Đối với mỗi độc giả của Truyện dân gian Do Thái, cuốn sách như đang mở ra một không gian văn hóa, tôn giáo, lịch sử đi cùng những bài học về đạo lý, đời sống, dẫn người đọc vào một cuộc hành trình dọc theo những kiếp người đầy cuốn hút và thú vị.
Có một hướng đi tương đối khác biệt so với văn học thế giới, người Do Thái mang chủ trương “Văn dĩ tải đạo” tới cả những đối tượng bình dân. Đặc biệt là với văn học dân gian, bên cạnh sự trân trọng và bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, người Do Thái chú trọng truyền tải vào đó những thông điệp, bài học đạo đức, đề cao trí tuệ và sự khôn ngoan.
Nếu độc giả đã quen thuộc với những đặc trưng của các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam như hình tượng những người anh hùng trong sử thi, yếu tố lịch sử và kỳ ảo trong truyền thuyết,… thì đến với cốt truyện dân gian Do Thái, ta sẽ thấy thêm những nhân vật hoàn toàn mới – người có trí tuệ, minh triết trong lối sống như vua Solomon; những người mang tới phép màu và niềm hy vọng như đại ngôn sứ Elijah; thầy cả – hiện thân của sự uyên bác, khôn ngoan – đại diện cho cộng đoàn Do Thái giáo, v.v.. Những nhân vật cơ bản, xuất hiện nhiều lần nhưng luôn được lồng ghép khéo léo vào các câu chuyện trong kho tàng văn học dân gian, đã thể hiện rõ những nét văn hóa đặc trưng cùng niềm tin tôn giáo của người Do Thái.
Lần theo gần 100 cốt truyện dân gian được tuyển dịch và biên soạn cẩn thận trong cuốn “Truyện dân gian Do Thái”, độc giả sẽ được chứng kiến một bức tranh đầy màu sắc về mấy ngàn năm luân lạc của dân tộc Do Thái. Họ đã trải qua nhiều khổ đau: chịu sự đô hộ, sống cuộc đời tha hương, bị sách nhiễu cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng trong những câu chuyện của họ, nét đẹp đạo đức, vẻ sáng ngời của tôn giáo vẫn hiện lên lấp lánh, mang nhiều ý nghĩa răn dạy về đức tin, lòng kính sợ Thượng đế, tuân giữ lề luật và luôn đặt niềm tin vào tương lai phía trước.
Bên cạnh văn học dân gian mang nặng mẫu thức của Kinh thánh, ta còn thấy một dân tộc Do Thái phát triển rất tốt truyền thống trào phúng. Sự mỉa mai, châm biếm được đưa vào những câu chuyện nhỏ thể hiện trí tuệ, ước mơ ấp ủ về sự bình đẳng, tự do và no đủ của người dân nơi đây. Đối với một dân tộc phải trải qua nhiều lam lũ, tha hương, lời hứa về một thế giới lý tưởng cùng sự xuất hiện của Đấng Cứu thế được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những câu chuyện dân gian được nhìn nhận như một sự nuôi dưỡng niềm hy vọng, quyết tâm chịu đựng, vượt qua gian khổ với một tâm tư nhẹ nhàng và một “người bạn đồng hành biết kể chuyện vui”.
Giống như hầu hết văn học dân gian của các dân tộc khác, điểm đặc trưng trong bút pháp nghệ thuật của truyện dân gian Do Thái là tính truyền miệng, tính tập thể và do nội dung của các câu chuyện cổ tập trung nhiều vào yếu tố giáo dục, răn dạy về tôn giáo, đạo đức, lối sống, vì thế, cách dẫn dắt cốt truyện luôn ngắn gọn, trực tiếp hướng tới những vấn đề chung của cả cộng đồng, dân tộc. Câu chuyện sử dụng nhiều đoạn đối thoại với ngôn từ giản dị, gợi mở ra những nét văn hóa cội nguồn.
Về thiết kế và biên soạn nội dung, cuốn truyện dân gian Do Thái sẽ là một món quà lý tưởng cho bất cứ ai dành sự yêu thích, quan tâm tới văn hóa dân tộc Do Thái, đặc biệt là những độc giả nhỏ tuổi. Cấu trúc của cuốn sách được phân chia tương đối rõ ràng, câu chuyện được xếp theo chủ đề và bối cảnh cốt truyện phù hợp với từng giai đoạn thời gian và không gian. Phần ghi chú trong cuốn sách được giản lược khá nhiều so với các bộ tổng tập Kho tàng truyện Dân gian Do Thái, chỉ giữ lại những ghi chú quan trọng, dễ dàng nắm bắt nhất. Bên cạnh đó, đằng sau mỗi câu chuyện là các hình ảnh nhỏ có tính Kinh thánh, tạo nên một cuốn sách phong phú, sống động, gợi mở trí tưởng tượng của độc giả.
Đối với mỗi độc giả của Truyện dân gian Do Thái, cuốn sách như đang mở ra một không gian văn hóa, tôn giáo, lịch sử đi cùng những bài học về đạo lý, đời sống, dẫn người đọc vào một cuộc hành trình dọc theo những kiếp người đầy cuốn hút và thú vị.