“Sức mạnh của sự trầm lắng” trở thành cuốn cẩm nang không thể thiếu để thắp lên ngọn lửa đam mê, sức mạnh nội tại và sức ảnh hưởng lớn lao của người hướng nội trong cộng đồng.
Nhiều người cho rằng những người thành công, hay những nhà lãnh đạo tài ba là những người tạo ra nhiều tiếng nói hay luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Vì chỉ khi bạn được mọi người nhìn thấy và nghe thấy nhiều, bạn mới có cơ hội để tạo nên sức ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Nếu là một người hướng nội, hẳn bạn cũng từng cố gắng học theo những đồng nghiệp hướng ngoại của mình khi bạn muốn gây ảnh hưởng đến người khác. Thế nhưng rốt cuộc cách làm này chỉ khiến bạn xa rời chính bản thân mình, khiến bạn mệt mỏi, thiếu tự tin và chẳng mang lại chút hiệu quả nào.
Về cơ bản, đúng là những người hướng ngoại sẽ được nhìn thấy nhiều hơn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ sẽ tạo nên sự ảnh hưởng hiệu quả. Những người hướng nội thậm chí có thể tạo nên sức ảnh hưởng lớn hơn khi họ tập trung phát triển tiềm năng của mình thay vì chạy theo những người hướng ngoại.
Bởi: Bạn có biết…
Những ý tưởng tuyệt vời nhất thường nảy sinh những khi bạn ở một mình và tâm hồn đang lắng sâu?
Một e-mail thuyết phục có thể khiến một dự án được xúc tiến nhanh hơn một cuộc trao đổi theo đúng bài bản?
Lắng nghe điều không được nói ra quan trọng hơn lắng nghe điều được nói ra?
Người hướng nội được ví như những gợn sóng trên mặt hồ, họ chẳng gây ồn ào mà vẫn tạo ra tác động mạnh mẽ. Họ thường tập trung suy nghĩ thật cẩn trọng và thấu đáo. Họ không cần quá ồn ào hay khoa trương. Với bản tính trầm lắng và khiêm nhường, người hướng nội luôn đảm bảo những người họ cần tác động đến hiểu được thông điệp họ muốn truyền tải. Thế nhưng, họ thường bị công ty và đồng nghiệp, những người tin rằng lời nói luôn chiếm ưu thế, coi thường và đánh giá thấp.
Giải pháp mà những người hướng nội như bạn – những người chiếm khoảng 50% dân số thế giới đang tìm kiếm, không phải là biến mình thành người hướng ngoại, mà chính là học cách phát huy tối đa sức mạnh của người hướng nội.
Được mệnh danh là “nhà đấu tranh cho người hướng nội” – tác giả Jennifer Kahnweiler kiêm diễn giả, đồng thời là chuyên gia huấn luyện cấp lãnh đạo đã viết nên cuốn sách “Sức mạnh của sự trầm lắng”.
Qua những câu chuyện và bí quyết được chia sẻ bởi Người ảnh hưởng hướng nội thành công, cuốn sách này sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để nhận diện, phát huy và tận dụng những thế mạnh bẩm sinh của mình để có thể tạo ra sự khác biệt lớn mà không cần khoa trương. Bạn sẽ học được cách nhận ra sức mạnh nội tại của mình, khai thác sự thông tuệ của nguồn năng lượng đó và kết nối sâu sắc với thế giới bên ngoài.
Tác giả Jennifer Kahnweiler đã chia cuốn sách này ra làm 10 chương. Trong đó phân tích kĩ 6 thế mạnh và cả điểm yếu của người hướng nội để đưa ra những giải pháp phù hợp. Cuốn sách cũng cung cấp bài kiểm tra nhỏ để xác định chỉ số ảnh hưởng thầm lặng (Quiet Influence Quotient – QIQ) của bạn. Đây là công cụ giúp bạn nhận biết bạn đang vận dụng sáu thế mạnh của mình hiệu quả đến đâu trong việc tạo ra ảnh hưởng, và giúp bạn đánh giá sự tiến bộ của chính mình sau khi áp dụng các ý tưởng trong sách.
Tác giả Jennifer Kahnweiler không chỉ là người viết nên cuốn sách “Sức mạnh của sự trầm lắng”, mà bà còn là tác giả của cuốn sách best-seller “The Introvert Leader: Building on Your Quiet Strength.
Jennifer Kahnweiler có thời gian lâu dài gắn bó với công việc đấu tranh cho những người hướng nội, nên bà thấu hiểu mọi đặc điểm tính cách cũng như khó khăn mà người hướng nội gặp phải khi làm việc hay học tập trong môi trường bao quanh bởi những người hướng ngoại.
Tất cả những trở ngại mà người hướng nội gặp phải đều được bà phân tích tỉ mỉ trong cuốn sách “Sức mạnh của sự trầm lắng”, nhằm giúp bạn đọc nhìn nhận và xác định tình huống cũng như vấn đề mà mình đang gặp phải để rút ra giải pháp hiệu quả nhất.
Các đặc điểm dễ nhận biết nhất của người hướng nội được Jennifer Kahnweiler nêu ra trong cuốn sách này có thể kể đến như: thoải mái khi ở một mình, kiềm chế cảm xúc bên trong, thích viết hơn nói, hành xử kín đáo hay giữ kín chuyện riêng…
Vì những đặc điểm tính cách này nên người hướng nội thường bị đánh giá là kém hoà đồng hay không thân thiện và bị gạt sang một bên khi số đông cần đóng góp ý kiến. Điều này càng khiến người người hướng nội loay hoay không biết nên cư xử và đưa ra giải pháp như thế nào, khiến họ rơi vào một chuỗi những áp lực như: áp lực khi phải làm việc nhóm, áp lực khi cần dùng lời nói để thể hiện thành tích và trình bày ý tưởng, áp lực khi phải hành xử như người hướng ngoại, hay áp lực khi cần đưa ra quyết định nhanh chóng…
Với cái nhìn tường tận về người hướng nội cùng kinh nghiệm lâu năm của mình, Jennifer Kahnweiler mong muốn những người hướng nội có thể nhìn nhận trực diện vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Và thay vì khoác lên mình vỏ bọc như một người hướng ngoại để sống phù hợp với số đông, điều mà tác giả của “Sức mạnh của sự trầm lắng” luôn nhắc đi nhắc lại xuyên suốt cuốn cẩm nang này chính là: Đừng cố bắt chước người hướng ngoại.
Đừng cố bắt chước người hướng ngoại
Để hoà nhập được với đám đông, nhiều người hướng nội chọn cách “sắm vai” người hướng ngoại, nhưng họ không thể làm tròn vai mãi và làm tròn vai với tất cả mọi người. Sự “đóng giả” này về lâu dài không chỉ khiến những người xung quanh khó chịu, mà ngay chính bản thân họ cũng không thể chấp nhận mình. Việc đóng vai người hướng ngoại sẽ làm họ dần thui chột đi chính sức mạnh nội tại của bản thân và chỉ khiến họ thêm mệt mỏi, áp lực khi bị bao quanh bởi một tập thể hầu hết là những người hướng ngoại và quảng giao.
Người hướng nội – chính bản thân họ có thể tạo ra sức mạnh to lớn mà không nhất thiết phải tạo nên những âm thanh to lớn. Đóng góp của họ có thể thầm lặng nhưng không có nghĩa là không có hiệu quả. Những người hướng nội – theo Jennifer Kahnweiler là những người sở hữu vô vàn thế mạnh đáng gờm mà nếu biết cách phát huy tối đa sức mạnh ấy, người hướng nội có thể tạo nên những kết quả không kém cạnh hay thậm chí là hơn cả những người hướng ngoại.
Có rất nhiều cá nhân ở vô vàn lĩnh vực khác nhau như công nghệ, marketing, tài chính… là người hướng nội, nhưng họ vẫn rất thành công và tạo nên những đóng góp đáng nể. Trong cuốn sách này, chúng ta có thể biết về câu chuyện của Tim Cook – tổng giám đốc điều hành apple từ 2011, Jody Wirtz – giám đốc điều hành của một ngân hàng thương mại, hay Charles Darwin, Mahatma Gandhi, Abraham Lincoln… Ngoài ra còn có thể kể đến J.K. Rowling, Warren Buffett và Mark Zuckerberg.
Điểm chung ở họ là không phải dùng lời nói suông, vẽ ra một viễn cảnh hấp dẫn để giành lấy sự ủng hộ từ người khác. Mà cách thức của họ vô cùng tinh tế, sẽ khiến bạn phải ngả mũ thán phục khi nhìn nhận thành quả.
Trong “Sức mạnh của sự trầm lắng”, Jennifer Kahnweiler không đề cao cách thức “trở thành người hướng ngoại”, và cũng không tán thành với một số ý kiến cho rằng “để thu phục người khác, chúng ta cần tự tán dương ý tưởng của bản thân, đưa ra những lập luận sắc bén, đồng thời mau chóng và quyết liệt thuyết phục người khác làm theo ý mình.”, mà thay vào đó nên tập trung phát huy những thế mạnh bẩm sinh của người hướng nội.
Được truyền cảm hứng từ những Người ảnh hưởng hướng nội mà chính tác giả đã có cơ hội gặp gỡ, tác giả Jennifer Kahnweiler đã dành thời gian để tìm hiểu về cách mà những người đó truyền cảm hứng thay đổi cho người khác hay cách họ tận dụng sức mạnh nội tại để mang lại thay đổi cũng như từng bước tác động lên những người xung quanh như thế nào… và tổng hợp lại thành cuốn cẩm nang giúp “Phát huy những thế mạnh của người hướng nội.”
Phát huy những thế mạnh của người hướng nội
Thế mạnh 1: Dành thời gian để tĩnh lặng
Thế mạnh 2: Chuẩn bị
Thế mạnh 3: Lắng nghe thấu đáo
Thế mạnh 4: Trao đổi có trọng tâm
Thế mạnh 5: Viết lách
Thế mạnh 6: Sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng
Có tất cả sáu thế mạnh nổi trội cần được phát huy dựa trên đặc điểm tích cách của người hướng nội mà tác giả Jennifer Kahnweiler đã phân tích ở phần đầu của cuốn sách. Theo Jennifer Kahnweiler: “Nếu biết phát huy các ưu thế bẩm sinh của người hướng nội, bạn sẽ làm nên điều khác biệt bằng mong muốn thay đổi thực trạng, bằng việc khởi xướng lối tư duy mới, tác động để tạo ra sự thay đổi và truyền cảm hứng giúp người khác tiến bộ theo những cách thức giúp phát huy được các tố chất bẩm sinh và khơi dậy niềm đam mê trong bạn. Niềm đam mê không nhất thiết phải được thể hiện bằng những lời nói hùng hổ hay ngôn ngữ hình thể đầy tính biểu cảm. Niềm đam mê cũng có thể được biểu hiện bằng ngọn lửa rực cháy bên trong mỗi người.”
Những cách thức để phát huy các tố chất bẩm sinh và khơi dậy niềm đam mê được nêu trong cuốn sách này không hề cầu kì và khó hình dung với bất cứ ai. Đó chỉ đơn giản là những bài học, phương pháp thực tế giúp bạn dễ dàng áp dụng vào cuộc sống thường ngày như: viết nhật ký, tập thể dục, chọn môi trường làm việc, để ý giờ giải lao hay ăn trưa 1 mình…
Cuốn sách đưa ra các ví dụ cụ thể về các doanh nghiệp đã áp dụng thành công những phương pháp phát huy sức mạnh bẩm sinh, có thể kể đến như Microsoft hay Viện quản lí Rotterdam…
“Sức mạnh của sự trầm lắng” đưa bạn đi từ cách thức chuẩn bị ra sao để tạo sức ảnh hưởng cho đến xây dựng kế hoạch có sức ảnh hưởng một cách cụ thể. Thêm vào đó, sau mỗi phương pháp, tác giả lại nêu rõ nhược điểm của việc lạm dụng phương pháp đó, giúp bạn có cái nhìn đa chiều và rút được kinh nghiệm từ những sai lầm.
Bạn sẽ được chia sẻ nhiều câu chuyện, nhận được những lời khuyên thiết thực, hiểu được khi nào thì việc lạm dụng một thế mạnh sẽ gây trở ngại cho bạn. Tiếp đến, tác giả Jennifer Kahnweiler dẫn bạn đến với các bước cần làm tiếp theo để bạn không tự mình mông lung tìm kiếm câu trả lời trên hành trình khám phá và phát triển thế mạnh của bản thân.
Sáu thế mạnh với vô vàn những cách áp dụng thực tiễn cùng những câu chuyện người thật – việc thật được lồng ghép khéo léo biến “Sức mạnh của sự trầm lắng” trở thành cuốn cẩm nang không thể thiếu để thắp lên ngọn lửa đam mê, sức mạnh nội tại và sức ảnh hưởng lớn lao của người hướng nội trong cộng đồng.
Tuy nhiên, bạn đừng để bản thân bị choáng ngợp với quá nhiều phương pháp và tìm cách để áp dụng tất cả những phương pháp được nêu trong sách cùng một lúc. Theo tác giả Jennifer Kahnweiler bạn hãy kiên trì thực hiện từng bước một thay vì cố gắng thay đổi toàn diện ngay lập tức. Hãy đọc kĩ những rủi ro của việc lạm dụng một phương pháp quá nhiều để tránh mắc những sai lầm và những sự việc xảy ra ngoài dự tính.
Tôi chúc bạn có thể hiểu thấu và sống bằng cả trái tim, tận dụng tốt nhất những thế mạnh bẩm sinh của mình và làm nên điều khác biệt theo một cách không ồn ào nhưng mạnh mẽ và độc đáo của riêng bạn.
Hãy tin rằng, người hướng nội hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt bằng chính khả năng thầm lặng của mình. Hãy cứ là bạn – là một người hướng nội với niềm đam mê và tận tuỵ. Hãy để thành công cất lời thay bạn!
Có thể bạn quan tâm: Những đặc điểm tính cách của người hướng nội