Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Chương 16 của dự thảo quy định về thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
Theo Bộ Giao thông Vận tải đây là quy định mới được bổ sung theo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1.1.2025.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất yêu cầu chung với thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ như sau:
Tín hiệu âm thanh báo hiệu đường bộ để hỗ trợ cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ.
Tín hiệu âm thanh phải đảm bảo thông báo rõ ràng trong mọi điều kiện thời tiết và trạng thái đường bộ.
Về thiết bị chuông, loa phát âm được quy định như sau:
Chuông, loa phát âm thanh phải làm việc đồng bộ với tín hiệu điều khiển giao thông khác và tắt ngay sau khi kết thúc tín hiệu điều khiển giao thông.
Việc lắp đặt thiết bị âm thanh thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Lý giải sự cần thiết của việc ban hành thông tư mới Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025; theo đó, Luật Đường bộ bổ sung nhiều loại đường theo chức năng, theo cấp quản lý, cấp kỹ thuật, bổ sung loại hình báo hiệu đường bộ (thiết bị âm thanh), bổ sung tổ chức giao thông trên đường cao tốc phân kỳ đầu tư, v.v…
Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Báo hiệu đường bộ QCVN41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TTBGTVT ngày 31.12.2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT đến nay đã được hơn 04 năm, tại Mục 87.2.3 Điều 87 (Nguyên tắc quản lý) có quy định “Báo hiệu đường bộ có biểu tượng, ký hiệu, kích thước, màu sắc, đường viền chưa hoàn toàn phù hợp với Quy chuẩn này nhưng không gây hiểu nhầm, hiểu sai khác về ý nghĩa sử dụng so với quy định tại Quy chuẩn này thì vẫn có hiệu lực thi hành và sẽ được thay thế dần, hoàn thành trước ngày 20.8.2025.
Tuy nhiên, việc thay thế toàn bộ Báo hiệu đường bộ có biểu tượng, ký hiệu, kích thước, màu sắc, đường viền chưa hoàn toàn phù hợp với Quy chuẩn trên toàn bộ mạng lưới đường bộ hoàn thành trước ngày 20.8.2025 sẽ cần kinh phí lớn để đầu tư thay thế, điều chỉnh, nhiều biển báo hiệu hiện còn sử dụng tốt, phát huy tác dụng; có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục sử dụng và sẽ thay thế, điều chỉnh dần khi biển báo cũ, hư hỏng (tránh lãng phí trong đầu tư, quản lý tài sản phù hợp với điều kiện nguồn lực xã hội).
Với các nội dung nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần thiết phải ban hành mới Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ thay thế QCVN41:2019/BGTVT để phù hợp với 2 Luật mới và khắc phục các bất cập phát sinh sau hơn 4 năm thực hiện.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/de-xuat-them-thiet-bi-moi-chua-tung-co-trong-giao-thong-1388213.ldo