Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, người uống rượu bia, có nồng độ cồn thì không nên lái xe. Chủ phương tiện có thể nhờ người quen lái hộ hoặc dịch vụ lái thuê.
Tuy nhiên, khi giao xe cho người khác, chủ phương tiện cần kiểm tra lái xe có đủ điều kiện hay không? Nhất là người này đã có giấy phép lái xe chưa để tránh bị phạt.
Theo quy định tại điểm h, khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chủ phương tiện có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với đối với hành vi Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông”.
Dẫn chiếu đến Khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Như vậy, chủ phương tiện giao ôtô cho người chưa có giấy phép lái xe điều khiển còn có thể bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Bản thân người lái xe khi không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng giấy phép lái xe bị tẩy xóa sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng ( điểm b khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Ngoài ra, nếu cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra giấy tờ mà không xuất trình được giấy phép lái xe, người điều khiển phương tiện sẽ vừa bị phạt về lỗi không có giấy phép lái xe, vừa bị tạm giữ xe theo thủ tục hành chính.
Khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, thời hạn tạm giữ phương tiện là 07 ngày. Trường hợp vi phạm giao thông có tình tiết phức tạp cần tiến hành xác minh, cảnh sát giao thông có thể tạm giữ phương tiện lên đến 30 ngày.