Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương tập 3, đã kể lại chi tiết 12 năm tác giả được sống trong vòng tay bao bọc của người cha Do Thái với rất nhiều bài học quý báu về cuộc sống, hành trang đã giúp bà đi qua bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời sau này.
Từ khi trở thành cha của một cô con gái và một cậu con trai, tôi bắt đầu tìm đọc sách nuôi dạy con cái. Bởi cùng với quá trình lớn lên của con, tôi càng ngày càng nhận thấy việc làm cha mẹ phải được học hỏi, chắt lọc kinh nghiệm từ những người đi trước, và tất cả mọi người xung quanh mình. Có thể thấy rất rõ ràng, ai cũng yêu thương núm ruột mình dứt ra, nhưng một đứa trẻ được nuông chiều bảo bọc quá kỹ rất dễ sinh hư và nếu tình trạng này kéo dài, sau này lớn lên trẻ rất dễ trở thành một con người ngu ngơ trước cuộc đời, tệ hơn là sống vật vờ, không thể chăm sóc, nuôi sống được chính bản thân mình hoặc sống vô thiên vô pháp, coi mình là trung tâm của vũ trụ… Trong các cuốn sách dạy con tôi đọc đi đọc lại nhiều lần có hai cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương tập 1 và tập 2. Và tôi rất vui khi tiếp tục được đọc các chia sẻ về kinh nghiệm dạy con cũng như cuộc đời của tác giả Sara Imas qua cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương tập 3
Khi đọc sách, đặc biệt là đọc các cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều tập của một tác giả, đa phần độc giả sợ mình sẽ đọc phải những cuốn sách mà nhiều khi tác giả “cứ bôi ra”, nhắc lại chuyện cũ, cốt sao cho được dài dòng. Nỗi sợ này hẳn nhiên được rút ra từ việc đọc một số cuốn sách thuộc kiểu đó. Tuy nhiên, từ trải nghiệm của chính bản thân, tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng, với bộ sách Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương, trong đó tập 3 vừa được ra mắt trong thời gian gần đây, chắc chắn bạn sẽ không phải trải qua trải nghiệm không vui vẻ đó.
Ở tập 1 cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương độc giả được tác giả chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy con của người Do Thái trong những năm tháng đầu đời, với việc bồi dưỡng những kỹ năng quan trọng nhất là phát triển kỹ năng sinh tồn, kiếm tiền, quản lý tài sản và hưởng thụ cảm giác hạnh phúc – là những điều quan trọng giúp con cái có thể trở thành người thành công và hạnh phúc sau này. Ở tập 2 của cuốn sách, tác giả tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái trong giai đoạn trưởng thành cũng như vai trò của ông bà đối với việc nuôi dạy cháu của mình.
Trong mỗi cuốn sách độc giả đều thấy được những sự kiện quan trọng trong từng giai đoạn nuôi dạy con cái của tác giả; nhưng dường như họ vẫn thấy thiếu vắng lý giải cần thiết về những điều đã hình thành nên một bà mẹ mang hai dòng máu Trung Quốc và Do Thái mạnh mẽ, cởi mở mà sâu sắc này. Và tất cả những điều đó được tác giả chia sẻ trong cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương tập 3, nơi bà đã kể lại chi tiết 12 năm được sống trong vòng tay bao bọc của người cha Do Thái với rất nhiều bài học quý báu về cuộc sống, hành trang đã giúp bà đi qua bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời sau này.
Sinh ra và lớn lên tại Trung Quốc, Sara Imas không biết người mẹ Trung Quốc của mình là ai, nhưng cô luôn được người bố đã cao tuổi của mình (khi Sara được sinh ra bố cô đã 60 tuổi) nuôi dưỡng trong điều kiện kinh tế đủ đầy; tuy vậy cô không hề được nuông chiều và luôn được cha dạy bảo nhiều bài học làm người quý giá, như thể ông biết rằng thời gian của mình bên con gái trên thế gian này sẽ không còn nhiều nữa. Và thực tế trong 12 năm ngắn ngủi bên con, ông đã dạy cho con mình rất nhiều bài học giá trị, khiến bà không thể nào quên và hưởng lợi vô tận từ đó.
Là hậu duệ của một dân tộc phải trốn chạy khỏi thảm họa diệt vong của phát xít Đức, bài học đầu tiên mà Sara được cha của mình dạy chính là sự quý trọng đối sinh mệnh của mình, kính trọng cha mẹ, người đã ban cho mình sinh mệnh. Đây là một bài học vô cùng sâu sắc, bởi bất cứ ai trên thế giới gian này nếu không trân trọng sinh mệnh của mình, trong mọi hoàn cảnh cần phải suy nghĩ trước tiên đến sự an nguy của bản thân, thì họ sẽ không thể làm được bất cứ điều gì trong cuộc đời của mình. Bởi nếu sinh mệnh chấm dứt thì lẽ dĩ nhiên mọi điều sẽ chấm dứt theo; khi nó bị đe dọa thì hẳn nhiên cá nhân đó cũng không thể nào tập trung được tâm trí và sức lực để thực hiện những mục tiêu mình đã đặt ra trong cuộc sống.
Thấm nhuần bài học đó, nên trong cuộc sống sau này, Sara đã có nhiều quyết định sáng suốt để bảo vệ an nguy của bản thân như: từ bỏ việc kiện tụng để lấy lại gia tài được thừa kế từ người mẹ nuôi “lòng lang, dạ sói”, người mà cha cô đã gửi gắm việc nuôi dạy con trước khi ông qua đời vào năm 72 tuổi, nhưng đã không từ thủ đoạn gán ghép cô vào tội danh chính trị khiến cô phải ngồi tù và đi cải tạo nhiều năm liền để chiếm đoạt tài sản.
Đó là bài học về quy củ, phép tắc, sự giáo dưỡng, lòng tự tôn để trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả lúc bần cùng nhất, họ vẫn giữ vững được tâm thái của mình. Đó là thói quen đọc sách để thấm nhuần một cách tự nhiên những nghịch lý khó thay đổi của cuộc đời, chấp nhận nó; nhưng đồng thời vẫn rèn giũa sự kiên nhẫn, tinh thần tự lực, vươt lên, biết cách vận dụng trí tuệ một khách khôn khéo, thông minh để vượt lên nghịch cảnh, biết cho đi… Để rồi sau đó cô bé 12 tuổi không mẹ, mất cha, từ việc được sống trong tình thương bao la của người cha, trong điều kiện vật chất đủ đầy, bỗng rơi xuống cảnh bần cùng, phải sống dưới gầm cầu thang, làm việc quần quật như người hầu trong gia đình mẹ nuôi mà vẫn vững vàng đối phó với phong ba, bão tố của cuộc đời.
Trong hai phần ba còn lại của cuốn sách tác giả kể lại cuộc đời của mình với những biến cố quan trọng kể từ thời niên thiếu mất cha, trưởng thành, bị vu oan, tù tội; đến khi trải qua ba cuộc hôn nhân không hạnh phúc, có ba đứa con, rồi quyết định đưa con trở về Israel để thực hiện tâm nguyện của người cha đã mất với những tháng ngày vất vả gần như phải bắt đầu lại từ con số không, trong hoàn cảnh chiến tranh, bom rơi, đạn bắn, đánh bom cảm tử trường kỳ; sau cùng mới quyết định quay trở về Trung Quốc.
Điều đáng nói, kể lại cuộc đời và quá trình nuôi dạy con cái với những dấu mốc quan trọng, tác giả cuốn sách luôn quán chiếu vào đó phương pháp dạy con của một người cha Do Thái – cha bà; những gì đã được chia sẻ trong 2 tập đầu tiên của bộ sách, bà cũng không viết lại (chỉ nhắc nó ở tập nào của bộ sách). Vì vậy, như tôi đã nói đến ở phía trên, đọc cuốn sách này bạn sẽ thấy hữu ích và không cảm thấy bị nhàm chán. Và đây tiếp tục là một cuốn sách nên đọc với bất cứ bậc phụ huynh nào mong muốn truyền dạy cho các con của mình những phẩm chất, đức tính cần thiết để trưởng thành và hạnh phúc trong cuộc đời.
Như tác giả Sara Imas đã viết: “Trong quá trình trưởng thành của tôi, cha luôn đặt việc giáo dục nhân cách lên hàng đầu. Trong cuốn sổ tặng tôi, ông từng viết những từ sau: bác ái, cảm ơn, thành tín, nhẫn nại, lạc quan, và sau tất cả những từ này, ông mới viết hai từ “tri thức“. Ý nghĩa cũng những từ này, có lẽ không cần nói các bạn cũng hiểu.
Với tư cách của những bậc phụ huynh, chúng ta nên cho con cái mình điều gì trước nhất? Đó không phải là vật chất, mà là tinh thần kề vai chung sức giữa các thành viên trong gia đình, là phẩm cách kiên cường, tự tin, là tình yêu thương không hề nuối tiếc nhưng biết đặt đúng chỗ của cha mẹ dành cho con cái…
Tôi luôn biết ơn trí tuệ của cha và thế giới của những cuốn sách, đây là những điều khiến tôi có thể chịu được bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời. Dù từ nhỏ tôi đã biết mình khác biệt, nhưng cho tới tận hôm nay, khi nhìn lại thời gian đã qua trong cuộc đời mình,lòng tôi dâng trào muôn vàn cảm xúc, rằng cuộc đời mình lắm gian nan, nhưng cũng độc đáo biết bao! Tôi đã trải qua “Cách mạng văn hóa, từng trải nghiệm cảnh thập tử nhất sinh, từng có những ước mơ đẹp đẽ và cũng từng nếm trải sự tàn khốc của hiện thực. Một người phụ nữ nhỏ bé như tôi đã trải qua những đợt sóng trào của thời đại, trở thành chứng nhân của một thời đại. Tôi giống như một khách bước lên một chuyến xe mà bản thân không hề muốn đi.Nhưng cuộc sống là như vậy, bất kể trên tay đang cầm quân bài nào, chúng ta cũng phải chơi cho thật tốt… Sức mạnh từ sự giáo dưỡng của cha đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, đồng hành cùng tôi suốt chặng đường đời…”
Nguyễn Cường- Trạm đọc