Vì sao con người tự phân loại lẫn nhau? Khi mà chẳng phải ai sinh ra cũng như nhau, đều là một sinh mạng được ban sự sống? Ai cho chúng ta cái quyền được phân biệt nhau bởi những thứ thuộc về bản chất như màu da, sắc tộc, để rồi nảy sinh ra cái gọi là “Người da trắng thượng đẳng” và những người da màu sống dưới tầng đáy xã hội.
Chúng ta mở tivi, bật radio, khởi động laptop và truy cập web, lướt news feed trên các trang mạng xã hội mỗi ngày, mỗi giờ. Đập vào mắt chúng ta, rung trong tai chúng ta, là những thông tin về tình hình bất ổn và rối ren của thế giới. Những công trình nghìn năm tuổi bị tàn phá bởi bạo động, khủng bố. Những thành phố phồn hoa, làng mạc trù phú hóa thành miền đất chết bởi chiến tranh, xung đột vũ trang. Những sinh mạng ngã xuống bởi xả súng, giết chóc. Những con người bị mua bán, đổi chác như những món hàng vô nhân tính.
Nguồn cơn của những thực trạng đáng buồn, thậm chí tàn khốc này, là từ đâu? Đó là kết quả của những con người phân nhóm, chọn xa lánh, thù ghét nhau thay vì yêu thương nhau. Đó là kết quả của những cộng đồng phân loại, chọn đối đầu nhau thay vì sát cánh bên nhau. Đó là kết quả của những hệ thống chính trị phân cực, chọn giẫm đạp lên nhau, thay vì nâng đỡ nhau. Trong thế đối đầu, họ chọn phải tự phân loại lẫn nhau, để thuộc về một hội nhóm, một cộng đồng, một hệ phái nhất định, họ chọn khủng bố, giết chóc, chiến tranh, vô nhân tính hóa con người.
Vì sao con người tự phân loại lẫn nhau? Khi mà chẳng phải ai sinh ra cũng như nhau, đều là một sinh mạng được ban sự sống? Ai cho chúng ta cái quyền được phân biệt nhau bởi những thứ thuộc về bản chất như màu da, sắc tộc, để rồi nảy sinh ra cái gọi là “Người da trắng thượng đẳng” và những người da màu sống dưới tầng đáy xã hội, để rồi hàng nghìn người Do Thái bị tước đi sinh mạng qua cuộc diệt chủng? Ai cho chúng ta cái quyền man rợn đi ngược nhân tính như vậy?
Chính chúng ta. Chính BẢN THÂN MỖI CON NGƯỜI chúng ta. Đã cho chính mình cái quyền đó.
Ai cho chúng ta cái quyền được phân biệt nhau
bởi những thứ thuộc về bản chất?
Chúng ta bẩm sinh được sinh ra cùng nỗi cô đơn. Khi còn nhỏ, chúng ta sợ hãi phải đứng một mình khi các bạn cùng lớp thân thiết khoác vai nhau thành từng nhóm và vui đùa. Khi lớn lên, chúng ta sợ hãi sự cô đơn giữa những hội nhóm đồng nghiệp theo đặc thù. Cảm giác cô đơn thật đáng sợ. Nó khiến ta xấu hổ bởi chính mình, nỗi xấu hổ không được ai, không được hội nhóm nào thừa nhận và chào đón. Bởi vậy, chúng ta khao khát cảm giác được thuộc về một ai đó, một nhóm nào đó, một cộng đồng nào đó. Chúng ta cần chạy trốn nỗi cô đơn, sự xấu hổ không thuộc về, nỗi sợ hãi không được thừa nhận. Chúng ta điên cuồng tìm nơi ẩn nấp và khi có thể được thừa nhận bởi một nhóm nào đó, chúng ta bắt đầu học cách sống theo lý tưởng của họ, học cách yêu những gì họ yêu, tin những gì họ tin, căm thù những gì họ căm thù, và chống đối những gì họ chống đối. Có thể đó không phải là lý tưởng của chính chúng ta. Nhưng để được thừa nhận, chúng ta buộc phải từ bỏ cái tôi và lý tưởng của mình, để sống với cái ta và lý tưởng của người khác.
Mà cũng không hẳn? Một người luôn chạy trốn nỗi cô đơn, chạy trốn bản ngã? Thì liệu có lý tưởng nào tồn tại bên trong?
Bằng nỗi cô đơn thiên bẩm, những năm tháng lầm lạc chạy trốn nỗi cô đơn đó và sự lột xác mạnh mẽ trở thành người truyền cảm hứng cho hàng triệu kẻ cô đơn khác trên khắp thế giới đi tìm bản ngã của chính mình, tác giả Brené Brown đã nhìn thấu nỗi cô đơn – không riêng của bà – mà của mỗi con người đang sống. Brené sinh ra đã đối mặt với nỗi cô đơn. Ở tuổi mẫu giáo, bà bị gạt khỏi các bữa tiệc của những bạn học da trắng, bởi trong tên bà có từ đệm đặc trưng của người da đen. Bà được chào đón một cách dè dặt, kính nể bởi những người bạn da đen, bởi bà là người da trắng. Năm tháng qua đi, ở bất kỳ giai đoạn nào, khi bà còn chưa học được cách đối diện với nỗi cô đơn, bà vẫn hàng ngày sống với cảm giác thiếu vắng sự thuộc về: không thuộc về đội cổ vũ, không thuộc về gia đình mình, không thuộc về nơi nào cả… cho đến khi bà học được cách đối diện với con người thật, chấp nhận nỗi cô đơn, đối diện với tổn thương và sẵn sàng dấn thân vào hoang dã – nơi sâu thẳm trong mỗi con người.
NỘI DUNG CUỐN SÁCH DẤN THÂN VÀO HOANG DÃ
Hành trình gian khổ đó đã được bà thể hiện một cách chân thực và gây xúc động sâu sắc trong cuốn sách Dấn thân vào hoang dã này. Cuốn sách này được gói gọn trong cấu trúc 7 chương.
Chương 1: Mọi nơi và không nơi nào – Là câu chuyện của chính tác giả, kể về nỗi cô đơn không thuộc về bất cứ nơi đâu và bất cứ ai trong suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, và khi bắt đầu phát triển Lý thuyết Cảm giác thuộc về đích thực.
Từ đó, Chương 2: Hành trình đi tìm cảm giác thuộc về đích thực – Nói về quá trình thiết lập cơ sở lý thuyết và hành trình thực tiễn đi tìm cảm giác thuộc về đích thực.
Như một hệ quả tất yếu của Chương 2, Chương 3: Cô đơn cùng cực, khủng hoảng tâm linh – Tóm gọn nội dung nói đến nỗi gian khổ lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt trên hành trình đó: sự cô đơn cùng cực và khủng hoảng tâm linh.
Các Chương 4, 5, 6, và 7 còn lại, mỗi chương lần lượt tập trung vào một trong bốn yếu tố của cảm giác thuộc về đích thực:
Chương 4: Người đời vốn khó gần. Hãy tiến thêm một bước.–Học cách đáp trả lòng thù hận bằng tình yêu thương, những nắm đấm bằng những cái ôm, những mũi dao bằng đóa hoa hồng.
Chương 5: Lên tiếng trước lời nhảm nhí. Vẫn giữ thái độ văn minh. – Chúng ta luôn bị bủa vậy bởi những ý kiến, quan điểm trái chiều, kích động sự phản kháng, đấu tranh, chia rẽ, phân loại và tàn nhẫn. Đừng sợ hãi, giữ vững lập trường của mình, tranh luận với họ bằng thái độ khoan dung, lịch thiệp.
Chương 6: Cùng nắm tay. Với người lạ. – Chúng ta có thể khác nhau về màu da. Chúng ta có thể yêu thích những đội bóng là địch thủ của nhau. Chúng ta có thể không hề quen biết nhau khi cùng chứng kiến một tai nạn thảm khốc trên đường. Nhưng chúng ta có thể nắm lấy tay nhau, nếu mỗi người trong chúng ta đều chọn tình yêu thay vì xa lánh.
Chương 7: Tấm lưng cứng rắn. Thái độ mềm mỏng. Trái tim hoang dại. – Những gì chúng ta cần trang bị trước khi bắt đầu cuộc hành trình dấn thân vào hoang dã – đầy gian khổ nhưng cũng rất xứng đáng. Một tấm lưng cứng rắn để chống đỡ với những gì khác mình, một thái độ mềm mỏng để phản ứng văn minh với những thức khác mình. Và một trái tim hoang dại để dám làm những gì khác người.
Bằng ngòi bút sâu sắc, tài tình, những trải nghiệm chân thực, đắt giá, những cảm thức vừa rõ ràng đến nghiệt ngã, vừa mơ hồ đến mức trừu tượng, Bre né Brown đã vẽ ra một khung cảnh bao la, hoang dại – khung cảnh của vùng hoang dã trong sâu thẳm mỗi con người – khung cảnh mà nếu chúng ta dám đối mặt, thừa nhận và dấn thân, không chỉ bản thân chúng ta tốt lên, mà chính thế giới này cũng đẹp hơn bởi sự nhân tính ngập tràn.
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ TS BRENÉ BROWN
Brené Brown là giáo sư nghiên cứu khoa Công tác Xã hội bậc cao học tại trường Đại học Houston. Cô đã dành 12 năm nghiên cứu về sự tổn thương, lòng can đảm, sự đáng trọng và nỗi xấu hổ. Những công trình nghiên cứu độ phá của cô đã được đăng tải trên các hãng thông tấn PBS, NPR, CNN, The Washington Post và The New York Times. Trong năm 2015, cuốn sách gây ảnh hưởng lớn của cô, Sự liều lĩnh vĩ đại cũng lọt vào danh sách bán chạy do The New York Times bình chọn.
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
WAKING UP: Một cách tiếp cận lý tính về đời sống tâm linh
“Năm ngôn ngữ tình yêu” sẽ giúp bạn phát triển các mối quan hệ như thế nào?
Thay đổi cuộc sống với nhân số học: Hành trình khám phá con số để giải mã cuộc đời