Đâu là ranh giới giữa những thứ chúng ta mua được và không mua được bằng tiền? Tác giả đưa ra nhưng cơ sở, lập luận đa chiều mà từ đó người đọc có thể xác định được đâu là ranh giới của riêng mình. Tìm lời giải đáp cho câu hỏi “tiền không mua được gì?” là khó, tuy nhiên việc đặt ra câu hỏi ấy lại vô cùng cần thiết trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
1. Thị trường xâm chiếm cuộc sống
T
rước hết, ta phải hiểu thị trường là gì. Google nói là: “Thị trường, trong kinh tế học và kinh doanh, là nơi người mua và người bán tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau để trao đổi, mua bán hàng hóa và dịch vụ.”. Ngắn gọn hơn, đó là nơi diễn ra hoạt động mua-bán, trao đổi mà trung gian là tiền hoặc một thứ “giá ẩn” nào đó. Như vậy, “quan điểm thị trường” là ủng hộ việc trao đổi buôn bán, mọi thứ đều là hàng hóa và câu hỏi duy nhất được đặt ra là “Bao nhiêu tiền?”.
Phần đầu của sách, tác giả cho người đọc thấy một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, phá tan mọi hàng rào, biên giới của thị trường. Đa số không còn phân biệt được đâu là thị trường đâu là phi thị trường. Tư tưởng mua-bán đã lẻn vào từng khía cạnh của cuộc sống. Thành ra, nhiều người nghĩ tiền có thể giải quyết được tất cả. Vấn đề này được làm nổi bật lên qua những ví dụ cụ thể mà tác giả mang đến.
Thời này, có tiền là có quyền. Tiền là chiếc chìa khóa vạn năng sẽ mở ra “hầu hết mọi cánh cửa”. Thị trường không quan tâm đến đạo đức, tình người, lòng nhân hậu, vị tha, tính cộng đồng, trách nhiệm làm cha mẹ hay thậm chí là tính mạng con người. Đối với thị trường, mạng sống của con người cũng có thể mua được.
2. Hai lập luận ủng hộ thị trường – Hai lập luận phản đối thị trường
Hai lập luận ủng hộ thị trường:
Sau khi đưa ra những ví dụ cho thấy sức mạnh và cái bóng khổng lồ của thị trường đang tiến lại gần và phủ lên mọi mặt của cuộc sống. Tác giả đã trình bày hai lập luận của các nhà kinh tế học, những người ủng hộ thị trường, cho rằng thị trường là toàn diện, đảm bảo tính công bằng của mỗi cá nhân và sự hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội. Đó là:
Thứ nhất, [con người có quyền tự do mua bán bất cứ thứ gì họ muốn, chừng nào không ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác.]… Cấm một số hoạt động đầu cơ, mua bán vi phạm quyền tự do cá nhân khi can thiệp vào lựa chọn của người đã trưởng thành.
Thứ hai, [hoạt động trao đổi trên thị trường khiến người mua và người bán có lợi như nhau, vì vậy phúc lợi của chúng ta, tức là phúc lợi xã hội sẽ tăng lên.]… Thị trường tự do luôn phân bổ hàng hóa một cách hiệu quả nhất. Thông qua việc để cho mọi người thực thiện các giao dịch đôi bên cùng có lợi, thị trường đã phân bổ hàng hóa cho người đánh giá hàng hóa cao nhất, và giá trị ấy được đo bằng mức độ sẵn lòng chi trả của người mua.
Hai lập luận phản đối thị trường:
Thứ nhất, lập luận về tính công bằng nhằm vào sự bất công xuất hiện khi con người mua bán hàng hóa trong tình thế bất công hoặc trong điều kiện thiếu thốn về mặt kinh tế.
Thứ hai, theo lập luận về tham nhũng, một số yếu tố đạo đức sẽ bị suy giảm, bị mất đi nếu đem ra mua bán. Tạo ra tình huống công bằng cũng không giải quyết được tình trạng đó. Nó xảy ra cả trong tình huống công bằng và bất công.
Quả thực, thị trường đang ngày càng có vai trò lớn hơn trong xã hội. Đúng là thị trường giải quyết được nhiều bài toán khó trong cuộc sống, nó thể hiện phần nào sự tự do của mỗi các nhân đối với tài sản của mình. Nhiệm vụ phân bổ hàng hóa đến với người đánh giá cao và thực sự cần thứ hàng hóa đó cũng là rất tốt. Nhưng nó không hoàn hảo. Có thể nói là thiếu sót khi không xem xét, đánh giá một loại hàng hóa hay một giao dịch mua bán dựa trên chuẩn mực đạo đức. Chuẩn mực đạo đức là thứ đã tồn tại từ lâu và là khuôn khổ mà thế giới con người dựa vào đó mà vận hành, phát triển.
Hay trong một ví dụ, người ta muốn triệt sản những người mẹ bị HIV/AIDS hay nghiện thuốc bằng cách trả cho họ 400 USD để họ sẽ không đẻ ra những em bé bị HIV/AIDS bẩm sinh. Nghe thì có vẻ xuôi, nhưng trong lúc họ vật thuốc mà không có tiền để giải tỏa cơn nghiện của mình thì họ sẽ không còn sáng suốt mà suy nghĩ kỹ trước khi gật đầu đồng ý, nhận lấy mấy trăm đô-la và vứt bỏ đi quyền làm mẹ. Tính không công bằng trong một hoạt động trao đổi, mua bán là ở đây.
Giả sử là khi người ra đưa ra quyết định khi tỉnh táo, không bị ảnh hưởng bởi tiền bạc. Một số hoạt động thương mại vẫn bị phản đổi mạnh mẽ. Bởi nó làm xói mòn đạo đức, nó phá vỡ đi những giá trị phi thị trường vốn không bị ảnh hưởng bời đồng tiền. Đó là việc đến đón con đúng giờ (bổn phận của mỗi bậc cha mẹ) chứ không phải coi tiền phạt là tiền phí phải trả cho các giáo viên để họ ở lại muộn trông con bạn. Đó là hoạt động mại dâm gây tranh cãi. Một người phụ nữ có tiền nhưng vẫn muốn hành nghề mại dâm vì sở thích. Tuy nhiên, việc này kéo đến những đánh giá về phẩm chất phụ nữ, về bản chất của hoạt động tình dục hay những nguy hại của nó đến hôn nhân gia đình.
Lập luận nào cũng có cái lý của nó. Tuy nhiên, để một nền kinh tế thị trường toàn diện và hiệu quả. Nó phải nhìn lại bản thân, lắng nghe những ý kiến phản đối mà trở nên hoàn thiện hơn. Quan trọng hơn cả, con người chúng ta phải biết đâu là ranh giới và điểm dừng của thị trường.
3. Đâu là câu trả lời thích đáng?
T
ác giả có những đúc kết sau cùng rất hay. Rằng, chúng ta phải tích cực công khai tranh luận thế nào là một cuộc sống hạnh phúc hay bàn về những vấn đề đầy tranh cãi trước sự có mặt của thị trường như giáo dục, y tế, chính trị, thể thao, tình yêu, tình dục… Mỗi người có một góc nhìn riêng, nên cùng nhau phân tích và đưa ra quan điểm là vô cùng cần thiết để mang đến một quyết định chung là tiền thì mua được gì và không mua được gì.
Câu hỏi lớn mà tác giả muốn đặt ra trước khi ta trả lời câu hỏi ở bìa sách là, chúng ta muốn sống với nhau như thế nào. Chúng ta có muốn một xã hội mà cái gì cũng đem ra mua bán được hay không? Hay phải có những giá trị đạo đức, giá trị công dân mà thị trường không thể chạm đến và không thể mua được bằng tiền?
Câu trả lời là của bạn!
T
iền không mua được gì? nằm trong tủ sách Cánh cửa mở rộng của NXB Trẻ với sự hợp tác cùng giáo sư Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt. Tủ sách mang tinh thần khai sáng và có duy nhất một tiêu chí, đó là HAY. Quả như vậy, cuốn sách đã vén màn thế giới mình đang sống, rằng đồng tiền đã có ma lực mạnh mẽ đến thế nào, con người đã chấp nhận và mở cửa cho đồng tiền tiến vào ăn mòn những giá trị đạo đức ra sao. Nếu không đạp phanh và nhìn lại những giới hạn mà từ xa xưa chúng ta đã đặt ra, rằng tình bạn, tình yêu, con cái, tính mạng con người là những thứ không thể mua được. Đó là những giá trị mà ta phải biết hy sinh, đánh đổi, và hơn cả là sống bằng một tấm lòng chân thật thì mới có thể đạt được.
Như mình từng nói, đọc sách giúp ta trở thành người tốt hơn. Bởi đó, cuốn sách này có thể sẽ nắn lại đường ray cho bạn, để bạn không bị đồng tiền bẻ lái mà văng khỏi đường ray hay lao đến một thế giới mà con người có giá trị ngang bằng với đồ vật.
Trần Hiệp