“Đau đớn thay những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất” – Nam Cao.
Hiện thực đầy chua xót này liệu có còn khả dụng trong thời đại hiện nay? Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, giao tiếp mạng xã hội, hơn bao giờ hết người viết đang nắm trong tay cơ hội lớn nhờ khả năng của mình. Nghề bán chữ không còn giới hạn là nhà văn, nhà thơ hay nhà báo mà ngày càng đa dạng thêm với những danh xưng mới mẻ như: content writer, copywriter (người viết nội dung quảng cáo), người viết blog, biên tập viên, biên kịch hoặc KOL (người gây ảnh hưởng trên mạng xã hội,…với mức thu nhập không hề “bèo bọt”.
Nếu đã qua đủ trui rèn để định giá được con chữ và khả năng của mình một cách xứng đáng trên thị trường, thì khi ấy, có thể sống tốt bằng ngòi bút không phải là điều viển vông nữa.
Thực tế, “viết” từ lâu đã là một kỹ năng quan trọng giúp mỗi người có thể biểu đạt suy nghĩ, tư duy, sự hiểu biết của mình nhằm giải tỏa tâm sự, xây dựng các mối quan hệ, phục vụ công việc…
Một số người dường như được trời phú ban cho khả năng viết lách, nhưng ở phần lớn những người còn lại kỹ năng này do được rèn luyện, trau dồi mà ra. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều cuốn sách dạy cách viết, kể cả sách được mua bản quyền, lẫn sách do tác giả Việt chắp bút. Trong đó có thể kể đến cuốn sách “Người viết kiếm sống” của tác giả Hạ Chi.
Là một người có 10 năm kinh nghiệm viết, trong đó là 5 năm viết báo, 5 năm sáng tạo nội dung quảng cáo, và là tác giả của một cuốn sách dành cho tuổi teen, trong cuốn sách mới nhất- “Người viết kiếm sống”, Hạ Chi đã chia sẻ kinh nghiệm gan ruột của mình trong việc viết cho bất kỳ ai muốn theo nghề viết lách đều có thể tìm được cho mình những hướng dẫn hữu ích, để viết tốt và sống tốt được bằng nghề.
Cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm viết của người có nghề
Có độ dày hơn 200 trang, cuốn sách “Người viết kiếm sống” được chia thành 5 chương có độ dài ngắn khác nhau. Trong đó ở chương đầu tiên, tác giả chia sẻ con đường cũng như kinh nghiệm trong nghề báo. Chương thứ hai là câu chuyện dấn thân cũng như kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung quảng cáo. Chương tiếp theo là những chiêm nghiệm, trăn trở về hai chữ “làm người”. Chương thứ tư là hành trình của người làm freelancer (làm việc tự do), và chương cuối cùng dành cho Người Viết – tác giả các cuốn sách.
Phông chữ nhỏ, không hình minh họa, cuốn sách mang đến cho người đọc cảm giác tác giả thật sự tự tin và có kiến thức, kinh nghiệm để chia sẻ với độc giả; chứ không phải như nhiều người viết sách phải độn thêm tranh ảnh minh họa vào cho sách thêm dày dặn hoặc cuốn hút. Thực tế, bất cứ ai có ít nhiều kinh nghiệm viết lách, đều sẽ cảm thấy tâm đắc với những chia sẻ của tác giả Hạ Chi.
Đầu tiên đấy chính là sự chăm chỉ, không ngừng mài dũa khả năng, để có thể thành thạo việc viết ở những cấp bậc đầu tiên, và sau đó tạo ra được “chất riêng” của chính mình. Tác giả cho biết, thời mới vào nghề chị thường “cày như trâu”, sẵn sàng sửa đi sửa lại bài viết của mình rất nhiều lần, để đạt yêu cầu và được đăng báo. Nhưng ngay cả khi bài viết bị cắt gọt từ 2.000 chữ xuống còn 300 chữ, thậm chí bị từ chối lên bài chị vẫn không nản lòng.
Để có đều đặn 3-4 bài viết mỗi tuần trên các ấn phẩm, chị đã làm việc toàn thời gian. Như một người luyện tập mà quen tay, bền sức, chị có thể viết nhiều và tốt gần như chị muốn. Và cảm hứng của chị là sự tò mò, tiền nhuận bút, sự kỷ luật, việc ngồi lì trên máy tính, và viết rồi xóa; nhận được yêu cầu chỉnh sửa của biên tập viên mà không khóc và tự ái bỏ đi.
Để có thể viết tốt hơn, chị rèn luyện khả năng tự biên tập của mình. Với những bài viết cần phải sửa chữa, chị gạt bỏ tư cách của một người viết, đọc và sửa nó với tư cách của một biên tập viên; tiếp đó lại đóng vai người đọc để có thể sửa nó tốt nhất.
Thứ hai là đọc, trải nghiệm nhiều. Trước khi viết, chị đã dành rất nhiều thời gian đọc sách, xem phim và tìm hiểu những chủ đề tưởng chừng như không có giá trị gì. Tuy nhiên, khi bắt tay vào nghề viết, hóa ra đó lại là một kho báu vô giá dành cho chị. “Sở thích và hiểu biết về thị trường giải trí Nhật Bản giúp tôi độc quyền mảng tin tức J-biz (báo 2! Magazine). Thói tò mò giúp tôi viết được các đề tài mới mẻ. Kiến thức từ những cuốn sách tôi đọc giúp tôi tăng giá trị thông tin trong bài viết’
Thứ ba chính là thái độ nghiêm túc đối với nghề viết. Chị cho rằng: đã xem viết là một công việc nghiêm túc thì không thể làm nó để cho vui nữa. Phải dùng tới lý trí để kiểm soát công việc của mình, phát triển nó, thử thách nó. Bởi chọn viết là công việc mưu sinh sẽ đưa bạn tới việc nhận rất nhiều nhiệm vụ viết khác nhau: viết theo đơn đặt hàng, viết ẩn danh, viết với góc nhìn hoàn toàn khác giới tính tự nhiên của mình…
Thứ tư là sự học hỏi không ngừng, bởi riêng mảng viết cũng mênh mông lắm. Người viết có thể viết báo, viết nội dung quảng cáo, viết sách, viết truyện… Để làm tốt mảng nào thì cũng cần học hỏi và rèn luyện không ngừng, bởi yêu cầu công việc khá khác nhau. Làm báo bạn cần trả lời câu hỏi: “làm sao để biết ý tưởng này thành bài viết thật hay”. Làm quảng cáo bạn cần trả lời câu hỏi: “làm sao để lan tỏa thông tin này đến nhiều người”, “làm sao để khách hàng thấy hấp dẫn và muốn lan tỏa thông tin này”, “làm sao để khách hàng tiếp cận thông tin này và muốn móc ví, xuống tiền mua hàng”…
Thứ năm là nên phát triển theo chiều sâu, nghĩa là chọn một lĩnh vực cụ thể để đầu tư sự chú ý của mình vào đó. Như luyện một chiêu tuyệt kiếm mà mình tự tin đi “hành tẩu giang hồ” vậy.
Còn rất nhiều kinh nghiệm khác, để có thể tạo ra được “chất riêng”, điều mong muốn của bất cứ người viết nào. Và chất riêng, theo Hạ Chi “là tổng hòa của những trải nghiệm và kinh nghiệm, cộng với thái độ nhìn nhận vấn đề và kỹ thuật viết. Mà thực ra nếu mỗi ngày viết 2.000 từ, suốt một năm là 730.000 từ, thì kiểu gì cũng có chất riêng”.
Tựu trung lại cuốn sách Người viết kiếm sống là cuốn sách bạn nên đọc nếu quan tâm đến việc học viết để có thể làm báo, hoặc tìm hiếu các hướng dẫn cần thiết để bắt đầu sự nghiệp trong nghề viết nội dung quảng cáo hay viết sách. Bạn có thể đọc nhanh ít nhất là một chương sách để có được cái nhìn, sự tin tưởng với tác giả, sau hãy đọc chậm và ghi chú lại những kinh nghiệm hữu ích đối với bản thân và thực hành theo đó. Bởi thực tế, không phải tác giả nào cũng chia sẻ các kinh nghiệm gan ruột trong nghề như Hạ Chi đã làm trong cuốn sách này. Một bức tranh hiện thực sống động về nghề bán chữ. Không bóng bẩy, không tô hồng.
Cũng có thể nói một số kinh nghiệm viết của Hạ Chi không phải là những phát kiến mới mẻ của riêng chị. Nhưng cũng giống như những tiểu thuyết tình yêu kinh điển, dù có cùng một mô típ quen thuộc, nhưng qua tay mỗi nhà văn, với cách đặt nhân vật vào những hoàn cảnh, tình huống, diễn biến câu chuyện khác nhau, cuối cùng mỗi tác phẩm lại là một thực thể riêng biệt ghi dấu vào trong lòng độc giả. Cuốn sách về nghề viết của Hạ Chi cũng vậy.Với trải nghiệm nghề viết đa dạng của riêng chị, những kinh nghiệm này thật sự rất đáng để người viết tìm hiểu học hỏi.
Những người có khá nhiều kinh nghiệm viết vẫn có thể tìm thấy trong cuốn sách ít nhiều điều hữu ích, nhất là cảm hứng theo đuổi công việc viết lách của mình. Vì như Hạ Chi viết: Chị ấy có 10 năm kinh nghiệm, nhưng tính theo tuổi đi học thì mới chỉ tương đương với người vừa tốt nghiệp tiểu học, nên chị vẫn luôn thấy được vẻ đẹp của cuộc sống, tin vào bản thân mình, háo hức với việc viết lách, vì luôn muốn mình trở nên hữu ích…
Và cả kinh nghiệm sống của một con người đã bước qua khủng hoảng
Không chỉ chia sẻ về kỹ thuật và kinh nghiệm viết, chương 3 với đề tựa “Làm người”, là trải lòng của bản thân tác giả về việc sống – sống một cách trọn vẹn, để luôn có cảm hứng ắp đầy với công việc mình đã chọn; để việc viết thực sự là niềm vui, chứ không phải ràng buộc hay gánh nặng. Đây là chương mà bất kỳ ai đang ở đoạn giữa của con dốc cuộc đời, cũng sẽ soi thấy mình trong từng câu chữ. Những câu hỏi quen thuộc như: tôi là ai giữa cuộc đời này, có bao nhiêu tiền mới là đủ, như thế nào là ổn định, sống sao mới là trọn vẹn và có ý nghĩa…Tuy nhiên khi đối diện với chúng và từng bước đi qua, những câu trả lời và sự lựa chọn của Hạ Chi có gì đó làm ta suy ngẫm lại chính mình.
Ai mà chẳng làm người?
Không phải. Ta chỉ sinh ra là sinh vật người. Chọn trở thành ai mới là thứ khiến chúng ta “làm người”
Trước khi viết, hãy là một con người biết trân quý sự sống. “Nếu phải chọn giữa chuyện viết và sống, hãy chọn sống. Bởi cây viết giỏi đến đâu mà không sống ra trò, thì rốt cuộc chỉ tạo nên những con chữ mỹ ký, đẹp nhưng không có giá trị“.
Khi “đời là một cuộc đua marathon mà không ai dám ngừng lại”, nhưng bạn buộc phải tạm ngừng, thoát ra khỏi guồng xoay để kiểm kê lại cuộc đời, bạn có dám? Công việc, tiền, lối sống, cục nợ mua nhà có giúp bạn trả lời được câu hỏi sâu thẳm bên trong?
Bằng lối viết kể chuyện, tự sự chân thành, Hạ Chi đã khéo léo dẫn dắt người đọc đi xuyên suốt nhiều năm sự nghiệp làm nghề và phơi bày cả muôn mặt cuộc sống của con người trong xã hội hiện đại. Đây có thể được xem là một trong số các cuốn sách có nội hàm giữa bạt ngàn tựa sách cùng chủ đề, thể loại.
Hãy khám phá cuốn sách này nếu bạn yêu viết lách, muốn đầu tư để trở thành một công việc nghiêm túc. Thực sự ở Việt Nam hiện nay có rất ít trường lớp đào tạo bài bản về kỹ năng viết, nhưng bạn có thể tham khảo cuốn Người viết kiếm sống một trong những la bàn chỉ hướng cực kỳ thực tế, hữu hiệu. Ngoài ra, nếu không phải người trong nghề, thì bạn cũng sẽ đồng cảm khi bắt gặp những tâm tư về đời sống công sở, con đường tạo dựng sự nghiệp từ ngày đầu chập chững dấn bước vào đời, những tranh đấu nội tâm và cả hành trình “tìm thấy” bản thân, trả lời cho câu hỏi:
“Trăm năm rủ áo chốn trần ai
Còn gì mới là được”
Đọc thêm trích đoạn từ cuốn sách Người viết kiếm sống tại:
Nguyễn Cường – Trạm đọc
Bạn đọc yêu mến cuốn sách có thể tìm mua tại:
• Tiki: https://bit.ly/PHB-NVKS (Nhập mã tramnvks để được giảm giảm giá 30% trên Tiki Phục Hưng Books. Thời hạn đến hết ngày 20/09.)