Hiếm có một cuốn sách nào về chủ đề tâm linh lại được kể với ngôn ngữ hoài nghi, hài hước và lôi cuốn như thế và đó chắc chắn phải là tác phẩm của Sam Harris
Thức tỉnh điều vô hình (tựa gốc: Waking Up) của Sam Harris không khác gì một quả bom gây chấn động trong dòng sách tâm linh. “Sam Harris mang lại một góc nhìn tỉnh táo, không chút khoan nhượng về ‘siêu thị tâm linh’, gọi tên những món ăn vặt và chỉ cho chúng ta biết thành phần dinh dưỡng đích thực có thể tìm thấy ở đâu. Bất cứ ai nhận ra giá trị của đời sống tâm linh sẽ cảm thấy có nhiều điều để thưởng thức – và những ai không thấy giá trị ở đó sẽ còn tìm thấy nhiều điều hơn nữa để chiêm nghiệm” – Daniel Goleman, tác giả của Emotional Intelligence và Focus – đã hào phóng nhận định về cuốn sách của đồng nghiệp như thế.
Khi đọc tác phẩm này, độc giả không bị cảm giác mình là đứa học trò ngơ ngác đang ngước lên đón từng lời giảng của bậc chân sư. Ngay từ những dòng đầu tiên và xuyên suốt cả cuốn sách, độc giả dễ dàng bị cuốn vào những cảm xúc hoài nghi, bỡn cợt và cả sự chân thật trong cách diễn đạt của tác giả, khiến câu chuyện trở nên đáng giá và lôi cuốn một cách khó cưỡng. Không có điều cao siêu huyền bí nào được khẳng định cho đến khi những cảm xúc thiêng liêng xuất hiện đột ngột và thuyết phục chúng ta về sự hiện hữu của cái gọi là đời sống tâm linh.
Sam Harris cho rằng cái chúng ta cần để vui sống và biến thế gian này thành một nơi tử tế, chẳng phải là những ảo tưởng mà chính là sự thấu hiểu sâu sắc hơn về bản chất của vạn vật. Với cuốn sách này, một người khả tín với tâm linh cũng phải bật cười nhìn lại mình trong một lăng kính giản đơn hơn, lý trí hơn nhưng lại đủ sức xuyên thấu mọi huyễn ảo sương mù của hành trình thức tỉnh – giác ngộ. Lời nhận định của tạp chí MORE vô cùng đáng giá nếu bạn cần một lời khuyên khi tiếp cận cuốn sách này: “Đừng đọc quyển sách này… nếu bạn muốn nghe nói thiên đường là có thật. Hãy đọc khi bạn muốn khám phá bản chất của ý thức, để biết rằng chỉ cần trở nên tỉnh thức là đã có thể giải phóng ta khỏi âu lo và tự trách cứ bản thân”.
Tác giả biểu đạt những triết thuyết cốt lõi của vấn đề tinh thần hay tâm linh với giọng văn hài hước, thông minh đến bất ngờ: “Nếu biết rằng đó chính là cấu trúc của trò chơi mà chúng ta đang tham gia, chúng ta sẽ chơi theo cách khác. Cách chúng ta quan tâm đến thời điểm hiện tại quyết định phần lớn đặc tính trải nghiệm của ta, và do đó quyết định cả chất lượng cuộc sống. Những nhà huyền học và tu hành đã đưa ra những nhận định này từ xa xưa, nhưng những nghiên cứu khoa học với số lượng tăng dần giờ đây cũng đứng về phía nhận định đó”.
Những xung đột hay lằn ranh phân biệt giữa các góc nhìn về tâm linh dường như tan biến trong sự diễn giải chân thật và sâu sắc như những câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại. Giọng văn thú vị của Sam Harris nổi bật đến mức mà tờ Publishers Weekly cũng nhận định rằng: “Giá trị lớn nhất và cái mới lạ của quyển sách này là Harris, với cách viết đơn giản nhưng nhiệt thành, đã chọn con đường trung đạo giữa các khẳng định ngụy khoa học và ngụy tâm linh… dẫn đến một đời sống lành mạnh hơn rất nhiều”.
Trong sự thật thà bản năng và chân thành đến tận cùng của trải nghiệm cảm xúc, Thức tỉnh điều vô hình còn đạt đến vẻ đẹp ngôn từ của một tác phẩm văn chương, điều rất hiếm hoi xuất hiện trong những cuốn sách không thuộc thể loại văn học. Khi kể về trải nghiệm chất thức thần cùng người bạn thời niên thiếu để rồi chợt nhận ra mình yêu thương người bạn nhiều đến thế nào,.
“Không có điều gì trong cuốn sách này cần viện tới đức tin để chấp nhận” và “tất cả các nhận xét của tôi đều có thể kiểm chứng lại trong phòng thí nghiệm cuộc đời của các bạn” chính là lời hứa của tác giả dành cho các độc giả của mình. Hành trình tâm linh không một chút giáo điều của Thức tỉnh điều vô hình bao gồm 5 chương lớn: Tâm linh, Bí ẩn về ý thức, Câu đố về bản ngã, Thiền và Guru, ngoài ra tác giả còn nói đến cái chết, chất kích thích và những câu đố khác.
Hiếm có một tác giả nào có thể diễn giải những vấn đề tâm linh bằng cách phủ định các tín điều và lãnh tụ tôn giáo rồi dùng các luận cứ khoa học hoặc đời thường, thậm chí là một cơn phê thuốc để chứng minh rằng các bậc giác ngộ đó có vẻ hoàn toàn đúng, như Sam Harris. Những diễn giải đa dạng, sâu sắc của tác giả về ý thức, tâm trí, khoa học thần kinh, triết học Đông Tây cổ kim, tôn giáo nhưng gắn chặt với cảm xúc chân thật của “tính người” đã khiến Thức tỉnh điều vô hình trở thành một cuốn sách quan trọng và đáng đọc về đề tài thực hành tâm linh. Mục tiêu của thực hành tâm linh chẳng phải là mục tiêu của khoa học, nhưng chúng cũng chẳng phải phi khoa học. Hãy tìm kiếm tâm trí, hoặc tập trung vào những đối thoại của ta với người khác, và ta sẽ khám phá ra rằng chẳng hề có các ranh giới thật sự nào giữa khoa học và bất cứ lĩnh vực nào khác mong muốn đưa ra các nhận định đúng đắn về thế giới trên cơ sở chứng cứ và logic.
“Tâm linh vẫn còn là một cái hố lớn trong chủ nghĩa thế tục, nhân văn, lý trí, vô thần và tất cả các tâm thế tự vệ mà những con người lý tính đã chọn để đáp lại đức tin vô lý. Con người thuộc hai bên chiến tuyến này tưởng tượng rằng trải nghiệm huyền ảo sẽ không có chỗ trong khoa học – ngoại trừ những hành lang bệnh viện tâm thần. Cho đến khi chúng ta có thể nói về tâm linh bằng các thuật ngữ lý trí, thì thế giới này mới hết bị phân mảnh bởi giáo điều. Quyển sách này luôn là nỗ lực của tôi để bắt đầu một cuộc đối thoại như thế”, Sam Harris chia sẻ.
Không nên để câu hỏi liệu giác ngộ có phải là một trạng thái vĩnh hằng hay không, ngăn trở chúng ta. Vấn đề cốt lõi là ta nhìn ra được cái gì đó thuộc về bản chất của ý thức giúp giải phóng ta khỏi khổ đau của hiện tại. Thức tỉnh điều vô hình – một tác phẩm về đề tài tâm linh được kết thúc bằng một câu ngắn gọn, gom đủ cả minh triết và sự châm biếm đậm chất Sam Harris:
“Hãy mở mắt ra và quan sát.”
Sam Harris sinh năm 1969, tốt nghiệp triết học Ðại học Stanford. Ông vừa là một triết gia vừa là một nhà khoa học về thần kinh nổi tiếng thế giới. Sam Harris là tác giả hai tác phẩm luận thuyết gây tiếng vang rất lớn: The end of Faith (2004), đoạt giải thưởng PEN/ Martha Albrand Award năm 2005 và Letter to A Christian Nation (2006)… Ông thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn công luận để diễn thuyết, tranh luận với các học giả đương thời về các chủ đề liên quan đến các nghi hoặc về bản chất, giá trị của tôn giáo và mối hiểm họa của xã hội hiện đại từ các nguyên nhân tôn giáo…
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: