Nếu bạn ngộ nhận DNA và vận mệnh (chứ không phải là sự thực hành và kiên nhẫn) quyết định khả năng của bạn, thì bạn dễ để người khác đánh giá mình và không dám mạo hiểm
Ngay cả khi cặp kính của tôi cứ nhỏ dần đi và hi vọng là trông ngầu hơn qua mỗi năm, tôi vẫn là một thành viên danh dự của TV show Nerd Nation. Như thế, tôi đọc rất nhiều sách, thường là hơn 50 quyển mỗi năm. Nhiều quyển tôi review là sách mới ra lò, vì tôi ngộ ra mọi người thường thích thú tìm hiểu về những cuốn sách mới. Nhưng tôi cũng thích lục lại cuốn cũ mà tôi thấy đặc biệt hoặc hợp gu. Cuốn Mindset của Carol Dweck là một trong những cuốn như thế.
Tôi bắt đầu chú ý đến Mindset từ vài năm trước. Nghiên cứu của Dweck tác động mạnh mẽ đến cách tư duy của chúng ta ngày nay. Từ đó trở lại đây, Dweck và nghiên cứu của bà đã giúp tôi và những người đồng sáng lập Microsoft hiểu hơn về thái độ và thói quen giúp các sinh viên kiên trì đi học bất chấp những thách thức lớn lao.
Luận điểm của Dweck là như thế này: Hệ gene ảnh hưởng đến trí thông minh và tài năng của chúng ta, nhưng những phẩm chất này không phải thâm căn cố đế. Nếu bạn ngộ nhận DNA và vận mệnh (chứ không phải là sự thực hành và kiên nhẫn) quyết định khả năng của bạn, thì bạn sẽ tư duy theo kiểu Dweck gọi là “tư duy bảo thủ” chứ không phải là “tư duy cầu tiến”. Phụ huynh và giáo viên ảnh hưởng rất nhiều đến kiểu tư duy của chúng ta – rồi đến phiên kiểu tư duy tác động phức tạp đến cách học và cách sống của ta.
Sau khi tiến hành rất nhiều thí nghiệm, Dweck chỉ ra tư duy bảo thủ là một chướng ngại tâm lí lớn, mặc cho bạn có tài năng trời cho hay không. Nếu bạn tư duy bảo thủ và tin rằng bạn được phú cho tài năng tiềm ẩn, bạn dễ để người khác công nhận mình thay vì nuôi dưỡng tài năng. Để bảo vệ cái danh vô cùng thông minh và tài giỏi, bạn thường tránh xa những khó khăn đe dọa danh tiếng của mình. Dweck viết: “Dưới góc nhìn của tư duy bảo thủ, chỉ những người không có tài thì mới cần phải cố gắng… Nếu bạn được công nhận là một thiên tài, một nhân tài hay một người có năng khiếu bẩm sinh thì bạn sẽ có nhiều thứ để mất. Cố gắng sẽ làm bạn mất giá.”
Nếu bạn tư duy bảo thủ và tin rằng bạn đã mất ưu thế về gene, bạn cũng có ít động cơ để nỗ lực. Tại sao bạn phải nhọc lòng cố học một khái niệm khó nhằn nếu bạn tự thuyết phục bản thân rằng bạn rất ngu về khoản này và chẳng có gì thay thế những phương trình cơ bản? Khi tôi đến thăm các sinh viên ở Arizona, một bạn trẻ nói với tôi: “Em là một trong những thành phần học ngu toán.” Câu này làm tôi chết điếng. Tôi nghĩ chuyện đáng lẽ đã khác nhiều nếu bạn đã nghe ai đó khẳng định chắc nịch “bạn có khả năng học tốt môn này.”
Ngược lại, những người có tư tưởng cầu tiến tin rằng những phẩm chất cơ bản, bao gồm trí thông minh, có thể phát triển giống như cơ bắp. Họ không tin rằng bất cứ ai cũng có thể là Albert Einstein hay Michael Jordan tiếp theo nếu chỉ chăm chỉ làm bài tập vật lí hay tập bóng. Theo như Dweck thì “họ tin rằng tiềm năng thực sự của một con người vẫn còn chưa được khai phá; rằng ta không thể thấy trước những gì một cá nhân có thể đạt được nếu họ có đam mê, chăm chỉ, và được đào tạo đúng đắn.” Kết quả là họ có động lực để vượt qua khó khăn và tìm kiếm cơ hội để vươn lên.
Một trong những lí do tôi thích Mindset là quyển sách này định hướng giải quyết vấn đề. Trong chương cuối của sách, Dweck thuật lại buổi hội thảo bà và đồng nghiệp tổ chức để thay đổi tư duy của sinh viên từ bảo thủ sang cầu tiến. Những buổi hội thảo như vậy thể hiện rằng “chỉ có tìm hiểu về tư duy cầu tiến mới có thể làm thay đổi đáng kể cách người ta nghĩ về bản thân và cuộc sống.”
Tôi chỉ chê duy nhất một điểm là Dweck hơi đơn giản hóa câu chữ cho phù hợp với độc giả đại chúng. Trái với cảm giác Dweck tạo ra trong sách, phần lớn chúng ta đều không phải là người tư duy bảo thủ hoặc cầu tiến 100%. Chúng ta lúc thế này lúc thế khác. Khi tôi đang đọc cuốn sách này, tôi nhận ra rằng tôi tiếp cận một số thứ với tư duy cầu tiến trong khi dùng tư duy bảo thủ với một số thứ khác.
Tác dụng lớn nhất của cuốn sách này là khiến bạn không thể tự hỏi những câu như: “Mình luôn luôn nhìn cái gì dưới lăng kính bảo thủ?” và “Mình đã tiêm nhiễm vào đầu bọn trẻ những gì về tư duy và nỗ lực?”. Nhờ có cuốn sách này của Dweck, bạn gần như nghiễm nhiên tiếp cận những vấn đề hóc búa với tư duy cầu tiến.
Trạm Đọc
Theo Gatesnotes
Xem thêm: Nuôi dưỡng tư duy cầu tiến: Đừng tin ai bảo bạn bất tài