Cuốn Putin – Logic của quyền lực do Hubert Seipel thực hiện trong 5 năm (từ năm 2010 đến 2015). Tác giả đã có hơn 20 buổi phỏng vấn chuyên sâu với Putin, đồng thời tháp tùng ông trên hàng chục chuyến đi trong, ngoài nước.
Khi còn tại vị ở chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama xếp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hàng ngũ “những mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới”, bên cạnh dịch bệnh Ebola và tổ chức Hồi giáo tự xưng IS. Trong một bài phát biểu đầu năm 2022, Cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố mình là Tổng thống Hoa Kỳ duy nhất mà, dưới thời của ông, Nga không xâm lược một vùng đất nào cả.
Rõ ràng, phương Tây thể hiện một thái độ không mấy niềm nở với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Putin lập tức được khắc hoạ như một kẻ độc tài tàn ác, có thể sánh ngang với bất kỳ kẻ độc tài máu lạnh nào trong lịch sử. Trong khi vị Tổng thống Ukraine Zelensky xuất hiện với tần suất dày đặc trên báo chí, những tin tức về Putin ít xuất hiện và hầu hết đều chìm nghỉm giữa luồng thông tin về cuộc chiến và sức thống trị của truyền thông từ phương Tây. Do vậy, chúng ta vẫn thường rất ít biết về Putin và những nước đi của ông. Người ta biết ông có một quá khứ lẫy lừng với đầy những điểm bất ngờ đến kỳ thú, người ta biết ông có một tầm vóc vĩ đại, nhưng ít ai biết những gì thực sự đã gây dựng nên tầm vóc ấy.
Vladimir Putin đã làm thế nào để từ một sĩ quan Uỷ ban An ninh Quốc gia ở Đông Đức trở thành người đàn ông quyền lực nhất và là người định hình cho nước Nga mới? Làm thế nào để Liên Xô trở thành một đế chế đáng gờm sau sự sụp đổ tưởng như khó có thể hồi sinh trong và sau chiến tranh lạnh? Có những bí mật gì về con người ông chưa từng được khai mở? Cuốn sách Putin – Logic của quyền lực sẽ đưa ra những câu trả lời cho câu hỏi ấy, từ góc nhìn của một nhà báo phương Tây – Hubert Seipel.
Hubert Seipel là một trong những tác giả phương Tây hiếm hoi từng có những hiểu biết và nghiên cứu sâu rộng về Putin. Ông có cơ hội tiếp xúc với Putin từ năm 2010, khi làm bộ phim tài liệu I, Putin: A Portrait. Sau bộ phim đó, ông trở thành một trong những nhà báo phương Tây hiếm hoi được tiếp cận gần Putin và ra mắt những đầu sách về cuộc đời ông, chủ yếu xoay quanh tư duy về quyền lực và cách thức di chuyển trên bàn cờ chính trị của vị Tổng thống lừng danh này.
Cuốn sách của Hubert Seipel tái hiện những dấu mốc chính trong cuộc đời Putin. Những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Putin trùng khớp với những thời khắc bước ngoặt của lịch sử Nga. Tuổi thơ Ông là thời ổn định Xô Viết. Cùng với sự tan rã đất nước sau năm năm làm nhân viên tình báo đối ngoại của Liên Xô ở Đức, ông tìm được chỗ đứng trong đời sống dân sự với tư cách cố vấn pháp luật cho chính quyền thành phố quê hương. Sau vài năm làm việc cho chính quyền điện Kremlin, ông chứng kiến sự tan rã của nhà nước và nhanh chóng học hỏi cách thức hoạt động của các cơ chế quyền lực trong kỷ nguyên hỗn loạn của Yeltsin. Năm 1999, ông trở thành Tổng thống Nga, và cuộc chiến quyền lực khi ấy mới chỉ bắt đầu với một Putin khó đoán: Ông trụ ở sân sau, nhiệt tình quan sát dòng chảy của những quá trình chính trị, nhận biết ai có ảnh hưởng tới việc đưa ra quyết định và ai thì không. Ba năm nữa trôi qua, ông trở thành Thủ tướng chính phủ Liên bang Nga. Và nửa năm sau đó – là Tổng thống.
Khi mới lên nắm quyền, Putin phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn “tư nhân hóa” các tài sản quốc gia. Putin cùng lúc phải vực dậy nền kinh tế sa sút, giải quyết nạn tham nhũng, chia rẽ dân tộc và các âm mưu lật đổ chính quyền. Để đảo ngược tình thế khó khăn, Putin đã tìm cách tăng trưởng kinh tế, phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục. Và ông đã làm được: Khi Putin nhậm chức Tổng thống, gần 1/3 người Nga có thu nhập thấp hơn mức nghèo khổ, giờ con số đó còn 11%. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65 đến 70. Số vụ giết người giảm, đồng thời nỗi lo rằng người Nga sẽ chết hết đã biến mất.
Putin cũng là một chính khách cứng rắn trên chính trường quốc tế. Ông đưa ra nhiều quyết định cứng rắn, đặc biệt là việc phản đối sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông. Từ lời kể của Seipel, những nỗ lực của Putin trong việc hợp tác chặt chẽ với phương Tây vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 trở nên rõ ràng. Việc mở rộng khu vực chiến đấu tại Chenya cũng được kể lại một cách chi tiết và thuyết phục. Trong nhiều chương khác, Seipel làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Putin và “người đàn bà thép” Angela Merkel, những mối căng thẳng với Hoa Kỳ cùng các quốc gia phương Tây khác. Đặc biệt, khi những căng thẳng tại Ukraine, cùng với những động cơ khích bác ngầm từ NATO, một lần nữa dấy lên, những mô tả khúc chiết và hợp lý về xung đột tại Ukraine, cái gọi là “cuộc chiến khí đốt” và những câu hỏi về tình hình Crimea trở nên quan trọng hơn bất kỳ thời điểm nào khác. Từ góc độ của Putin, người ta có thể nhìn thấy một cuộc chiến rất khác, với những tính chất và động cơ rất khác – những gì ta ít thấy trên truyền thông đại chúng thế giới.
Phần lớn chúng ta vẫn luôn có ấn tượng về Putin như một chính trị gia thực dụng, một người có quan điểm riêng và rất khéo léo trong cách bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng tất cả không chỉ có vậy. Cuốn sách của Seipel còn khắc hoạ Putin trên bình diện một con người. Lần đầu tiên chúng ta được biết về cha mẹ và thời thơ ấu của Putin, những sở thích của ông và những mục tiêu mà ông cho là đáng phấn đấu – tất cả những điều rất nhỏ nhặt nhưng đã tôi luyện nên tinh thần ông: Tuổi thơ khó khăn ít nhiều để lại dấu ấn trong con người ông. Khi còn nhỏ, ông thấy cha mình “luôn nhìn… đồng hồ điện, tính toán từng cô-pêch để trả tiền điện đủ và đúng hạn”. Sau này, ông có thói quyen là không bao giờ để đèn sáng khi rời đi đâu đó. Luôn luôn ông tắt đèn.
Seipel cũng dành một thời lượng tương đối trong cuốn sách để nói về một khía cạnh khiến người ta phải chú ý: mối quan hệ giữa nhà thờ và nhà nước. Một đặc điểm của Putin chưa từng được biết đến đã được hé lộ: Putin đặc biệt thông thạo lịch sử nước Nga, và từ sâu bên trong ông là một mối ràng buộc sâu sắc với đức tin. Ông xem mình là “người bảo vệ các điều răn của Chúa”, kiên quyết tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa các anh em cùng đức tin lúc này đã trải qua sự chia rẽ và bất đồng sâu sắc. “Nhà thờ, đó là một phần lịch sử chung của chúng tôi.” Putin đã không là Putin nếu không nhấn mạnh một mối liên hệ có tính biểu tượng: “không có mối liên hệ với kinh nghiệm tôn giáo và lịch sử, nước Nga sẽ không có được bản sắc dân tộc.” Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta chẳng bao giờ được nghe câu chuyện mà Putin kể về Thánh Elizabeth, một cách cẩn trọng và đầy thành kính.
Càng đào sâu vào những gì được viết trong cuốn sách, càng thấy rõ một bức tranh rất khác so với những gì mà các phương tiện truyền thông cố gắng đưa ra ngày này qua ngày khác: Putin là một người yêu đất nước của mình và dốc hết sức mình phục vụ nó. Ông chưa bao giờ để mình bị quyến rũ bởi những sự phù phiếm, như cái cách Gorbachev đã làm. Trong cuộc chiến của mình, ông đã đối đầu với hai đối thủ lớn – chính khách Boris Berezovsky và tỷ phú và Mikhai Khodorkovsky, và chưa bao giờ ông nhượng bộ.
Cuốn sách của H. Seipel cung cấp một bức tranh khác, đầy đủ hơn và khác biệt hơn về Putin và nước Nga so với những gì được biết đến từ các phương tiện thông tin đại chúng
Cuốn sách của Seipel, dù lấy chính trị làm chủ đề chính yếu, không phải một cuốn sách quá khó đọc. Những điều phức tạp nhất đều được giải thích một cách rõ ràng và dễ hiểu, đan cài trong những câu chuyện nhỏ, với lối dẫn dắt tự nhiên: để mở đầu cuốn sách, Seipel viết: Đầu tháng 3 năm 2015 i, các phương tiện truyền thông đại chúng thế giới cuống cuồng đi tìm lời đáp cho câu hỏi ngắn: Putin đâu rồi? Các mối quan hệ nguyên nhân – kết quả được khắc hoạ một cách chặt chẽ và nhịp nhàng ở bất kỳ chủ đề nào, cho dù đó là về vai trò của giới truyền thông và các nhà báo Đức hay về những câu hỏi khó về mối quan hệ của Nga với EU hay Hoa Kỳ. Sự kỳ công này chỉ có thể xuất phát từ lương tâm trong sáng của một nhà báo vững vàng, chuyên nghiệp và chất lượng cao.
Trong hàng thập kỷ, Putin và quan điểm chính trị của ông luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Người dân trên toàn cầu có thể có những cách tiếp cận khác nhau về ông và, do đó, có thể đồng tình, phản đối hoặc trung lập với những chính sách của ông với nước Nga và trong quan hệ quốc tế. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng việc tìm hiểu logic quyền lực của Putin dưới góc nhìn của một nhà báo phương Tây có hơn 20 buổi phỏng vấn chuyên sâu với Putin đồng thời tháp tùng ông trên hàng chục chuyến đi trong, ngoài nước là một điều thú vị. Một bàn cờ địa – chính trị phức tạp và phong phú, với điểm xuyết là những câu chuyện trên bình diện con người của Putin, chắc hẳn sẽ biến Putin – Logic của quyền lực trở thành một trải nghiệm khó quên đối với người đọc.
Cuốn Putin – Logic của quyền lực của tác giả Hubert Seipel do First News phát hành tại Việt Nam. Cuốn sách do Hubert Seipel thực hiện trong 5 năm (từ năm 2010 đến 2015). Tác giả đã có hơn 20 buổi phỏng vấn chuyên sâu với Putin, đồng thời tháp tùng ông trên hàng chục chuyến đi trong, ngoài nước. Sách mở ra góc nhìn mới về nhà lãnh đạo Nga.Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc cuốn sách tại đây.
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Putin – Logic của quyền lực: Luật mới hay không luật? Những yêu sách của Hoa Kỳ thống trị thế giới
“MIỀN ĐẤT HỨA” – Cuốn hồi ký nổi tiếng của vị Tổng thống da màu đầu tiên nước Mỹ, Barack Obama
MIỀN ĐẤT HỨA – Hồi ký nổi tiếng của Cựu Tổng Thống Obama xuất bản tại việt nam