Vượt lên trên những tuyệt vọng cùng nỗi đau, nhân vật chính Papillon lấy lại niềm tin cuộc sống, vượt qua mọi thử thách để trở về với tự do.
Hồi ký Papillon – Người tù khổ sai của Henri Charrière được ấn hành ở Việt Nam nhiều lần qua các bản chuyển ngữ của Thái Huy Quang và Cao Xuân Hạo.
Mới đây, tác phẩm được Auguste Le Breton khen là “câu chuyện phiêu lưu hay nhất mọi thời đại” quay trở lại với độc giả do Phương Nam Book và NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Sau khi Papillon – Người tù khổ sai được xuất bản năm 1969, chỉ trong một năm, sách được in 15 triệu bản, là hiện tượng xuất bản lúc bấy giờ, đưa Henri Charrière trở thành văn hào nổi tiếng và thành công với một tác phẩm duy nhất.
Sức hấp dẫn của Papillon – Người tù khổ sai không chỉ nằm ở nội dung, mà theo nhà nghiên cứu văn học Pháp J.F. Revel, thiên hồi ký của Charrière còn là mẫu mực hiện đại của ngành văn học khẩu ngữ được viết thành văn.
Papillon, vốn là biệt hiệu của Henri Charrière, thuở thiếu niên do sự xô đẩy của dòng đời, đã trở thành một tay du đãng. Những tưởng kẻ ngoài rìa xã hội đã là bi kịch, nhưng không, cuộc đời Papillon còn bi kịch hơn khi vô cớ bị bắt, kết án tù vì một tội ác mà mình không liên quan.
Năm 1931, khi Papillon ở tuổi 25, anh bị cảnh sát Paris, Pháp, bắt vì tội giết tên ma cô Legrand chỉ căn cứ lời khai của nhân chứng được dàn dựng trước. Án chung thân được quàng vào cổ chàng trai. Bị ném vào nhà tù mà ở đó, phạm nhân hoặc chết bệnh, hoặc thanh trừng nhau, nhưng Papillon không nản chí.
“Anh căm thù cái xã hội đã đày ải anh, nhưng anh không giây phút nào căm thù nhân loại, không giây phút nào để chết mất tình thương yêu của anh đối với con người”, dịch giả Cao Xuân Hạo đã cảm nhận về nhân vật chính như thế.
Papillon với biệt danh “Bướm Trắng”, đã trải qua mọi sự đày ải khổ sai, tổ chức tới 9 lần vượt ngục. Cứ lần này thất bại, lần sau lại cương quyết hơn. Ở lần vượt ngục thứ chín, Papillon thành công và tìm được tự do khi trở thành công dân chính thức của Venezuela.
Dù không thể phủ nhận ở Papillon sau khi ra tù vẫn còn những tồn tại, khuyết điểm của kẻ từng sống ngoài vòng pháp luật, vượt lên trên thực tế trần trụi ấy, ý nghĩa của tác phẩm vươn cao hơn khi những cảm xúc trong sáng của nhân vật đã gieo vào lòng người đọc nguồn ánh sáng lành mạnh.
Người ta có thể căm giận, xót thương hay buồn tủi, nhưng niềm tin mãnh liệt vào con người thì không bao giờ mất đi, đó là cốt lõi nhân văn giúp tác phẩm vượt qua được sự đào thải khắc nghiệt của thời gian, được độc giả nhiều thế hệ đón đọc và được dựng thành phim.
Ghi nhận thành công và sức lan tỏa của Papillon – Người tù khổ sai, báo New York Times nhận xét: “Papillon là tự truyện về người anh hùng điển hình bất chấp sự đàn áp khắc nghiệt để vượt ngục thành công bằng ý chí mạnh mẽ và tinh thần lạc quan”.
Theo Zing News