Cuốn Vua Gia Long của Marcel Gaultier đã không chỉ vẽ nên chân dung vị vua đầu triều Nguyễn, mà còn cho độc giả nắm được lịch sử Việt Nam từ khởi nguồn đến đầu thế kỷ 19.
Cuốn Vua Gia Long của Marcel Gaultier đã không chỉ vẽ nên chân dung vị vua đầu triều Nguyễn, mà còn cho độc giả nắm được lịch sử Việt Nam từ khởi nguồn đến đầu thế kỷ 19.
Với nhãn quan của một người Pháp, cuốn sách cũng đem đến cho người đọc những góc nhìn thú vị và những chi tiết chân thực, lấy từ các tài liệu của những nhân vật người Pháp đương thời để lại.
Cuốn sách không quá dài, chỉ gói gọn trong 200 trang bằng tiếng Việt (theo bản dịch của Đỗ Hữu Thạnh, NXB Thế giới và Omega Plus vừa phát hành), được chia làm 4 chương.
Chương I để kể về các sự kiện trong lịch sử Việt Nam cho đến khi vua Quang Trung chiếm Thăng Long lần thứ ba năm 1789. Từ chương II và III mô tả về cuộc chiến của chúa Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn, thông qua câu chuyện song song của hai nhân vật Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) và chúa Nguyễn Ánh.
Chương IV nói về hoàn cảnh đất nước Việt Nam sau khi vua Gia Long lên ngôi, trong đó phần cuối chương đề cập chi tiết đến tổ chức triều đình và quản lý đất nước, các luật lệ của triều đình cho đến khi ban hành bộ Hoàng Việt luật lệ, tức Luật Gia Long được áp dụng từ năm 1818.
Mảng lịch sử thu gọn của đất nước Champa và Cao Miên cũng được tác giả đề cập khéo léo trong mối quan hệ của cuộc Nam tiến của nhà Nguyễn, trong chương I và IV.
Marcel Gaultier nghiên cứu sâu về các công trình hành chính của vua Gia Long, chính sách đối ngoại của ông. Với tài liệu của mình, Gaultier phản biện lại chính sử của nhà Nguyễn khi nói rằng triều đại Gia Long là một giai đoạn trật tự và ổn định. Ông dẫn chứng bằng các tài liệu được công bố thời bấy giờ của cha Léopold Cadière, chứng minh rằng vua Gia Long bị ngập lút đầu trong những sự kiện.
Thậm chí, tác giả còn nặng nề trích dẫn Chaigneau, viên tướng người Pháp của vua Gia Long rằng, dân chúng thời Gia Long sống rất lầm than, khi vua và quan lại đã làm mất lòng dân theo cách gây phẫn nộ nhất. Công lý được tính bằng tiền, người giàu có thể tấn công người nghèo mà không bị trừng phạt bởi lẽ y chắc chắn rằng, với tiền bạc, công lý sẽ đứng về phía y…
Tuy nhiên, tác giả đánh giá cao pháp luật được ban hành dưới thời Gia Long. “Công lý cai trị ở đây cũng hiệu quả hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới”, ông trích nhận xét của cha de Rhodes và cho rằng: “Bộ luật Gia Long đã thích ứng tuyệt vời với tính cách người An Nam vốn trọng lễ nghi, khách sáo, đam mê uy quyền nhưng lại hành xử với lòng tốt”.
Về chính sách đối ngoại của vua Gia Long, Gaultier kết luận: “Nhà vua đã xa lánh những người châu Âu với một thái độ nghi kị, tuy thế không từ chối những lợi ích vô vị mà nhà vua có thể có được, đó là những đường nét cốt lõi của một chính ssacsh mà vua Minh Mạng theo đuổi với thái độ kiên quyết không lay chuyển”.
Michel Gaultier (1900-1960) viết Vua Gia Long sau 10 năm làm công chức tại Việt Nam, với vị trí biên tập viên trong Nha Dân sự vụ thuộc Phủ Toàn quyền. Với niềm say mê tìm hiểu về đề tài bản xứ, ông đã trở thành một nhà biên khảo sử thuộc địa, kiêm nhà văn có những tiểu thuyết và truyện chuyên về bối cảnh Việt Nam và Đông Dương.
Cuốn sách chân dung vua Gia Long là tác phẩm đầu tiên của Gaultier, với mong muốn trình bày toàn cảnh lịch sử Việt Nam từ thời lập quốc (ông xác định là năm 275 trước Công nguyên, khởi đầu nhà Thục) cho đến năm 1802 – thời điểm Việt Nam thống nhất sau nhiều năm chiến tranh, chia rẽ.
Trong lời giới thiệu cuốn sách, PGS. TS. Bửu Nam, thành viên hoàng tộc triều Nguyễn đã nhận xét đây là một công trình biên khảo về vua Gia Long và lịch sử Việt Nam có những thành tựu đáng kể trong thời điểm xuất bản, nhưng cũng có một số hạn chế do quan điểm, lối viết sử thuộc địa của tác giả.
“Đây là một cuốn sách khá hấp dẫn để tham khảo”, ông Bửu Hội đánh giá và cảm thấy thú vị khi đọc những ghi chép của Gaultier về những cuộc xung đột ở Việt Nam thời đó, từ xung đột chính trị, tôn giáo, cuộc chiến tranh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn, cuộc nổi dậy của Tây Sơn, vì nó thể hiện rõ “cái nhìn viết sử bên ngoài”.
Vua Gia Long này được Marcel Gaultier xuất bản tại Sài Gòn năm 1933, bị lãng quên trong lớp bụi thời gian, rồi tình cờ đến tay thầy giáo Đỗ Hữu Thạnh, người tu nghiệp tại Pháp và dạy tiếng Pháp ở Pháp quốc. Hứng thú với vị vua mở đầu triều Nguyễn, thầy giáo Thạnh đã dành thời gian dịch cẩn thận, tham khảo ý kiến các chuyên gia, học giả thuộc Hoàng tộc. Bản dịch được hoàn thiện và ra mắt độc giả đúng vào năm kỷ niệm 200 năm vua Gia Long lên ngôi.
Ngoài Vua Gia Long, Gaultier còn viết cuốn Vua Minh Mạng (1936) – cuốn sách được nhận giải thưởng Therouanne của Viện Hàn lâm Pháp trao cho công trình sử học hay vào năm 1937. Sau đó, ông tiếp tục viết hai công trình biên khảo về vua Hàm Nghi mang tên Hoàng đế bị lưu đày và Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Hàm Nghi, hoàng đế An Nam, xuất bản vào các năm 1940 và 1959.
Lê Tiên Long (Trạm đọc)