Nếu bạn muốn bước ra khỏi vùng an toàn của mình và tìm hiểu điều gì đó về bản thân và những người xung quanh, nếu bạn muốn trở nên thông minh hơn, dễ mến hơn thì cuốn sách này chính là dành cho bạn.
Bạn có còn nhớ điện thoại thông minh Blackberry nổi tiếng một thời? Vào năm 2009, Blackberry kiểm soát khoảng gần một nửa thị trường điện thoại thông minh tại Hoa Kỳ. Thế nhưng chỉ đến năm 2014, nó gần như không còn tồn tại – công ty hiện chỉ còn thị phần dưới một phần trăm.
Lý do gì đã khiến cho Blackberry sụp đổ? Liệu có phải do nó không thích ứng được với xu thế hiện nay như người ta vẫn nói, hay tất cả là do người tạo ra Blackberry, Mike Lazaridis, đã không chịu đưa ra những thay đổi?
Sự phát triển của Blackberry có được nhờ Mike Lazaridis áp dụng thành công tư duy khoa học của một kỹ sư, nhưng sự thất bại trong việc tái tư duy của ông với vai trò một giám đốc điều hành đã kéo theo sự thất bại đầy tiếc nuối của Blackberry.
Cũng như Mike Lazaridis, hầu hết chúng ta đều cảm thấy tự hào về kiến thức và năng lực chuyên môn của mình, cũng như luôn kiên định với niềm tin của bản thân. Chúng ta ngại những sự thay đổi, chấp nhận đi theo lối mòn tư duy, thay vì tìm ra hướng đi đột phá hơn. Việc giữ nguyên lối tư duy cũ được nhiều người đánh giá là an toàn, nhưng đôi khi lại chính là ngõ cụt nhanh chóng dẫn bạn đến với sự thất bại.
Kiên định với lối tư duy của mình có thể được đánh giá là phù hợp nếu chúng ta sống trong một thế giới ổn định, nơi mà chúng ta gặt hái thành quả nhờ tin vào những ý tưởng của mình. Vấn đề ở chỗ, chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi chóng mặt mỗi phút giây. Và nếu vẫn bảo thủ với những “điểm mù” trong tư duy cá nhân thì chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với thất bại đầy tiếc nuối như Mike Lazaridis với Blackberry.
Để loại bỏ những điểm mù cản trở chúng ta khỏi việc tự tin mù quáng vào tư duy cá nhân, điều bạn cần làm là dành thời gian cho việc tái tư duy. Tái tư duy được hiểu đơn giản là vẫn sử dụng những công cụ tâm trí của bạn, nhưng chúng đã được lôi ra khỏi kho chứa và được đánh bóng.
Để có cái nhìn rõ hơn về tái tư duy và nhìn ra được hiệu quả thực sự của nó, thì cuốn sách Think Again: Dám nghĩ lại của tác giả Adam Grant chính là dành cho bạn.
Adam Grant là giáo sư có nhiệm kỳ trẻ nhất tại Trường Wharton, nhận nhiệm kỳ khi mới chỉ 28 tuổi. Adam là nhà tâm lý học tổ chức và được công nhận là một trong mười nhà tư tưởng về quản lý có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.
Adam Grant còn là tác giả của bốn cuốn sách bán chạy nhất theo đánh giá của New York Times. Với những ý tưởng táo bạo cùng những ví dụ chân thực, Adam đã viết nên cuốn sách Think Again, cuốn sách đánh giá cao sự linh hoạt của tâm trí thay vì sự nhất quán bảo thủ. Đây cũng là tác phẩm mới nhất của anh, được xuất bản vào năm 2021 và đã nhận về hàng chục nghìn những đánh giá tích cực trên Amazon.
Think Again: Dám nghĩ lại là cuốn sách nói về lợi ích của sự nghi ngờ, và về cách chúng ta có thể trở nên tốt hơn trong việc đón nhận những điều chưa biết và tìm ra niềm vui từ việc mắc sai lầm. Bằng chứng đã chỉ ra rằng, những thiên tài sáng tạo không gắn liền với một bản sắc duy nhất, mà luôn sẵn sàng suy nghĩ lại lập trường của họ. Hay những nhà lãnh đạo thừa nhận họ không biết điều gì đó và tìm kiếm phản hồi quan trọng từ những người xung quanh sẽ dẫn dắt đội nhóm đổi mới và làm việc hiệu quả hơn.
Cuốn sách được chia làm 5 phần chính.
Phần 1: Giúp bạn mở mang tâm trí, khám phá lý do tại sao chúng ta đấu tranh để tái tư duy và làm thế nào chúng ta có thể học cách làm điều đó với tư cách cá nhân.
Phần 2: Thảo luận về cách thức chúng ta có thể áp dụng để khuyến khích người khác tái tư duy.
Phần 3: Xem xét các trường học, doanh nghiệp và chính phủ thiếu sót như thế nào trong việc xây dựng văn hóa khuyến khích tái tư duy và cách làm thế nào chúng ta có thể tạo nên những cộng đồng học tập suốt đời.
Phần 4: Giúp bạn suy xét lại những kế hoạch sự nghiệp và kế hoạch cuộc đời tỉ mỉ nhất.
Cuối cùng, học cách tái tư duy có thể là kỹ năng bí mật giúp bạn có lợi thế trong một thế giới đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết.
Trong Think Again: Dám nghĩ lại, tác giả Adam Grant đã giúp chúng ta tư duy như những nhà khoa học để tìm ra cách tái tư duy đúng đắn, không chỉ cho bản thân mình, mà còn cho những người xung quanh. Adam Grant chỉ cho chúng ta thấy lợi ích của sự nghi ngờ và đôi khi nên xem xét lại những niềm tin đã cố hữu trong tâm trí mình bấy lâu nay.
Với rất nhiều câu chuyện có thật, những ví dụ kèm tranh ảnh minh hoạ cùng lối phân tích, tư duy khoa học chặt chẽ nhưng dí dỏm, cuốn sách này không chỉ cung cấp đầy đủ kiến thức về tái tư duy, mà còn đưa ra những bài học sẽ theo bạn trong suốt cả đường đời.
Bài học 1: Hãy thừa nhận rằng bạn không biết mọi thứ.
Nói đến của cải, chúng ta luôn sẵn lòng cập nhật cái mới với tất cả sự hồ hởi. Chúng ta hào hứng làm mới cả tủ quần áo khi chúng không còn hợp mốt và hăng hái tân trang toàn bộ đồ nhà bếp khi thấy chúng lỗi thời. Nhưng với những vấn đề liên quan đến hiểu biết, quan điểm hay suy nghĩ, chúng ta khư khư giữ lấy lập trường của mình.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chỉ số IQ của bạn càng cao thì bạn càng dễ bị mắc kẹt vào những định kiến, và gặp khó khăn trong việc làm mới những niềm tin của mình. Chúng ta càng thông minh, chúng ta càng có thể trở nên mù quáng trước những hạn chế của bản thân. Bạn có thể là một người giỏi tư duy, nhưng chính việc ấy lại biến bạn trở nên kém cỏi trong việc tái tư duy.
Tất cả chúng ta đều là “người học việc” trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức được điều đó. Thông thường chúng ta thường có khuynh hướng tự đề cao bản thân ở những lĩnh vực mình đã biết. Thói ngạo mạn và bảo thủ đã ngăn cản chúng ta nhìn thấy những khiếm khuyết của mình.
Theo Adam Grant, nếu bạn bắt đầu thừa nhận rằng mình không biết mọi thứ, bạn sẽ cởi mở hơn để học hỏi những điều mới. Sự khiêm nhường sẽ mở ra một lăng kính mới giúp bạn nhìn thấy những hạn chế của mình và từ đó tìm ra hướng tư duy để khắc phục những nhược điểm ấy.
Khi tự tin thái quá về bản thân, bạn sẽ trở nên mù quáng trước những quyết định của mình, trong khi khiêm tốn có nghĩa là bạn sẵn sàng nhìn nhận mọi khía cạnh khác nữa, và có cái nhìn toàn diện hơn về các phương pháp của mình.
Bài học 2: Tư duy như một nhà khoa học
Tái tư duy được coi là yếu tố cơ bản của mỗi nhà khoa học. Khi họ được trả lương để liên tục nhận biết về những giới hạn hiểu biết của mình. Những nhà khoa học luôn được kỳ vọng phải hoài nghi về điều đã biết, say mê tìm hiểu điều chưa biết và làm mới góc nhìn bản thân dựa trên các dự liệu mới. Với lối tư duy ấy, họ sẽ không bao giờ giới hạn những hiểu biết của mình trong một khuôn khổ hạn định. Theo Adam Grant, chúng ta hoàn toàn có thể hướng bản thân đến lối tư duy như những nhà khoa học mà không nhất thiết phải là một nhà khoa học chuyên nghiệp.
Khi ở chế độ tư duy của nhà khoa học, chúng ta từ chối để các quan điểm cá nhân trở thành hệ tư tưởng. Chúng ta không bắt đầu bằng việc đưa ra các câu trả lời hay giải pháp, mà bằng câu hỏi và vấn đề cần giải quyết. Chúng ta không thuyết giảng dựa trên trực giác, mà phổ biến tri thức dựa trên chứng cứ. Chúng ta không chỉ đưa ra các ý kiến phản biện mang tính xây dựng đối với những lý lẽ của người khác, chúng ta còn dám phủ nhận những lý lẽ của chính mình.
Sự bảo thủ hay không dám nhìn nhận những thiếu sót trong kiến thức của mình sẽ khiến cánh cửa tri thức đóng sập trước mặt bạn. Thay vì cảm thấy thất vọng hay xấu hổ khi phải thừa nhận mình sai, hãy cởi mở một chút để tái tư duy. Sự tò mò, linh hoạt và ham tìm hiểu như một nhà khoa học sẽ dần khiến bạn nhận ra nhiều điều thú vị. Và thừa nhận những sai lầm hay thiếu hiểu biết của mình sẽ không còn đáng sợ như nó đã từng nữa.
Bài học 3: Hãy học cách đặt câu hỏi
Thay vì khăng khăng dùng lý lẽ của mình để thuyết phục một ai đó. Một cách hiệu quả khác để khiến mọi người suy nghĩ lại về niềm tin của họ chính là đặt vấn đề và đưa ra câu hỏi. Cách đặt câu hỏi thông minh sẽ khiến những người đang kiên quyết bảo vệ quan điểm cực đoan của họ nhận ra giới hạn hiểu biết của mình và tiết chế lại ý kiến.
Trong Think Again, tác giả Adam Grant đưa ra những cách đặt câu hỏi thú vị, giúp hướng những người xung quanh chúng ta tới việc tái tư duy trong suy nghĩ. Theo Adam, tranh cãi chưa bao giờ là phương pháp hiệu quả để thuyết phục ai đó lắng nghe theo ý kiến của mình và cũng không thể là cách thức đúng đắn giúp người khác nhận ra sự sai lầm trong ý kiến cá nhân của họ.
Lắng nghe và đặt câu hỏi thông minh sẽ là chìa khóa giúp không chỉ bạn mà những người xung quanh nhận ra những điều mình còn chưa biết và điều chỉnh nó sao cho hợp lý. Bởi đôi khi, mọi người không thay đổi ý kiến vì họ muốn có quyền tự do của riêng họ hơn là thực sự không đồng ý, vì vậy điều quan trọng là hãy lắng nghe và cho họ quyền tự do đưa ra quyết định của riêng họ.
Không thể có sự tiến bộ nếu không có sự thay đổi; và những ai không thể thay đổi tư duy của mình sẽ không thay đổi được bất cứ thứ gì. – George Bernard Shaw
Tái tư duy chắc chắn sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới với những thay đổi liên tục. Một tư duy bảo thủ, không khiêm nhường chính là trở ngại ngăn cản bạn tiếp cận với nguồn tri thức mới và vô tận của nhân loại.
Think Again: Dám nghĩ lại với những lập luận khoa học, những ví dụ minh họa dí dỏm cùng 30 đúc kết nếu bạn muốn nâng cao các kỹ năng tái tư duy thực tiễn chắc chắn sẽ trở thành cẩm nang hữu ích giúp loại bỏ những kiến thức và quan điểm không còn hữu ích với bạn và hướng bạn đến việc xây dựng nhận thức về bản thân với tư duy linh hoạt.
Tái tư duy có thể giúp bạn nảy ra những giải pháp mới cho các vấn đề cũ, đồng thời cải tạo lại các giải pháp cũ để áp dụng cho những vấn đề mới. Đây là hành trình để bạn học hỏi nhiều hơn từ những người xung quanh và sống với ít tiếc nuối hơn.
Nếu bạn muốn bước ra khỏi vùng an toàn của mình và tìm hiểu điều gì đó về bản thân và những người xung quanh, nếu bạn muốn trở nên thông minh hơn, dễ mến hơn thì cuốn sách này chính là dành cho bạn.
“Dĩ nhiên là tôi có thể sai. Và ngay khi phát hiện ra mình sai, tôi sẽ thử tư duy theo cách khác.” – Adam Grant