(HNMCT) – Hơn 70% dân số sống và làm việc ở nông thôn, bởi thế đây là mảng đề tài muôn thuở của văn học Việt Nam. Tuy nhiên, so với các mảng đề tài khác, văn học viết về nông thôn chưa sinh động…
Một thời rực rỡ
Trong nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam hiện đại, đề tài nông thôn “nở rộ”, in dấu ấn ở nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng. Viết về nông thôn thời kỳ 1930 – 1945, có thể kể đến loạt tác giả như Vũ Trọng Phụng với “Giông tố”, “Vỡ đê”…; Nam Cao với “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “Một bữa no”…; Ngô Tất Tố với “Việc làng”, “Tắt đèn”…; Thạch Lam với “Hai đứa trẻ”, “Nhà mẹ Lê”…; Bùi Hiển với “Nằm vạ”, “Ma đậu”…; Kim Lân với “Vợ nhặt”; Tô Hoài với “Giăng thề”, “Xóm Giếng ngày xưa”… Mỗi nhà văn hướng ngòi bút vào khía cạnh khác nhau của đời sống nông thôn ngày ấy, từ đó tạo nên bức tranh văn học nông thôn thời kỳ 1930 – 1945 thật đa sắc màu.
Những năm kháng chiến, đề tài nông thôn hòa quyện vào đề tài chiến tranh khi “cả thế hệ xoay trần đánh giặc”. Hòa bình lập lại, văn học về đề tài nông thôn lại ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm đặc sắc như “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông” của Lê Lựu, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Mưa mùa hạ” của Ma Văn Kháng, “Thương nhớ đồng quê” và “Những bài học nông thôn” của Nguyễn Huy Thiệp, “Khách ở quê ra” của Nguyễn Minh Châu, “Chuyện làng ngày ấy” của Võ Văn Trực, “Nỗi đau dòng họ” của Sương Nguyệt Minh… Nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, được đông đảo người dân yêu thích.
Những năm gần đây, văn học về đề tài nông thôn có những các tác phẩm nổi tiếng như “Ma làng” của Trịnh Thanh Phong, “Màu rừng ruộng” của Đỗ Tiến Thụy, “Bí thư tỉnh ủy” của Vân Thảo, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, “Quán Thủy Thần” của Nguyễn Hải Yến… Song, dù đã có những thời kỳ phát triển khá rực rỡ nhưng nếu đặt trong dòng chảy chung của nền văn học nước nhà, có thể thấy đề tài nông thôn hiện đại vẫn còn ít ỏi, số tác giả trẻ quan tâm đến mảng đề tài này không nhiều.
Tìm “hạt vàng” từ những cuộc thi
Mới đây, cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” sau 2 năm phát động đã chính thức vào “chung kết”; Giải nhất được trao cho nhà văn Trần Chiến với truyện ngắn “Con chú con bác”, Giải nhì được trao cho Nguyễn Thị Minh Thúy với “Xóm cồn” và Lê Ngọc Hạnh với “Cô Sáu Cam”… Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 1.256 truyện ngắn của các tác giả chuyên và không chuyên thuộc nhiều thành phần, độ tuổi, nghề nghiệp…, nhưng ở họ có chung một tinh thần đau đáu với sự thay đổi của làng quê Việt giữa thời hội nhập. Đặc biệt, trong đó có những tác giả gửi đến hàng chục tác phẩm dự thi. Điều đó cho thấy sự quan tâm của nhiều cây viết đến mảng đề tài này.
Cuộc thi viết “Làng Việt thời hội nhập” góp phần giải “cơn khát” tác phẩm về đề tài nông thôn. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy chia sẻ trong Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” rằng, “ở tất cả các cuộc thi do báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội cho tới các tờ báo phía Nam đã từng tổ chức, số lượng tác phẩm lấy đề tài nông thôn làm bối cảnh chiếm tới 90%. Điều này phản ánh rằng đa phần các nhà văn đều sinh ra ở nông thôn, đó là lĩnh vực họ am hiểu, tình cảm gắn bó nhất. Vì vậy, khi họ đặt bút viết, cảm xúc lớn nhất vẫn là về quê hương, bản thân tôi cũng vậy”.
Tuy rằng không phải ở bất cứ cuộc thi nào cũng có thể đãi cát để tìm được vàng, nhưng rõ ràng thực tế cũng đã chứng minh qua nhiều cuộc vận động sáng tác, các cuộc thi viết, các giải thưởng văn học, thì nhiều tác phẩm đã từ những “bệ đỡ” này mà “cất cánh”, trong đó có các tác phẩm viết về đề tài nông thôn. Không ít tác phẩm nhờ giải thưởng, nhờ cuộc thi mà được độc giả biết đến nhiều hơn. Có thể kể đến “hiện tượng” Nguyễn Ngọc Tư với “Ngọn đèn không tắt” (Giải nhất Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ II – năm 2000) và “Cánh đồng bất tận” (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2008). Hay gần đây là Nguyễn Hải Yến “nổi” lên từ tác phẩm “Quán Thủy Thần” được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019.
Để dòng chảy văn học về đề tài nông thôn không đứt gãy, những cuộc thi sáng tác về đề tài này nên được tổ chức thường xuyên để tạo sân chơi nhằm khuyến khích các nhà văn, đặc biệt là các cây viết trẻ tham gia. Khi quá trình đô thị hóa đang ngày một gay gắt, khi những người nông dân đang ngày càng hòa nhập với sự phát triển của thế giới thông qua các thiết bị thông minh, thì nông thôn ở thời đại mới vẫn luôn là đề tài thú vị chờ các tác giả khai phá.
Theo báo Hà Nội mới