“Trái tim” đem lại sức sống cho nền kinh tế chính là các doanh nhân khởi nghiệp, và vai trò quan trọng nhất của họ là vượt qua các kháng cự với đổi mới.
Trong phần lớn tiến trình lịch sử loài người, các hoạt động kinh tế được mặc định là gắn liền với những tiền đề hữu hình và hữu hạn: tư liệu sản xuất (đất đai, nguyên, nhiên liệu,…), lực lượng sản xuất (hay nhân lực) và vốn.
Và mối quan tâm thường trực của bất cứ ai tham gia vào hoạt động kinh tế là sự phân bố các tiền đề hữu hạn ấy vào các lĩnh vực, dạng thức kinh tế khác nhau như thế nào, cũng như tác động lên quá trình phân bố này sao cho có lợi nhất cho bản thân mình, bởi nguồn lực dồn vào nơi này cũng đồng nghĩa với bị rút bớt khỏi nơi khác.
Nhưng liệu câu chuyện này còn đúng nữa không? Đây chính là câu hỏi các tác giả Arnold Kling và Nick Schulz tìm cách trả lời trong cuốn sách Từ đói nghèo đến thịnh vượng (From Poverty to Prosperity).
Trong cuốn sách này, các tác giả đã bàn về kinh tế học 2.0, một khái niệm được đưa ra để bao quát các đặc trưng của nền kinh tế toàn cầu mới hình thành trên cơ sở những tiến bộ chóng mặt về kỹ thuật trong những thập niên vừa qua. Trong đó, các tác giả nhấn mạnh vào khái niệm “tầng phần mềm” như là phần linh hoạt, nhạy bén, dễ thích ứng thay đổi nhưng cũng dễ bị tổn thương và tiềm ẩn rủi ro của nền kinh tế mà vốn không được để tâm tới một cách thích đáng trong Kinh tế học quy ước (hay 1.0) chỉ chú trọng vào “phần cứng” (những gì hữu hình, hữu hạn).
Klin và Schulz nhấn mạnh ngay từ đầu chỉ đi sâu nghiên cứu vào “tầng phần mềm” của hoạt động kinh tế, người ta mới giải thích được những khoảng cách về nhu cầu, thụ hưởng, mức sống giữa các thời điểm khác nhau (khoảng cách thời gian) và giữa các quốc gia khác nhau (khoảng cách phát triển). Bằng những lập luận được minh họa bằng ví dụ, dữ liệu của mình, các tác giả đã chỉ ra rằng sự tập trung, chú ý đúng mức tới “tầng phần mềm” của nền kinh tế chính là nơi các quốc gia có thể đưa nền kinh tế của mình vượt khỏi khuôn khổ bị bó buộc bởi tiền đề “khan hiếm” của kinh tế “phần cứng” đơn thuần để đi tới nền kinh tế trong đó đặc trưng chính là “dư dả” với “tầng phần mềm” là động lực chủ đạo. Đó cũng chính là bước chuyển để xã hội có thể đi từ nghèo đói lên thịnh vượng, như tên gọi Klin và Schulz đặt cho cuốn sách của mình.
Sau khi đưa ra khái niệm và minh họa cho sự đúng đắn của cách tiếp cận theo Kinh tế học 2.0 trong quá trình “thoát nghèo” nói chung của bất cứ nền kinh tế nào, Klin và Schulz đi sâu vào phân tích một số khía cạnh then chốt của cách tiếp cận này.
Trước hết, đó là vai trò của khoa học, công nghệ và cải tiến trong việc nâng cao mức sống con người. Đó chính là “tài sản vô hình” không bị giới hạn bởi bất cứ sự khan hiếm nào như các loại tài nguyên hữu hình, là động lực vô tận cho phát triển cũng như nguồn gốc để sự dư dả không còn là độc quyền của số ít mà trở thành đặc tính phổ quát của xã hội. Song hành cùng khoa học, công nghệ là bản chất thử nghiệm liên tục của phát triển kinh tế, chỉ quá trình thử nghiệm – sai – sửa – thử nghiệm của chính nền kinh tế mới giúp nó không bị đình trệ mà duy trì được lực đẩy để tiến lên.
Theo các tác giả, sự phát triển tri thức và ứng dụng tri thức không nhất thiết song hành hay định trước. Có những tri thức được khám phá ra nhờ nhu cầu bức thiết, cũng lại có những tri thức được khám phá ra rất lâu trước khi con người tìm thấy ứng dụng cho nó. Song không có tri thức nào là vô ích, vì tri thức là thứ sẽ giúp con người vượt qua sự hữu hạn của nguồn cung vật chất trên Trái đất, giúp các giới hạn bị vượt qua ngày càng nhanh chóng, thường xuyên hơn, làm chân trời phát triền của chúng ta ngày càng rộng mở, cơ hội cho thịnh vượng ngày càng dồi dào hơn.
Nếu các yếu tố tích cực trong “tầng phần mềm” được Klin và Schulz chỉ ra là những động lực bất tận cho tăng trưởng hướng tới thịnh vượng, thì các “lỗi phần mềm” cũng được chỉ ra là yếu tố cản trở quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt trong phát triển của các quốc gia, đặc biệt là các “lỗi” ở “hệ điều hành” của nền kinh tế. Dưới hình thức trao đổi với các nhà kinh tế học tên tuổi, các tác giả đã chỉ ra, phân tích một số “lỗi phần mềm” nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới một quốc gia, bao gồm: chủ nghĩa bộ lạc, thiếu đảm bảo quyền sở hữu tài sản, tham nhũng, sự lệ thuộc vào các nguồn thu nhập “không tự kiếm được”, thiếu kiến thức và kỹ năng.
Nhấn mạnh vai trò của “hệ điều hành” lành mạnh cho một nền kinh tế thịnh vượng, song Klin và Schulz chỉ ra rằng “trái tim” đem lại sức sống cho nền kinh tế chính là các doanh nhân khởi nghiệp, và vai trò quan trọng nhất của họ là vượt qua các kháng cự với đổi mới. Các tác giả đồng thời cũng xem xét vai trò của các định chế tài chính trong việc giảm chi phí của các hoạt động chấp nhận rủi ro, vốn là một phần tất yếu của đổi mới sáng tạo, cũng như vai trò của Chính phủ cũng như hiệu quả tích cực từ khả năng thích nghi với thay đổi.
Cuối cùng, Klin và Schulz khép lại cuốn sách bàn về Kinh tế học 2.0 của mình bằng việc chỉ ra những vấn đề quan trọng của “tầng phần mềm” cần được nghiên cứu thêm. Bởi cách tiếp cận mới này cũng cần thêm thời gian để tự hoàn thiện mình, đồng thời nguyên lý của nó cũng cần được cụ thể hóa cho phù hợp với vấn đề, thách thức cụ thể của từng nền kinh tế, từng quốc gia (phát triển hay đang phát triển, chậm phát triển) để có được hiệu quả tốt nhất.
Dịch giả Lê Đình Chi | Vietnamnet.vn