Bài viết dưới đây là những suy tư của tác giả Steven Pinker về cuốn sách “Khai sáng thời hiện đại” của ông.
Bạn sẽ không nghĩ rằng việc bảo vệ lý trí, khoa học và chủ nghĩa nhân văn sẽ đặc biệt gây tranh cãi trong thời đại mà những lý tưởng đó dường như cần mọi sự trợ giúp có thể có được. Nhưng một đồng nghiệp của tôi đã nói rằng: “Anh đã khiến mọi người nổ tung đầu óc!” Rất nhiều trong số những người từng gửi thư cho tôi về Khai sáng thời hiện đại nói rằng mình đã bị sốc trước những cuộc tấn công dữ dội từ các nhà phê bình ở cả cánh tả và cánh hữu. Không chấp nhận những lý tưởng của thời kỳ Khai sáng, các nhà phê bình đã cáo buộc rằng chúng là nguyên nhân của nạn phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa đế quốc, các mối đe dọa hiện sinh, cũng như sự cô đơn, trầm cảm và tự tử lây lan như dịch bệnh. Họ khẳng định rằng sự tiến bộ của con người chỉ có thể là ảo ảnh của dữ liệu đã được gạn đục khơi trong. Họ đã tuyên bố với sự hồ hởi khó giấu rằng Khai sáng đã hết thời, sẽ sớm bị chủ nghĩa dân túy độc tài, phương tiện truyền thông xã hội hoặc trí tuệ nhân tạo khai tử.
Việc xuất bản ấn bản bìa mềm trong tháng này ở Mỹ và Anh là một dịp để tôi cân nhắc về những tranh cãi đã bùng lên trong năm vừa qua, kể từ khi cuốn sách xuất hiện. (Bạn có thể tìm thấy danh sách các bài đánh giá và bình luận phía dưới.) Tôi sẽ cố gắng không ham hố sửa lỗi hoặc loại bỏ các trường hợp mà tôi đã đưa ra trong cuốn sách. Thay vào đó, tôi sẽ tận dụng những tranh cãi để đưa ra suy nghĩ của mình về Khai sáng và những người thù địch trong thời điểm hiện tại.
Các ngài đã hiểu sai về Khai sáng. Thật ra có rất nhiều kiểu Khai sáng. Không phải mọi nhà tư tưởng Khai sáng đều theo chủ nghĩa nhân văn khoa học: một số là những người có đức tin, số khác là những kẻ phân biệt chủng tộc. Rousseau không phải là một phần của Khai sáng? Marx không được tính là một nhà tư tưởng Khai sáng hay sao?
Nhiều cuộc tấn công nhắm vào “Khai sáng thời hiện đại” dựa trên việc Khai sáng “thực sự” là gì đã hiểu sai về cuốn sách. “Khai sáng thời hiện đại” bàn về “Lý trí, khoa học, chủ nghĩa nhân văn và tiến bộ” chứ không phải về “Mấy ông loi choi viết lách vào thế kỷ 18”. Tất nhiên, thời kỳ Khai sáng có ranh giới mờ nhạt, bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng đi trước và ôm đồm những nhà tư tưởng bất đồng với nhau (đáng chú ý nhất là Rousseau, người được Anthony Kenny mô tả trong cuốn The Enlightenment: A Very Brief History là “con chim cúc-cu khổng lồ” trong cái tổ Khai sáng).
Vì vậy, không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi liệu một số nhà văn có xứng đáng được coi là một phần của Khai sáng hay không. Như tôi đã viết, thời đại đó “không bao giờ được xác định bằng các màn khai mạc và bế mạc như Thế vận hội, cũng không được tuyên bố như một lời thề hay tín ngưỡng… cuốn sách này không hề muốn bàn về Lòng sùng bái lý tưởng Khai sáng (Enlighten Olatry). Các nhà tư tưởng thời đại Khai sáng là những cá nhân tiêu biểu của thế kỷ 18. Trong số đó, có những kẻ phân biệt chủng tộc, những kẻ phân biệt giới tính, những người bài Do Thái, các chủ nô hoặc những người chuyên thách đấu. Họ từng lo lắng và đưa ra một số câu hỏi mà chúng ta ngày nay gần như không thể hiểu được. Họ cũng đã đưa ra rất nhiều ý tưởng, sáng sủa có mà ngờ nghệch cũng có.”
Tôi chọn từ “Khai sáng” để đặt tên cuốn sách vì nó là tiêu chuẩn đánh giá tốt nhất cho những lý tưởng mà tôi tìm cách bảo vệ — nó bắt tai hơn những thứ như “chủ nghĩa nhân văn thế tục”, “chủ nghĩa thế giới tự do” hoặc “xã hội mở”. Các nhà tư tưởng của thế kỷ 18 xứng đáng được hoan nghênh vì rất nhiều người trong số họ đã trình bày rõ ràng các lý tưởng này trong khi trao đổi với nhau. (Ví dụ, hãy xem các tác phẩm lịch sử của bốn học giả cùng tên là Anthony Kenny với The Enlightenment: A Very Brief History, Pagden với The Enlightenment: And Why It Still Matters, Gottlieb với The Dream of Enlightenment, và Grayling với Towards the Light – và nghiên cứu của hai người khác, Betraying Spinoza của Rebecca Goldstein và Inventing Human Right của Lynn Hunt.)
Nhưng “Khai sáng thời hiện đại” không phải là một tác phẩm về lịch sử tri thức, và thật vô nghĩa để phân định rõ từ này bởi không phải mọi cây viết của thời đại này đều nói về các lý tưởng nêu trên theo cùng một cách. Từ ngữ luôn truyền tải ý định của người sử dụng, và “Khai sáng” được hiểu theo cách thông thường để chỉ việc sử dụng lý trí và khoa học để nâng cao phúc lợi của con người – như khi nó được vận dụng trong bài phát biểu của Barack Obama và Emanuel Macron năm 2017. (Hãy xem bài viết “Steven Pinker’s Counter – Counter – Enlightenment” của Saloni Dattani, một học viên cao học về di truyền học hành vi của King’s College để có cái nhìn sâu sắc hơn về những luận điểm này.)
Khai sáng không đáng được ca tụng. Nó chỉ mang đến nạn phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ, chủ nghĩa đế quốc và nạn diệt chủng mà thôi.
Tuyên bố này chỉ đúng ở chỗ, những điều này tiếp tục xuất hiện sau khi thế kỷ 18 trôi qua. Còn thì đây là một tuyên bố ngược. Các tình trạng đó lâu đời cũng như nền văn minh nhận loại vậy (hãy xem cuốn The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined xuất bản năm 2011 của tôi), và chỉ trong thời kỳ Khai sáng, người ta mới coi chúng là xấu xa về đạo đức và tìm cách loại bỏ.
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nảy sinh tự nhiên từ thói quen nhận thức của chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa hiệu dụng bất cứ khi nào xuất hiện một nhóm người khác biệt về ngoại hình hay lối sống, và nó đã được khắc họa dưới ngòi bút nhiều tác giả. Ví dụ bao gồm Aristotle về người man rợ, Cicero về người Anh (Briton), người Hy Lạp cổ đại và người Ả Rập trung cổ về người châu Phi, người Tây Ban Nha trung cổ về người Do Thái và người châu Âu thế kỷ 16 về người Mỹ bản địa. Nguồn gốc sâu xa của tư duy chủng tộc được thể hiện trong tựa đề của các cuốn sách như The Invention of Racism in Classical Antiquity của Benjamin Isaac và The Invention of Race in the European Middle Ages của Geradline Heng.
Chủ nghĩa đế quốc cũng có nguồn gốc xa xưa: Trong phần lớn lịch sử, chính sách đơn giản của các nhà lãnh đạo chính trị là “Tôi đến. Tôi thấy. Tôi chinh phục” (Danh sách trên Wikipedia liệt kê 154 đế chế trong số đó từ năm 2300 TCN đến năm 1700, và chú thêm: “Danh sách này chưa hoàn chỉnh; bạn có thể hỗ trợ bổ sung”). Bước ngoặt lịch sử giúp nhân loại thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc được xác định trong một tựa sách khác, Enlightenment Against Empire của Sankar Muthu. Muthu lưu ý rằng trong khi một số nhà phê bình từ lâu đã chỉ trích tình trạng lạm quyền của đế quốc, thì chỉ khi Thời kỳ Khai sáng đến, mọi người mới dám nghĩ về việc chống đối ý tưởng cho rằng người châu Âu có quyền chiến đóng những nơi khác trên thế giới làm thuộc địa.
Những người chống đế quốc mới, trong đó có Bentham, Condorcet, Smith, Burke, Diderot và Kant, được thúc đẩy nhờ hai ý tưởng. Một là nguyên tắc về việc mọi người xứng đáng được tôn trọng về mặt đạo đức và chính trị đơn giản vì họ là con người. Ý tưởng còn lại là tư tưởng nhân học tiến hóa tiên tiến coi con người là sinh vật tạo ra và sống theo văn hóa, thứ cho phép họ hợp tác với nhau và thích nghi với môi trường. Khi kết hợp hai ý tưởng này, một đường lối đạo đức sắc bén xuất hiện: Những điều vi phạm trắng trợn tự do và nhân phẩm của con người, như chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chủ nghĩa đế quốc và các hệ thống thứ bậc cần bị lên án; mọi chuẩn mực và phong tục khác là bất khả so sánh giữa các nền văn hóa và không thể đánh giá là cao hơn hoặc thấp hơn. (Người ta có thể bổ sung rằng chỉ có một học giả Mỹ mới có thể viết một cuốn sách có tựa đề Khai sáng chống lại Đế quốc mà bỏ qua sự kiện lớn nhất lấy cảm hứng từ Thời kỳ Khai sáng chống lại chủ nghĩa đế quốc: Cách mạng Mỹ.)
– Trạm Đọc –