Không nhường đường, tất cả cùng ùn tắc
Trong khi tham gia giao thông, bị chắn đường lưu thông bất hợp lý dù đang trên tuyến ưu tiên có lẽ là điều nhiều tài xế thường gặp phải.
Điều này gây bức xúc cho một bộ phận không nhỏ người điều khiển phương tiện, đồng thời thường gây ùn tắc giao thông cục bộ.
Ông N.H.T (sinh năm 1983), một tài xế lâu năm cho biết, điều này thường gặp khi thoát ra khỏi vòng xoay, hoặc ở những giao lộ cho phép rẽ phải.
“Mới đây, tôi tham gia giao thông tại vòng xoay Thống Nhất mới Vũng Tàu. Tôi thấy, dù đang đi ra khỏi vòng xoay và phương tiện vào phải nhường đường theo quy định, nhưng thực tế, nhiều tài xế không nhường mà bám đuôi xe phía trước dù không thể tiếp tục lưu thông. Điều này làm tắc nghẽn tại vòng xoay”, ông T. kể lại.
Theo ông T., do không được nhường đường ra khỏi vòng xoay nên nhiều phương tiện buộc phải dừng lại, dẫn đến tắc nghẽn theo vòng tròn, gây ách tắc cho chính phương tiện không nhường đường.
“Nếu họ nhường, có thể chỉ mất khoảng 1 phút các xe trong vòng xoay sẽ nhanh chóng được giải phóng, họ cũng được lưu thông. Nhưng do không nhường nên tất cả phải mất 5-10 phút mới thoát ra khỏi vòng xoay”, ông T. nói.
Cản trở giao thông là vi phạm, có thể bị truy tố nếu gây hậu quả
Theo luật sư Đặng Thành Trí (Công ty Luật TNHH Đặng Thành – Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), việc cản trở, không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, hành vi “không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau” sẽ bị xử phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng; nếu gây tai nạn giao thông còn bị tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng, theo quy định được quy định tại điểm n khoản 3; điểm c khoản 11, điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Như vậy, nếu xe vào vòng xoay mà cản trở xe đi ra khỏi vòng xoay như trường hợp trên, nếu có đủ căn cứ xác minh thì cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
“Tuy nhiên, trên thực tế rất ít có trường hợp nào bị xử phạt vì cơ quan chức năng không thể theo dõi nắm bắt toàn bộ để làm căn cứ xử lý. Do vậy người điều khiển phương tiện cần nâng cao ý thức, tham gia giao thông văn minh, đúng quy định để hạn chế gây ùn tắc và vi phạm không đáng có”, luật sư Trí nói.
Ngoài ra, tùy theo mức độ hành vi, hậu quả gây ra, người điều khiển phương tiện còn có thể bị truy tố về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điều 260; hoặc tội “cản trở giao thông đường bộ” theo quy định tại điều 261 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/can-tro-xe-tren-duong-uu-tien-la-vi-pham-co-the-bi-truy-to-1390038.ldo