(HNMCT) – “Dã quỳ nở muộn”, tập truyện ngắn của nhà văn Kiều Ngọc Kim vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (tháng 1-2022), là cuốn sách dày dặn về số trang, đầy đặn về nội dung, nghệ thuật.
Cuốn sách giống như một bức tranh với nhiều mảnh ghép hiện thực sống động, có giá trị nhân sinh, mang đậm dấu ấn cá nhân, dấu ấn thời cuộc trong một khoảng thời gian và không gian rộng lớn. Đồng thời, cũng là thời gian và không gian nghệ thuật của nhà văn.
Nhiều truyện ngắn trong tập sách hấp dẫn ngay từ tên gọi. Đó là “Nước mắt đỏ”, “Giấc mộng đen”, “Lênh đênh phận bạc”, “Mây phủ học đường”, “Chuyến xe định mệnh”, “Tiếng hót chim chào mào”, “Dã quỳ nở muộn”… Những tên gọi ấy, đọc lên là nhớ.
Trong số hơn ba chục truyện ngắn trong tập sách, tôi đặc biệt ấn tượng với “Tiếng hót chim chào mào” và “Dã quỳ nở muộn”. Đây cũng có thể coi là hai truyện ngắn tiêu biểu, hai điểm nhấn đáng lưu ý. Nếu “Tiếng hót chim chào mào” đậm chất hiện thực, đậm chất văn xuôi, thì “Dã quỳ nở muộn” đậm chất lãng mạn, đậm chất thơ.
Trong “Tiếng hót chim chào mào”, những cựu chiến binh thương nhau và vì thương nhau mà “làm liều” đến nỗi, đến mức phải đánh tráo con của người khác thành con của một đồng đội cũ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, chỉ “vì thương anh chị lận đận đường con cái…”, vì muốn gia đình họ hạnh phúc.
Trong “Dã quỳ nở muộn”, chị Yến được dân trong vùng coi là “hoa cúc quỳ non Tản”, là “hoa hậu dã quỳ”, đã sống hết mình, yêu hết mình và mang trong mình giọt máu của anh Hoàng – một người lính. Nhưng Hoàng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Yến sinh con khi chưa thành thân với Hoàng. Mặc dầu vậy, trong lòng mọi người, họ mãi như dã quỳ, loài hoa luôn tràn đầy sức sống, biểu tượng cho tình yêu đôi lứa mãnh liệt, thủy chung.
Truyện ngắn của Kiều Ngọc Kim rất có văn. Nhiều lúc ông rất dụng công để viết nên những đoạn văn mang màu sắc tâm trạng đầy ám ảnh. Đoạn trích từ “Suối khô” là một ví dụ tiêu biểu:
“Đêm khuya, ông Vãn vẫn trằn trọc. Đêm xa nhà, khó ngủ. Thật lạ, cuộc đời chiến chinh buộc ông xa nhà dài đằng đẵng, trú quân ở đâu là quê ở đó, nằm võng che tăng bạt nhiều hơn giường chiếu, có bao giờ thấy cái cảm giác lạ nhà đâu?
Trăng cuối tháng lấp ló trên ngọn cây lộc vừng trước sân nhà đứa cháu họ. Gió nổi lên. Mây đen ùn ùn kéo đến.
Trăng mờ dần, tắt lịm. Sấm đùng đùng, chớp sáng lòe, gió giật từng cơn, mạnh dần. Hàng cau già rung bần bật. Cây lộc vừng xanh um cành lá vật vã, ngả nghiêng. Bão gió tàn nhẫn làm hàng ngàn cánh hoa đỏ như những giọt máu tươi rơi rụng, ào ào ném xuống sân gạch.
Ông Vãn bồng bềnh trôi theo đám mây trắng như sương khói…”.
Trong “Má Sáu cầu Ngang”, qua lời má Sáu, ta thấy việc nói về những “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và sự quan tâm đến những “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” thật có tình, có lý, vừa sâu sắc, vừa thấm thía: “Chẳng ai sinh ra đã nghĩ sẽ là anh hùng. Chẳng ai đánh đổi máu xương người thân để trở thành anh hùng. Nhưng Nhà nước làm vậy là mát mẻ vong linh ông Hai và thằng Ba Huy dưới suối vàng. Má già rồi, sống được bao lâu nữa đâu mà cần danh vọng…”.
Đọc “Dã quỳ nở muộn”, có cảm giác chính sự thiên lương giống như một thứ ánh sáng đã soi rọi và dẫn đường cho Kiều Ngọc Kim mỗi khi ông cầm bút. Thông qua tác phẩm văn học, ông phản ánh thân phận con người trong mọi ngõ ngách của đời sống, trong mọi hoàn cảnh xã hội, nhất là thân phận người lính thời hậu chiến.
Văn Kiều Ngọc Kim có thế mạnh ở sự trải nghiệm và dường như rất lâu rồi ông nghiền ngẫm và làm khác lạ mình từ sự trải nghiệm ấy. Chính sự trải nghiệm đã làm nên sự khác biệt của Kiều Ngọc Kim, người cựu chiến binh đã nhiều năm từng sống, chiến đấu trên chiến trường B2 miền Đông Nam Bộ. Gần chục năm nay, sau khi nghỉ hưu, Kiều Ngọc Kim vẫn viết nhiều, viết khỏe và đã xuất bản thêm một số tác phẩm mới, riêng truyện ngắn đã là tập thứ 5. Ông viết như một nhu cầu và đòi hỏi tự thân. Điều này chứng tỏ nội lực văn chương trong ông còn rất tiềm tàng, mà “Dã quỳ nở muộn” chỉ là một minh chứng