‘Offline- Giải phóng tâm trí khỏi căng thẳng trên điện thoại thông minh và mạng xã hội’ là cuốn sách thích hợp để tìm hiểu những bí mật sâu sắc nhất của các công ty công nghệ. Với cuốn sách này độc giả sẽ khám phá ra cách họ thu hút sự chú ý và thao túng để bán cho chính mình sản phẩm của họ (hoặc biến độc giả thành sản phẩm!), đồng thời gây ra những tác hại không mong muốn lên sức khỏe và não bộ con người
Con người được thiết kế về mặt di truyền để tự suy nghĩ và lập luận. Con người có nhiệm vụ tương tác, gắn kết, xây dựng các mối quan hệ xã hội và các mối liên kết phức tạp. Nhưng công trình tuyệt vời này của tạo hóa có một số sai sót nguy hiểm giữa ý thức và tiềm thức và tâm trí tự chủ. Và những sai sót này có thể bị các tác nhân bên ngoài lợi dụng để dụ dỗ, ép buộc và thao túng. Các yếu tố kích hoạt, chẳng hạn như thiết kế tương tác hoặc kể chuyện… đang tạo ra lợi nhuận vô giá cho các công ty công nghệ, ngay cả khi chúng không tốt cho con người.
“Offline- Giải phóng tâm trí khỏi căng thẳng trên điện thoại thông minh và mạng xã hội” là cuốn sách thích hợp để tìm hiểu những bí mật sâu sắc nhất của các công ty công nghệ.
Với cuốn sách này độc giả sẽ khám phá ra cách họ thu hút sự chú ý và thao túng để bán cho chính mình sản phẩm của họ (hoặc biến độc giả thành sản phẩm!), đồng thời gây ra những tác hại không mong muốn lên sức khỏe và não bộ con người. Dưới đây là một số những phân tích tiêu biểu trong cuốn sách .
1. Điện thoại thông minh, Internet và mạng xã hội là những trung tâm thương mại khổng lồ. Hàng hóa, dịch vụ và trải nghiệm đều được rao bán trực tuyến.
Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, các công ty công nghệ sẽ làm bất cứ điều gì, để thu hút sự chú ý của người dùng. Để đạt được điều này, họ phát triển các công cụ cực kỳ tinh vi để mổ xẻ và hiểu các ưu tiên, quan tâm hàng đầu của người dùng đằng sau các công cụ tìm kiếm hoặc hoạt động của họ trên thiết bị kỹ thuật số.
Chỉ cần quét trang Facebook và phân tích mẫu lượt thích, bài đăng và ảnh của người dùng, phần mềm có thể dự đoán tính cách, sở thích, tình cảm, hành vi và niềm tin sâu sắc nhất của họ. Các kết quả này có mức độ chính xác thậm chí còn hơn cả gia đình và bạn bè thân thiết nhất hiểu về bản thân họ. Từ đó, các công ty thông qua các ứng dụng có thể cung cấp vô hạn các thông tin giúp mê hoặc người dùng, duy trì sự tương tác, cung cấp cho người dùng những gì họ muốn, cuối cùng kích thích họ quyết định mua sắm.
Rốt cuộc, như người ta đã nói: nếu bạn không trả tiền cho sản phẩm, bạn là sản phẩm. Chúng ta là sản phẩm của các nền tảng truyền thông xã hội. Và để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của họ, chúng ta thậm chí còn cung cấp cho họ tất cả thông tin mà họ yêu cầu một cách miễn phí từ tên, tuổi, số điện thoại, đến sở thích…
2. Mục tiêu của các nhà bán lẻ là thuyết phục bạn về những nhu cầu mà bạn thậm chí không biết là mình có. Khi nhu cầu được tạo ra, giải pháp sẽ được bán.
Tất cả mọi người đều có chung một số nhu cầu không thể thiếu. Đó là các nhu cầu để duy trì sự sống gồm nước, thức ăn, sự bảo vệ, giấc ngủ và một số nhu cầu sinh lý khác. Hơn nữa, từ “cần” khá chủ quan. Nhu cầu của một người có được đáp ứng hay không có thể là vấn đề của nhận thức. Bạn có nhất định cần một chiếc xe mới? Một ngôi nhà rộng và tiện nghi để ở? Hay điện thoại thông minh mới nhất?…
Vì ý thức về nhu cầu của con người phần lớn được điều kiện hóa, nên nó có thể được phục hồi. Đây là mục tiêu cơ bản của các nhà bán lẻ: thuyết phục người tiêu dùng về những nhu cầu mà họ thậm chí không biết là mình có. Một khi nhu cầu được tạo ra, thì giải pháp cũng được đưa ra ngay lập tức. Nhưng mọi việc không kết thúc ở đó; các công ty thậm chí còn khuyến khích người tiêu dùng chia sẻ giao dịch của họ với gia đình và bạn bè. Đến lượt mình, người tiêu dùng có thể chỉ cho những người thân, đồng nghiệp của mình cách giải quyết vấn đề. Cuối cùng những người đó có thể bị thuyết phục mua, bởi họ không muốn bị bỏ lại phía sau.
Facebook là bậc thầy của những hoạt động như vậy; chúng kích hoạt và củng cố so sánh xã hội để gợi lên cảm giác tiêu cực của sự tự ti, đố kỵ và thậm chí là trầm cảm trong người dùng. Nói chung, càng dành nhiều thời gian trên Facebook và càng có nhiều người lạ làm bạn, người dùng càng có nhiều khả năng cảm thấy rằng những người khác có cuộc sống tốt hơn mình.
3. Nhiều người đang sống trên chế độ lái tự động mà không hề hay biết.
Trong suốt lịch sử loài người, bộ não của con người đã phát triển một hệ thống ra quyết định vô thức. Nhờ đó con người có thể đảm đương những công việc thường ngày mà không cần tốn nhiều công sức. Những cơ chế này được cho là giúp não bộ của con người không bị quá tải. Trong thời đại khoa học công nghệ bùng nổ như hiện nay, rất nhiều người đang sống với chế độ lái tự động trên những thứ quan trọng nhất. Họ không quan tâm nhiều đến những gì mình ăn, xem trên TV, hoặc đọc. Thay vào đó, tâm trí của họ đi lang thang hầu hết thời gian, dành quá nhiều sự chú trọng cho những sắc thái không đáng kể trên internet. Nhiều người như đang sống trên chế độ lái tự động, có cảm giác như ai đó đang điều khiển cuộc sống, chứ không phải chính mình.
4. Động cơ thúc đẩy con người là gì? Hiểu được động cơ là giải pháp để định hình hành vi. Và những gì các công ty cùng các nhà chiến lược thị trường cố gắng đưa ra câu trả lời.
Có hai loại hormone nổi tiếng là dopamine và oxytocin tạo ra những tác động lớn đến cuộc sống của con người. Dopamine khiến con người chú ý đến bất cứ điều gì khiến họ cảm thấy hài lòng. Oxytocin giúp họ cảm thấy hạnh phúc, nhất là trong các hoạt động xã hội và gắn kết với những người khác. Các công ty công nghệ đã biết cách tận dụng và khai thác triệt để hai loại hormone này.
Cuộn nguồn cấp tin tức không bao giờ kết thúc trên Facebook, Instagram, Pinterest, Twitter, Linkedin có thể khiến rất nhiều người say mê. Họ không bao giờ biết điều gì sẽ hiển thị tiếp theo. Và sự không biết trước này sẽ giữ cho dopamine tiếp tục được tạo ra. Người dùng lúc này bị giam cầm bởi cùng một cơ chế được sử dụng trong máy đánh bạc. Họ duyệt các ứng dụng này theo hướng dự đoán phần thưởng. Tuy nhiên, vì phần thưởng được phân phối theo kiểu không thể đoán trước, nên họ vẫn tham gia lâu hơn.
Hệ thống dựa trên dopamine tự nhiên này hoạt động khá tốt khi mỗi người muốn thành công và hoàn thành mục tiêu của mình. Nó thưởng cho họ khi họ đạt được mục đích của mình, khuyến khích một nỗ lực khác. Tuy nhiên, khi nó được sử dụng vì lợi của cá nhân hay tổ chức nào đó, nó sẽ buộc người dùng vào các trò chơi may rủi một cách sai lầm, dẫn đến việc người dùng nghiện ngập và khốn khổ. Đây chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng nghiện điện thoại thông minh của rất rất nhiều người trên thế giới hiện nay.
5. Tác hại của việc lạm dụng mạng xã hội và tại sao chúng ta nên dành nhiều thời gian ngoại tuyến hơn.
Có một mối tương quan giữa căng thẳng và phương tiện truyền thông xã hội. Kết quả của nhiều chương trình nghiên cứu cho thấy: mọi người càng căng thẳng hơn khi họ tham gia vào mạng xã hội; những người sử dụng Facebook thường xuyên có lòng tự trọng thấp hơn những người ít sử dụng. Một trong những lý do là việc tiếp xúc với những so sánh xã hội đi lên có thể làm giảm lòng tự trọng của bạn. Nhiều người dùng Facebook có xu hướng so sánh bản thân một cách bất lợi với những người dùng khác, và cảm thấy thất vọng, tự ti không yêu bản thân cũng như cuộc sống của mình.
Tuy nhiên, hậu quả của việc lạm dụng phương tiện truyền thông xã hội còn bao trùm ở một phạm vi lớn hơn nhiều. Việc sử dụng quá nhiều các ứng dụng này có thể có tác động đáng kể đến rối loạn giấc ngủ, lo lắng và căng thẳng, lòng tự trọng và sự tự tin, cộng với các đặc điểm tâm lý và thậm chí là sinh lý.
Mặc dù internet và các nền tảng truyền thông xã hội giúp kết nối thế giới và mang mọi người lại gần với nhau hơn, nhưng nó cũng có mặt tối của nó. Hiện tượng này được các chuyên gia gọi là hiệu ứng buồng dội âm, và thiên kiến xác nhận.
Thiên kiến xác nhận xảy ra khi mọi người muốn coi một ý tưởng hoặc khái niệm nào đó là đúng, và cuối cùng họ tin rằng đó là sự thật. Họ tìm thấy một nhóm trên mạng xã hội bảo vệ quan điểm đó. Niềm tin phù hợp với nhóm sẽ được chia sẻ và khuếch đại. Những bài báo hoặc sự thật trái ngược với quan điểm của nhóm sẽ bị bác bỏ, chế giễu và chê cười.
Khi có các bằng chứng xác nhận quan điểm hoặc định kiến mà một người muốn là đúng, thì cá nhân đó sẽ ngừng thu thập thông tin. Thậm chí ngay cả khi người ấy muốn tìm kiếm thêm thông tin trái ngược, thì họ cũng không thể tìm thấy, vì các thuật toán được tối ưu hóa sẽ cung cấp cho họ những gì chúng cho rằng họ muốn. Cuối cùng họ sẽ nhận được nhiều các thông tin tương tự như vậy, và điều này càng làm phân cực quan điểm của họ hơn nữa. Điều đáng sợ hơn là việc chọn lọc các tin tức và sự thật xảy ra rất tinh vi, mà người dùng không hề hay biết.
Nói tóm lại, thiên kiến xác nhận bóp méo thực tế, là mầm mống của chủ nghĩa cực đoan, dẫn đến suy giảm khả năng kiểm soát xung động, đồng cảm; gia tăng cảm giác cô đơn, thiếu thốn và gia tăng các đặc điểm chống đối xã hội.
6. Giải pháp để thoát khỏi sự thao túng của các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội
Điều tuyệt vời là sau khi chỉ ra sự thao túng và những ảnh hưởng bất lợi của kỹ thuật số và mạng xã hội lên cuộc sống của con người, các tác giả cuốn sách “Offline” đã chỉ ra những phương pháp hiệu quả để giúp mỗi người cũng như con cái của họ có thể thoát khỏi những ảnh hưởng u tối của các thiết bị và ứng dụng này.
Theo đó, người dùng internet và các thiết bị thông minh cần học cách tạo thói quen tốt, cách sử dụng thời gian hiệu quả; xác định yếu tố kích hoạt/ tín hiệu và lập kế hoạch đối phó; rồi bắt đầu hành động; tìm nguyên nhân thất bại để sửa sai… Các cách này theo các tác giả: Tuy không khó như khoa học tên lửa, nhưng cũng không dễ dàng; đòi hỏi mỗi người phải có kỷ luật nghiêm ngặt với chỉnh bản thân mình thì mới thực hiện được.
Với con trẻ, các tác giả cũng đưa ra các hướng dẫn giúp độc giả dạy con các thói quen kỹ thuật số hợp lý và lành mạnh; các nguyên tắc tâm lý cơ bản, học cách tập trung, thực hành có chủ ý; xây dựng hiệu quả cho bản thân.
“Công nghệ luôn là con dao hai lưỡi. Việc sử dụng công nghệ một cách có ý thức, hướng tới một mục tiêu tích cực và có trọng tâm có thể mang lại lợi ích to lớn. Ngược lại, nếu sử dụng liên tục không có mục đích, sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp”.
‘Offline’ là phiên bản nâng cấp của cuốn sách ‘Sluk’ (tạm dịch: Tắt đi!) đã được hai tác giả xuất bản trước đó bằng tiếng Đan Mạch và nằm trong danh sách sách bán chạy nhất tại Đan Mạch trong vòng 18 tháng!
Phiên bản tiếng Anh của cuốn sách ‘Offline’ cũng nhận được đánh giá tích cực của rất nhiều chuyên gia và độc giả có danh tiếng cũng như độc giả thông thường ở khắp nơi trên thế giới. Nhận xét về cuốn sách, Anette Prehn, Chủ tịch Ban phòng chống căng thẳng của Đan Mạch viết: “Offline là cuốn sách cần phải đọc với bất kỳ ai đang sử dụng điện thoại thông minh và máy tình bảng!”. Tác giả kiêm bác sĩ Micheal Heijimadi thì viết: “Nếu con bạn đang sử dụng điện thoại thông minh, thì bạn cần đọc cuốn sách này!”.
Về tác giả:
Tác giả cuốn sách Tiến sĩ Imran Rashid là một chuyên gia công nghệ thông tin và bác sĩ gia đình, ông hiện đang là Trưởng phòng đổi mới của Aleris-Hamlet, Bệnh viện tư nhân lớn nhất Đan Mạch.
Trong khi đó tác giả Soren Kenner là một nhà kinh doanh và tiếp thị trực tuyến thành công, ông từng là CEO của McCann MRM EMEA, công ty quảng cáo chuyên làm việc với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Cùng với nhau họ đã sử dụng các kiến thức phong phú của mình trong y học, công nghệ và marketing để đưa ra những kiến thức đơn giản nhưng chất lượng về tác động của công nghệ với sức khỏe và não bộ con người.