Có rất nhiều câu chuyện thực tế được đề cập trong cuốn ‘Nhà nước khởi tạo’ của tác giả Mariana Mazzucato. Tác giả có góc nhìn mới về vai trò của Nhà nước trong việc kiến tạo cho công cuộc phát triển.
Năm 1974, khi chiếc máy bay với tên gọi lạ lùng: Airbus A300 đưa vào khai thác, không ai tin nó có thể làm được gì khi công nghiệp hàng không lúc đó đang vô cùng ảm đạm.
Có rất nhiều câu chuyện thực tế được đề cập trong cuốn Nhà nước khởi tạo của tác giả Mariana Mazzucato. Tác giả có góc nhìn mới về vai trò của Nhà nước trong việc kiến tạo cho công cuộc phát triển.
Câu chuyện Airbus
Ngày 23/5/1974, Hãng hàng không quốc gia Pháp Air France đưa vào khai thác thương mại chiếc máy bay chở khách thân rộng hai động cơ đầu tiên với tên gọi lạ lùng Airbus A300.
Trong tình cảnh ảm đạm của công nghiệp hàng không dân dụng châu Âu lúc đó, không mấy ai tin A300 có thể thành công. Ấy thế nhưng chiếc máy bay này lại là một thành công thương mại vang dội, mở đường cho chuỗi các máy bay A3xx kế tiếp (A310, A320…) chinh phục các hãng hàng không dân dụng toàn cầu, khiến cho nhà sản xuất của chúng, Airbus, trở thành nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn nhất thế giới, vượt qua người khổng lồ Boeing của Mỹ về giá trị đơn đặt hàng vào năm 2019.
Câu chuyện hồi sinh của hàng không dân dụng châu Âu bắt đầu từ giữa những năm 1960 khi các nhà sản xuất châu Âu cũng như chính phủ của họ chấp nhận thực tế rằng các chính phủ châu Âu và các công ty hàng không châu Âu phải hợp tác để có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất hùng mạnh của Mỹ.
Ngày 25/7/1967, các chính phủ Anh, Pháp và Tây Đức đồng ý cấp vốn cho liên doanh của các công ty Sud Aviation (Pháp), Deustche Airbus (Tây Đức) và Hawker Siddeley (Anh), để rồi từ động thái ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền này, Airbus Industrie được thành lập vào ngày 18 tháng Mười hai năm 1970.
Ngay từ đầu, đây đã là một công cuộc đầy mạo hiểm và rủi ro, dẫn tới sự rút lui của chính phủ Anh vào tháng Tư năm 1969, dẫn tới việc Hawker Siddeley phải nhận thêm vốn vay từ chính phủ Tây Đức để tiếp tục theo đuổi nỗ lực. Về sau, Airbus Industrie thu hút được thêm các công ty hàng không châu Âu khác như Fokker (Hà Lan), CASA (Tây Ban Nha)…. nhưng hẳn nó đã không thể hình thành và thống trị thị trường hàng không dân dụng toàn cầu như ngày nay nếu không có chính phủ, nhất là Pháp và Tây Đức, cấp vốn trong vai trò nhà đầu tư ban đầu. Thành công của Airbus có lẽ là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự đúng đắn của lập luận rằng nhà nước có thể và cần phải đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy phát triển kinh tế như một nhà đầu tư cho đổi mới sáng tạo.
Nhà nước – nhà đầu tư – nhà bảo trợ – người bảo vệ nền kinh tế
Thực ra, bất chấp những lập luận kêu gọi nhà nước “buông tay triệt để” nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát huy hết sự sáng tạo, năng động của mình, lịch sử mối quan hệ công – tư lại cho thấy câu chuyện khác hẳn. Không chỉ làm nhiệm vụ điều hòa các mối quan hệ xã hội, nhà nước trong lịch sử đã luôn chứng tỏ vai trò quan trọng và tích cực trong phát triển kinh tế, như câu chuyện về huyền thoại Airbus đã cho chúng ta một ví dụ.
Và đây còn xa mới là một ngoại lệ. Thật vậy, bên cạnh “bàn tay vô hình” của thị trường, những thành công kinh tế ở khắp nơi đều có bóng dáng “bàn tay hữu hình” của nhà nước. Chẳng hạn, câu chuyện “Quốc gia khởi nghiệp” đáng chú ý của Israel gắn liền với sự vào cuộc tích cực của chính phủ nước này dưới nhiều hình thức đa dạng, trong đó có thông qua tổ chức chính phủ như Office of the Chief Scientist (OCS), cơ quan có nhiệm vụ hỗ trợ toàn diện cho cộng đồng khởi nghiệp Israel thông qua cấp vốn, kiểm soát rủi ro, rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường cũng như tìm kiếm đối tác thích hợp cho hợp tác quốc tế. Hay Mỹ, một quốc gia luôn nhấn mạnh vào tự do và kêu gọi hạn chế sự can thiệp của chính quyền vào hoạt động của nền kinh tế, cũng là nơi chính quyền luôn tác động rất tích cực để hỗ trợ cho khu vực tư nhân.
Nhìn lại quá khứ, chính những đơn hàng khổng lồ của chính phủ cùng nguồn vốn nhà nước dồi dào trong giai đoạn Thế chiến thứ hai đã giúp các doanh nghiệp Mỹ không chỉ phục hồi hoàn toàn khỏi hệ lụy của cuộc đại suy thoái mà còn tạo đà phát triển mạnh mẽ để biến nước Mỹ từ vị thế một trong các cường quốc trở thành siêu cường.
Bên cạnh đó, có thể thấy động lực phát triển kinh tế, nhất là kinh tế dựa trên công nghệ cao, của Mỹ dựa rất nhiều vào nền tảng của những thành quả đầu tư lâu dài do chính quyền nước này thực hiện.
Thật dễ để chỉ ra những thành quả quan trọng nhất, dù thật khó để liệt kê hết tất cả: công nghệ bán dẫn, internet, công nghệ không gian, vũ trụ, vệ tinh viễn thông… Và một khi được thừa hưởng nền tảng các công nghệ cốt lõi vượt trội này, không lạ khi các tập đoàn công nghệ của Mỹ như Apple, Facebook, Google lại trở thành những gã khổng lồ thao túng toàn cầu, thu về lợi nhuận khổng lồ.
Bên cạnh là nhà đầu tư đi tiên phong tạo ra những đột phá mở đường cho sự phát triển, các chính quyền kiến tạo tích cực cũng đóng vai trò bảo vệ cho nền kinh tế, chỉnh sửa những thái quá của lĩnh vực tư nhân.
Có lẽ hiếm quốc gia nào mà chính quyền phải nhiều lần khắc phục hậu quả và điều chỉnh nhưng bất cập do sự thiếu hài hòa của lĩnh vực tư nhân gây ra như nước Mỹ. Chẳng hạn, chính quyền Mỹ đã đưa ra đạo luật Glass-Steagall năm 1930 để điều chỉnh hoạt động ngành tài chính sau thảm họa của thị trường chứng khoán năm 1929.
Gần hơn nữa, những năm 1970, cơ quan Quản lý Dược phẩm – Thực phẩm Mỹ (UDFDA) đã phải tường trình trước Quốc hội sự cần thiết phải thắt chặt quy định về đánh giá an toàn dược phẩm do các hãng dược phẩm chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ các thử nghiệm an toàn, dẫn tới quy định bắt buộc về thực hành tốt phòng thí nghiệm (GLP)… Đó là chưa kể những hoạt động phòng vệ thương mại dữ dội thường xuyên của chính quyền Mỹ để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp nước này.
Nếu cần thêm ví dụ, chúng ta có thể kể tới sự phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc, Trung Quốc ở châu Á, nơi bàn tay của nhà nước trong vai trò khởi tạo, thúc đẩy phát triển càng rõ nét hơn. Và còn nhiều nữa.
Nhà nước mạnh: Cần hay không?
Như vậy, trong những nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, năng động, chúng ta dường như luôn thấy sự hiện diện rất hữu hình, mạnh mẽ của một nhà nước tích cực, tiên phong thay vì một nhà nước “trọng tài, đứng ngoài” một cách thụ động. Điều đó cho thấy một nhà nước mạnh là điều rất cần thiết cho một nền kinh tế mạnh.
Nhà nước mạnh vừa là đầu tàu mở đường, thúc đẩy, vừa là người bảo vệ cho nền kinh tế. Đây chính là vai trò quan trọng mà hiện tại, hay kể cả trong tương lai gần, chưa có thực thể nào ngoài nhà nước đảm nhận được, vì thế đây cũng là vai trò nhà nước nhất thiết phải đảm nhận để làm trọn nhiệm vụ của mình.
Theo Dịch giả Lê Đình Chi / Vietnamnet