. Cụ thể, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Việt Cường (Đại học Y tế Công cộng) đã thực hiện đánh giá tác động của việc bổ sung sửa đổi quy định, cho thấy người dân ủng hộ đề xuất này. Trong một số cuộc thăm dò dư luận rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2020 – 2023, tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới 85%.
Theo đánh giá sơ bộ của Ủy ban Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có khoảng 1.800 – 2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600 – 700 vụ liên quan tới ôtô có trẻ em.
Dự kiến, tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV diễn ra cuối tháng 6 này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn và vị trí ngồi an toàn cho trẻ em được luật hoá và áp dụng hiệu quả trong luật có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ôtô mỗi năm tại Việt Nam.
Nguồn tin: https://laodong.vn/lai-xe-an-toan/tre-ngoi-cung-hang-ghe-lai-xe-oto-nhieu-tai-xe-cang-thang-vi-lo-tai-nan-1352389.ldo