Từ Chân trời có người bay (2002, 2006) đến Vẫy vào vô tận (2014), Đỗ Lai Thúy vẫn giữ nguyên một bút pháp, một écriture: viết chân dung học thuật, một thứ chân dung nhìn nghiêng, chân dung – tùy bút, “có ấn tượng, ký ức, cảm nghĩ, tán thưởng, tranh luận, thóc mách, và đôi lúc vượt quá cả khoảng cách sử thi” (1). Vẫn giữ nguyên một lựa chọn: “…các nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng, …những người bị đời thường che khuất, thậm chí oan khuất, …những người nguyện hiến cuộc đời mình cho sự tìm kiếm sự thật, mà sự thật nào thì cũng là một cái khác, hay ít nhất cũng làm đổi khác một nếp cảm, nếp nghĩ, hay một cái nhìn đã đóng cặn. Điều gây bất ổn cho đám đông” (2). Nhưng, nếu Chân trời có người bay thiên về “trục vớt” những đóng góp học thuật, nêu ra những giá trị nhân cách, kinh nghiệm ứng xử của từng người như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy, Trần Đức Thảo, Nguyễn Ngọc Chương, Thái Bá Vân…, thì Vẫy vào vô tận ưu tiên những vấn đề tư tưởng, văn hóa, xã hội, hệ hình và chuyển đổi hệ hình tư duy thông qua cuộc đời hoạt động của 17 nhân vật như Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nhất Linh, Nguyễn Hiến Lê, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Tài Cẩn, Đặng Nghiêm Vạn, Hà Văn Tấn…
Tuy là một cuốn tùy bút chân dung, nhưng Vẫy vào vô tận đã đặt ra nhiều vấn đề. Ở đây, chúng tôi chỉ xin gảy ra một vài vấn đề cơ bản. Vấn đề thứ nhất nằm trong diện quan tâm đặc biệt của cuốn sách là hiện đại hóa đất nước. Vào cuối TK XIX và nửa đầu XX, câu chuyện đặt ra là: hoặc cứ đánh giặc cứu nước trước đã rồi hiện đại hóa sau, hoặc kết hợp hiện đại hóa với cứu nước, hiện đại hóa để cứu nước/ cứu nước bằng hiện đại hóa. Nhưng điều oái oăm là lúc này hiện đại hóa đồng nghĩa với Pháp hóa, Tây phương hóa, mà Pháp và Tây dương nói chung đang là kẻ thù của dân tộc, nên không thể học, kể cả những điều tốt đẹp, ở kẻ thù. Đấy là chưa kể những người có tư tưởng hiện đại hóa thì ít nhiều dính đến Pháp hoặc phương Tây như tín đồ Kitô giáo (Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký…), hoặc học trường Tây, đã từng làm việc cho Tây (Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh…). Bởi thế, những điều trần, kiến nghị, chủ trương cải cách của họ đều bị nghi ngờ, phủ nhận, không áp dụng. Con đường cứu nước phi truyền thống bằng duy tân văn hóa này, như kết hợp văn hóa Đông – Tây, Nam – Pháp, hoặc tổng hợp Tân – Cựu, Khoa học – Đạo học, hay nhất biên đảo theo văn minh phương Tây (Nhất Linh), đều không được thông hiểu, hoặc không được hiểu đúng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là sau kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954, đất nước tạm chia thành hai miền, hai chế độ. Miền Nam, chính trị bị phụ thuộc, nhưng văn hóa xã hội vẫn ở tình trạng liên thông với thế giới bên ngoài như trước 1945. Bởi thế, các tư tưởng triết học, khoa học, nghệ thuật dễ cập nhật tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hiện đại hóa, giã từ văn hóa tiền chiến. Điều này có thể thấy rõ những đổi mới trong nghiên cứu văn hóa, văn học của Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Đặng Tiến… Ở miền Bắc, trước Đổi mới và Mở cửa 1986, công cuộc hiện đại hóa khó khăn hơn. Những tư tưởng tiền hiện đại về văn hóa, nghệ thuật vẫn thống trị xã hội. Những canh tân về học thuật, vì thế, rất quanh co, khúc khuỷu. Có thể thấy điều này qua cuộc đời học thuật của Văn Tâm, Hoàng Ngọc Hiến… Hiện đại hóa ngày nay không chỉ đồng nghĩa với phương Tây hóa như trước đây, mà đồng nghĩa với thế giới hóa, toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ở Việt Nam nhiều người vẫn đánh đồng các thành tựu phổ quát của nhân loại với thành tựu tư sản, do vậy coi những người tiếp thu tư tưởng hiện đại bên ngoài là những người theo tư sản, mất gốc, sùng ngoại, lai căng… Đây chính là “bi kịch canh tân”, mà chừng nào chưa thoát khỏi những định kiến này thì công cuộc hiện đại hóa còn chậm chạp, phiến diện, thậm chí lệch lạc.
Vấn đề thứ hai mà cuốn sách đặt ra và mong muốn góp phần giải quyết là đi tìm lời giải cho những thành tựu nghiên cứu. Trước 1945, các nhà canh tân đều có những phát kiến sắc sảo, đặc biệt họ đều xây dựng được những mô hình tư tưởng. Như Trương Vĩnh Ký mở đầu cuộc đối thoại Đông Tây, Nguyễn Văn Vĩnh người Nam mới đầu tiên (Tân Nam Tử đối lập với các Đồ Nam Tử), rồi Đào Duy Anh, Phan Khôi… Sau 1945, các nhà đổi mới thì thường không được như vậy. Ít người xây dựng được mô hình. Họ thường mặc nhiên thừa nhận một mô hình có sẵn. Bởi thế, công việc của họ chủ yếu là cơi nới, mở rộng không gian, trang hoàng cho một ngôi nhà đã xây dựng xong, chứ không phải xây dựng một ngôi nhà khác, dù ở họ có những chớp lóe thiên tài. Như Phan Ngọc, Trần Đình Hượu, Hà Văn Tấn, Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Tài Cẩn…
Có lẽ, cái làm nên sự khác nhau giữa hai lớp người này, trước hết, là ở tính cách học thuật. Một đằng là những nhà khoa học, khoa học vị khoa học. Tuy nhiên, cái tinh thần vị khoa học ấy lại rất phù hợp với ý hướng xây dựng một nền khoa học của người Việt Nam cho người Việt Nam trong hoàn cảnh mất nước, phù hợp với việc khẳng định ý thức cá nhân của người trí thức. Còn đằng kia là những cán bộ khoa học. Họ làm học thuật, trước hết để xây dựng một nền học thuật mới, xã hội chủ nghĩa, của nhà nước. Phần nhiều họ phải bắt đầu từ chỗ bắt đầu: vừa dạy vừa học, học để dạy, để đào tạo thế hệ cán bộ khoa học mới (Hà Văn Tấn, Nguyễn Tài Cẩn, Đặng Nghiêm Vạn). Những thành công khác nhau của họ nằm ở tương quan giữa hai từ cán bộ và khoa học. Người nào nặng về vai trò cán bộ của mình thì dễ trở thành nhà quản lý khoa học, thành tích khoa học của họ vì thế có thể bị suy giảm. Còn người nào nghiêng về khoa học thì thường trở thành cán bộ chuyên môn thuần túy, thành tích khoa học dễ nâng cao hơn, nhưng lại phải chịu nhiều thiệt thòi về lợi ích vật chất. Tuy nhiên, đây chỉ là sự phân tích trên phương diện lý thuyết. Trong thực tế, có không ít người giữ được sự cân bằng giữa hai vai trò trên, nhưng cũng có người lệch hẳn về một phía: họ trở thành hoặc là quan khoa học, hoặc là nhà khoa học ngoài lề.
Vấn đề cuối cùng của Vẫy vào vô tận là: tuy chỉ có 17 chân dung (nếu kể cả Chân trời có người bay thì có 34), nhưng nó cũng phản ảnh những tiến triển của tư tưởng văn hóa và học thuật Việt Nam qua những nhân vật mang tính hệ hình. Người mở đầu cho việc cổ xúy nền văn hóa Việt Nam bằng sự đối thoại Đông Tây là Trương Vĩnh Ký, người hoàn chỉnh hệ hình đó là Phạm Quỳnh với chủ trương kết hợp Đông Tây, Đạo học và Khoa học, tuy chủ yếu vẫn theo nguyên tắc phổ quát của cả vùng Đông Á là Đông học vi thể, Tây học vi dụng. Còn người mở đầu cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam triệt để theo hướng phương Tây hóa là Nguyễn Văn Vĩnh, nhà báo, dịch giả và một Tân Nam Tử trong lối sống và tư duy. Còn người hoàn chỉnh hệ hình này chính là Nhất Linh với Tự lực Văn đoàn, báo Phong hóa, Ngày nay và nhà xuất bản Đời nay. Tuy nhiên, đến trước thế chiến II, cả hai đường lối trên trên phương diện thực tế đều bị thất bại. Người ta hoài nghi nền văn minh phương Tây và quay trở về với văn minh phương Đông và văn hóa dân tộc. Trên cơ sở đó, chủ nghĩa Mác được chấp nhận rộng rãi ở Việt Nam. Trên diễn đàn công khai đây là thời kỳ sôi nổi của tạp chí Duy tân, Thanh nghị và nhà xuất bản Hàn Thuyên. Từ đây, khởi đầu cho việc xây dựng một hệ hình văn hóa mới, văn hóa Mác xít. Người mở đầu cho việc nghiên cứu văn hóa và khoa học xã hội Việt Nam theo quan điểm xã hội học Mác xít là Đào Duy Anh. Còn những người hoàn chỉnh hệ hình ấy thì rất nhiều, trong đó có Đặng Nghiêm Vạn, Hà Văn Tấn. Như vậy, cùng mục tiêu hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam để cứu nước hoặc xây dựng đất nước, nhưng ở mỗi thời kỳ mục tiêu, cách thức có khác nhau, đôi khi chống đối lẫn nhau, như trường hợp Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, hoặc giữa những người Mác xít và những người phi Mác xít. Hiện nay, thực chất, công cuộc hiện đại hóa còn đương tiếp tục. Nhìn lại chặng đường đã qua bằng con mắt hệ hình dễ nhận ra những kinh nghiệm để đi tiếp.
Tóm lại, Vẫy vào vô tận của Đỗ Lai Thúy là một gallery các chân dung nhìn nghiêng, nhưng được sắp xếp để tạo ra một diễn trình. Đó là “con đường chuyển đổi từ hệ hình học thuật này sang hệ hình học thuật khác, từ chân trời này đến chân trời khác. Thế hệ các nhà khoa học đã qua, hoặc không có chân trời, hoặc chỉ có một chân trời mà họ cố công tìm kiếm. Đó là chiến công và cũng là giới hạn của họ. Thế hệ khoa học mới bây giờ đã có nhiều chân trời để bay. Vấn đề là khát vọng bay và, quan trọng hơn, biết bay. Viết Chân trời có người bay và Vẫy vào vô tận, tôi không tôn vinh quá khứ mà để kiến thiết một hiện tại” (3). Tôi xin kết thúc bài viết này bằng lời tâm sự của tác giả Đỗ Lai Thúy và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Huế, 6 – 2014
Theo Bookhunterclub