Liệu một anh chàng tôn thờ Đắc Nhân Tâm có thể yêu một cô nàng là fan ruột của Jane Austen?
Nếu bạn nghĩ “Làm thế nào để đỗ đại học hay tốt nghiệp” thật là khó, thì câu hỏi “Làm để nào sống” còn phức tạp hơn hàng nghìn lần. Ở trường học, khi không tìm ra đáp án, bạn có thể tra giáo trình hoặc tra Google, nhưng ở trường đời với những câu hỏi phức tạp như: làm sao để yêu cuồng si, làm sao để chọn đúng việc, làm sao để sống tử tế, làm sao để “đắc nhân tâm”…chưa bao giờ có đáp án khoa học rõ ràng.
Sống chẳng bao giờ là dễ và với rất nhiều người, khi trượt môn “cuộc đời”, chính là lúc họ tuyệt vọng nhất để sẵn sàng tóm lấy bất cứ phao cứu sinh nào ném xuống. Nhu cầu cần được hỗ trợ tâm hồn và tinh thần của quần chúng lại càng trở nên bức thiết hơn khi các nhà trường từ chối trả lời câu hỏi về giá trị mà chỉ tập trung vào truyền đạt những tri thức về sự thật. Những câu hỏi “Làm thế nào” này nằm ngoài lĩnh vực của giáo dục khoa học, nhưng bản thân chúng quan trọng với cuộc đời mỗi người trẻ đến mức thật quá vô trách nhiệm khi để các giáo viên dạy đạo đức hay giáo dục công dân giải đáp một mình.
Đây là lý do tại sao dòng sách Self-help (Tự trợ) sinh ra để lấp chỗ trống cho thị trường “Sống thế nào” mà nhà trường từ chối can thiệp. Sách Self-help chỉ lối cho bạn phải làm gì với với những hướng dẫn “một phát ăn luôn” và một giọng văn đọc xong chỉ muốn gào lên bùng cháy “Tôi sẽ thay đổi thế giới”. Từ những quả bom tấn không bao giờ tuyệt bản như Đắc Nhân Tâm, 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt, Cha giàu cha nghèo đến các thể loại “cao cấp” hơn như Tony buổi sáng, Sức mạnh của thói quen, hay vừa ra mắt gần đây như Thông minh hơn, nhanh hơn, giỏi hơn, tất cả đều có nhắm vào khao khát cháy bỏng của đám đông: Tôi có thể thay đổi và đây là 69 bước để tôi thực hiện điều đó.
Điểm chung của những cuốn sách kiểu này là các triết lý sống đã được mông má lại sao cho dễ tiêu hóa nhất và các bước thực hiện cũng được giản lược thành các bí kíp thần thánh, vô cùng đơn giản để người đọc tràn trề hưng phấn đổi thay. “Hãy cứ tốt vời người rồi người sẽ tốt với bạn” (Đắc Nhân Tâm), “Thay các thói quen xấu bằng các thói quen cũ” (7 thói quen của người thành đạt), “Hãy tin rằng bạn giỏi giang” (Tôi tài giỏi, bạn cũng thế). Bạn vừa tiết kiệm được 1 đống tiền để khỏi cần mua sách mà cũng nắm được hết nội dung của 3 quyển trên rồi đấy.
Qua đó, trong mỗi quyển sách, độc giả thường sẽ được cung cấp một gói “đổi đời” với 2 bước đơn giản. Đầu tiên, bạn phải “đánh thức con người phi thường trong bạn”, tin rằng “Không bao giờ thất bại – Tất cả chỉ là thử thách” và hãy khắc ghi “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”. Đổi gì ư? Bạn có thể đổi cách học (Tôi tài giỏi, bạn cũng thế), đổi cách kiếm tiền (Nghĩ giàu, làm giàu), đổi suy nghĩ (Sức mạnh của tư duy tích cực), đổi cách nhìn người (Đọc vị bất kỳ ai)…
Sau khi đã hoàn thành công tác tư tưởng, bạn có thể thay đổi bằng những cách cực kì đơn giản như sau: 7 thói quen rèn luyện thành đạt, 59 nguyên tắc vàng để đắc nhân tâm, 13 nguyên tắc thành triệu phú của Napoleon Hill, 69 bài học từ “Cha giàu, cha nghèo”…thậm chí nhàn hạ đến mức chỉ mỗi việc lắc não mà suy nghĩ, cả vũ trụ sẽ hợp sức với bạn (Nhà giả kim). Chưa bao giờ công thức thành công trở nên dễ dàng và rẻ mạt như thế này. Đây là đặc trưng của dòng sách Self-help 1.0.
Phải khẳng định là Self-help 1.0 chưa chết, độc giả vẫn đưa chúng lên “Top” các sách bán chạy nhất hàng năm, và các nhà xuất bản vẫn kiếm bội tiền từ nồi cơm này. Tuy nhiên, nó bị chỉ trích bởi sự nông cạn trong mục tiêu cuộc đời (sống để làm giàu, sống để chiều lòng người khác), trong sự hời hợt của các bí kíp nghe thì hay, nhưng áp dụng thì khó (nhanh khôn, nhanh giàu, nhanh giỏi), trong sự lảng tránh hiện thực (tư duy tiêu cực là xấu, hướng nội là kém, tổn thương là yếu đuối), trong sự phi khoa học và có phần mị dân của chúng (Bí mật của luật hấp dẫn).
Sang đến thế kỉ 21, khi các cuốn sách Self-help đã tiến hóa cao cấp hơn, thì công thức này đã được chỉnh sửa khá nhiều, và có lẽ theo chiều hướng tốt hơn những tác phẩm thành công mỳ ăn liền của thế kỉ 20. Trong cuốn Best-seller “Thông minh hơn, nhanh hơn, giỏi hơn”, thay vì tân trang lại các nghệ thuật sống phổ biến, nhà báo Charles Duhigg đã thực hành lối viết tiêu biểu dòng sách Self-help 2.0: Bớt giáo điều hơn, bớt bí kíp hơn, nhiều nghiên cứu khoa học hơn nhưng vẫn giữ được“khát vọng đổi thay” của Self-help 1.0.
Charles Duhigg viết: “Năng suất không phải là làm việc nhiều hơn hoặc đổ mồ hơn công sức nhiều hơn. Nó không chỉ đơn giản là kết quả của việc dành nhiều thời gian ở bàn làm việc hay chịu những hy sinh lớn.” Nghe quen chứ: bạn có thể thay đổi, thay đổi là đơn giản, và đây là 8 bí kíp để nâng cao năng suất. Cái hay cuốn sách này nằm ở chính các câu chuyện “chất lừ” mà anh dùng để minh họa cho 8 nguyên tắc đó. (Charles Duhigg vốn nổi danh với nghệ thuật đan xem giữa chuyện đời và chuyện khoa học không thua kém gì Malcolm Gladwell, điển hình với cuốn sách đoạt giải Pulitzer đầu tay của mình: Sức mạnh của thói quen. Và trong cuốn này, anh lại phát huy sức mạnh đó).
Duhigg gặp gỡ hàng chục các chuyên gia tâm lý, khoa học thần kinh, kinh tế học hành vi, giám đốc sáng tạo của Pixar, mật vụ FBI…để tạo nên một cuốn sách vẫn đượm những câu chuyện cực kì thú vị và vẫn đượm những chân lý bạn có in ngay ra để áp dụng vào đời. Từ trong buồng lái của một chiếc máy bay sắp gặp nạn đến công thức tuyệt mật của Google để xây dựng một nhóm hoàn hảo, đến sự liều lĩnh sáng tạo để Pixar để cứu Frozen, bạn khó có thể tìm được một cuốn Self-Help 1.0 nào có nhiều câu chuyện giật gây, hay ho, lại kết hợp nhuần nhuyễn với các nghiên cứu khoa học như vậy.
Tuy nhiên, về các bài học được rút ra để áp dụng thì ngoài việc gật gù tâm đắc, bạn sẽ chẳng biết làm gì hơn. Duhigg nhắc nhở chúng ta rằng việc đặt ra các mục tiêu rất quan trọng, và cần phải tuân theo nguyên tắc SMART (chương 4). Ví dụ, thay vì nói rằng “Tớ sẽ chăm chỉ đọc sách”, bạn cần phải Cụ thể (Specific): Tớ sẽ đọc “Thông minh hơn, nhanh hơn, giỏi hơn” vào 10-12h tối; Đo lường được (Measurable): Tớ sẽ đọc 170 trang mỗi ngày; Có thể đạt được (Attainable): 70 trang mỗi ngày thôi; Thực tế (Relevant): Đọc sách này sẽ khiến mình làm việc năng suất hơn, và Thời gian hoàn thành (Time-Bound): trong tuần đầu của tháng 4.
Bạn nào đọc lần đầu về SMART có thể thấy chúng thú vị, nhưng với những người đọc mãi về chúng mà chẳng bao giờ thực hiện (như tôi) thì nguyên tắc này chỉ chứng thêm cho tính “lầy lội” của bản thân mình. Ở những chỗ khác, tác giả đúc rút những kết luận “biết rồi, khổ lắm, nói mãi, méo áp dụng đâu” đặc trưng của Self Help 1.0 như: bạn cần có động lực nội tại từ bên trong và được tự chủ để phát triển (chương 1), muốn nhóm làm việc tốt thì hãy tạo ra môi trường an toàn để ai cũng có thể nói sai mà không bị ăn gạch (chương 2), hãy hình dung về tương lai với nhiều khả năng chứ khổng phải bám víu vào những gì bạn hy vọng sẽ xảy ra (chương 6)…Self-help 2.0 tuy đã có nhiều điểm cái tiến, nhưng dường như vẫn chỉ để đọc cho vui, cho sướng cái tinh thần, nhưng để áp dụng được, có lẽ bạn sẽ cần nhiều hơn là một công thức có giá 100 nghìn. Thay đổi cực kì khó, kể cả khi bạn có 1 tủ sách Self-help trong phòng.
Thế giới này có 2 loại người: 1 loại đọc sách Self-Help, và tôn sùng chúng (Đắc nhân tâm là cuốn sách hay nhất mà tớ từng đọc trong đời) và 1 loại căm thù chúng (Tôi sẽ không bao giờ mua những cuốn sách có tiêu đề bắt đầu bằng: Làm thế nào để…, X cách đơn giản để…, Bài học để…). Có cơ hội nào cho một cuộc tình nào dường như bất khả giữa một chàng trai hâm mộ Dale Carnegie, Robert Kiyosaki, Dượng Tony và một cô gái luôn mang bên mình tiểu thuyết của Jane Austen? Dường như Self-help 2.0 đã tốt hơn nhiều, nhưng có vẻ vẫn chưa đủ để thỏa mãn những độc giả khó tính với câu hỏi: “Sống thế nào?”.
Trong Sự khốn cùng của “tư duy triệu phú, nhà hoạt động xã hội Đặng Hoàng Giang có viết hậu quả suy đồi của sách Self-help: “Theo Salerno – tác giả cuốn Phong trào tự lực đã làm nước Mỹ trở nên bất lực như thế nào, cứ chừng 18 tháng người đọc self-help lại mua một cuốn sách mới. Sự khốn cùng của kiểu “tư duy triệu phú” này là ở chỗ nó làm tê liệt khả năng tư duy độc lập, phản biện và ý thức xã hội, những điều đang thiếu ở Việt Nam. Nó không dẫn tới khai sáng và minh triết. Đám đông đi theo nó vừa phỉnh nịnh vừa giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích của mình, tin tưởng rằng chính nghĩa và đạo đức thuộc về kẻ giàu có.”
Tôi đồng ý với bong bóng ảo tưởng về một cuộc sống bị giản lược thái quá mà các cuốn sách Self-help tạo ra, nhưng tôi không đồng ý với sự phủ định giá trị của dòng sách này. Nó cần được viết, được đọc, được tiến hóa thêm nhiều phiên bản nữa. Bởi một lẽ: Chúa đã chết, con người thì ngày càng vô thần, trường học thì chỉ dạy về sự thật và câu hỏi: “Làm sao để sống” vẫn không giảm độ khó vài nghìn năm nay. Lựa chọn nào cho đám đông bơ vơ giữa cuộc hiện sinh, không thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời, đành phải bám lấy cái phao Self-help để tự cứu mình.
Giải pháp nào cho chúng ta ư? Tuyệt nhiên, không phải là chia phái Self-help và phái Kinh điển. Trong dài hạn, các trường, đặc biệt là đại học, phải mở rộng lối giáo dục khai phóng, dũng cảm gánh lấy trách nhiệm giáo dục tâm hồn của sinh viên mà có thời họ đã từng làm và nay đã từ bỏ, như giáo sư William Deresiewicz đã từng trình bày trong cuốn sách Những con cừu xuất chúng. Trong ngắn hạn, có lẽ chúng ta cần nhiều hơn những cuốn sách như Charles Duhigg, Alain de Botton để sống một cuộc đời vừa thành công hơn, vừa ý nghĩa hơn nhưng không đến mức…khốn cùng.
Zarathustra
Trạm Đọc