Bộ sách “Olga” sẽ là món quà ý nghĩa để bố mẹ gửi tặng và ủng hộ đam mê của các con. Đam mê ấy có thể đã bộc lộ rõ như tình yêu động vật, tình yêu khoa học của Olga; hoặc có thể chỉ mới vừa nhen nhóm như mong muốn được hiểu hơn về bản thân con.
Cố Đệ Nhất Phu Nhân nước Mỹ Jacqueline Kennedy từng nói: “Có nhiều cách nhỏ bé để mở rộng thế giới của con bạn và tình yêu với sách là cách tốt nhất để làm điều này“. Câu nói của bà Kennedy không chỉ cho thấy việc đọc sách mở rộng đường chân trời của sự hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh chúng, mà còn ngụ ý rằng thông qua việc đọc sách, trẻ sẽ hiểu thêm về bản thân và nhận thức được những khả năng vượt ra khỏi giới hạn trước đó mà trẻ nghĩ về chính mình.
Bộ sách “Olga” của tác giả Elise Gravel chính là một bộ sách có thể làm được cả hai việc trên. Tựa sách được đặt theo tên nhân vật chính trong truyện – Olga, một cô nhóc thông minh, tò mò và đặc biệt, có một niềm đam mê mãnh liệt với khoa học. Tình yêu khoa học của Olga không phải là thứ gì đó cao siêu khó chạm tới, cũng không hề khô khan tẻ nhạt, mà đơn giản là việc cô bé tò mò và ghi chép tỉ mẩn tất tần tật mọi quan sát, suy nghĩ về những thứ quanh mình trong các quyển nhật ký. Trí tò mò, sự say mê quan sát và ghi chép khiến mỗi ngày của Olga đều trở nên vô cùng thú vị và đáng mong chờ, vì dường như ngày nào cô bé cũng phát hiện ra một điều mới mẻ để nghiên cứu tìm tòi!
Olga thậm chí còn tìm thấy một sinh vật mới xuất hiện trên Trái Đất ngay trong chiếc thùng rác trước nhà mình! Quả là một mốc son chói lọi đối với mọi “nhà khoa học nhí” tò mò và đam mê nghiên cứu khoa học như Olga! Cô nhóc quyết định gọi loài mới này là Chuột nhắt Olga la ta ta ta, đặt biệt danh cho sinh vật đầu tiên mình tìm thấy là Chẹp và quyết định sống chung với Chẹp để có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn. Từ đây, những quyển nhật kí quan sát của Olga bắt đầu đầy ắp các phát hiện mới mẻ, thú vị và không kém phần hài hước.
Chẳng hạn như, khi Olga nảy ra ý tưởng bay đến hành tinh của Chẹp để thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về loài chuột nhắt Olga la ta ta ta, cô nhóc đã rút ra được những kết luận sau:
– Có nhiều ý tưởng cũng bị xem là điên rồ, trước khi chúng thay đổi thế giới. Năm 1919, Robert Goddart tin rằng chúng ta có thể phóng tên lửa lên Mặt Trăng.
– Bên cạnh Internet, thư viện cũng là nơi tuyệt vời để thực hiện một vài nghiên cứu về du hành vũ trụ.
– Sách nói cho mình biết rằng tuy con người ĐÃ du hành vào không gian, nhưng chưa ai có thể du hành tới một hành tinh khác. Nơi xa nhất mà chúng ta từng đặt chân đến là mặt trăng.
– “Con người không thể chinh phục vũ trụ bằng cách ngồi đó ngoáy mũi. Họ cần phải nghiên cứu toán học, vật lý và vũ trụ học miệt mài. Đây đúng là sở trường của tớ rồi.”
Công cuộc nghiên cứu đưa Olga tới những phát hiện bất ngờ về Chẹp, về động vật, về các nhà khoa học, và cả thế giới loài người mà cô nhóc từng hùng hồn tuyên bố “tớ thích động vật hơn con người”. Olga bắt đầu để ý và nhìn thấy ở những người quanh mình – thông qua tương tác giữa họ với Chẹp và với cô nhóc trong đời sống hàng ngày, những cử chỉ tốt bụng, sự quan tâm và vốn sống dồi dào. Cô nhóc ghi trong nhật ký: “Trước khi chìm vào giấc ngủ, tớ nghĩ ngợi đôi chút về bữa tiệc và những người bạn mới. Tớ kết luận rằng mặc dù động vật mới là những sinh vật ngầu nhất trần đời thì một vài con người cũng rất đáng chơi đấy.” Hóa ra, Olga cũng thích con người nhiều như tình yêu của cô nhóc dành cho khoa học và động vật vậy!
Bộ sách “Olga” sẽ là món quà ý nghĩa để bố mẹ gửi tặng và ủng hộ đam mê của các con. Đam mê ấy có thể đã bộc lộ rõ như tình yêu động vật, tình yêu khoa học của Olga; hoặc có thể chỉ mới vừa nhen nhóm như mong muốn được hiểu hơn về bản thân con. Dù thế nào đi nữa, mọi niềm đam mê đích thực đều dẫn đến những khám phá vĩ đại về cuộc sống và chính mình. Tác giả Elise Gravel đã sáng tác bộ sách Olga với những trang nhật ký vừa dí dỏm, vừa tâm tình, hình vẽ mang phong cách truyện tranh lí lắc, đáng yêu để ủng hộ cô con gái nhỏ của tác giả tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học. Và bây giờ, bố mẹ cũng có thể tặng bộ sách này để cổ vũ cho mọi đam mê của con mình.