Trong cái không khí lãng đãng dư tình, “Gối đầu lên cỏ” như một bức tranh thanh tao, nhẹ nhõm, mà gợi lên đầy những trăn trở, suy tư của kẻ say sưa quý mến nghệ thuật.
Câu chuyện bắt đầu khi chàng họa sĩ Tokyo quyết định trở thành một người lữ khách dấn bước vào thôn làng miền núi. Rời xa những dấu vết của đời sống sôi động, hiện đại, chàng theo một cuộc hành trình, với khao khát tìm được một thế giới khác.
Chàng đi tìm kiếm cái đẹp, để mong sao có thể sáng tạo nên được những bức tranh kì diệu hơn, nhưng trong suốt khoảng thời gian ấy, chàng không vẽ được. Chàng đắm chìm vào cảnh sắc thiên nhiên, và dần phát triển thêm nhận thức của mình về những nét đẹp hiện hữu trong cuộc sống
Chàng đã đặt những suy nghĩ của mình vào hội họa, thơ ca và những trải nghiệm cần có trong quá trình sáng tác. Bởi thế, trong tác phẩm xuất hiện không ít những bài thơ haiku cùng với nhận định về các quá trình lịch sử nghệ thuật.
Với lối dẫn dắt như vậy, gần như câu chuyện không có gì đặc biệt, không có kịch tính, không có tình yêu lãng mạn. Người nghệ sĩ bằng lòng làm khách lãng du để tìm cái đẹp trong trẻo, không vướng chút bụi trần.
Có vẻ như phong cảnh thôn làng miền núi đơn sơ đã chứa đựng những gì chàng cần tìm kiếm, từ hòn đá, gốc cây, hoa cải trên đồng đến những con chim chiền chiện. Thế nhưng, bức tranh chàng muốn vẽ vẫn còn thiếu thần thái từ con người. Cho đến khi chàng gặp người thiếu phụ Nami.
Nami là một hình bóng mờ ảo, như mây như khói, nàng mang đến sự huyền diệu của hành trình tìm kiếm: “Sự huyền ảo chỉ xuất hiện ở lằn ranh mập mờ giữa hai thế giới”.
Những lần gặp gỡ giữa chàng họa sĩ và nàng Nami là hành trình tìm kiếm cảm xúc. Chàng họa sĩ mong muốn nắm bắt cảm xúc của cô gái và Nami cố gắng truyền đạt cách nhìn của nàng về cuộc sống nhân sinh như một nghệ sĩ trình diễn hình ảnh.
Gối đầu lên cỏ được viết năm 1906 và là tác phẩm thứ năm của Soseki. Không chỉ có vẻ đẹp của nghệ thuật, cả tác phẩm là những lời tâm sự về nhân sinh quan, triết học và tình người. Có lẽ do tác giả chọn ngôi thứ nhất để kể chuyện mà tâm lý nhân vật được khai thác triệt để, sâu sắc.
Trong truyện, rất ít sự kiện về cuộc đời nhân vật chính mà chủ yếu là ý tưởng và sự hình thành một tác phẩm nghệ thuật. Hành trình kiếm tìm cái đẹp không dục vọng đã kết thúc một cách bất ngờ và nhanh chóng như thể tất cả những nét vẽ chỉ chờ duy nhất sự chấm phá cuối cùng.
Soseki viết Gối đầu lên cỏ theo bút pháp hội họa, với một hệ thống ngôn ngữ đẹp đẽ, lấp lánh, ắp đầy không khí của văn chương cổ xưa. Nên lối viết cầu kỳ, chậm rãi, lại rủ rỉ những cảm xúc rất mơ hồ, nên đôi khi khiến độc giả cảm thấy gian nan trong việc nắm bắt tác phẩm. Nhưng nếu có thể mở lòng thư thản mà tiếp cận cái không khí lơ đãng ấy, hẳn sẽ say mê đến mụ mị.
Gối đầu lên cỏ khó nắm bắt, nhưng đôi khi với một cuốn sách, người đọc chỉ cảm, chỉ thưởng thức cái không khí chứ không thực cần phải nắm bắt câu chuyện. Đó cũng là cái ý nhị sâu kín của văn chương dư tình mà Soseki là một kẻ cực kỳ giỏi.
Tác phẩm lãng đãng phiêu diêu như sương khói. Cuốn sách giống một bức tranh thủy mặc, đầy hư ảo lẩn khuất trong những màn sương đục mờ, để rồi từ ấy, chỉ thêm vài nét chấm phá là có thể trở thành một bức tranh hoàn hảo.
Soseki hấp thụ văn học cổ điển Trung Quốc, say mê văn hóa truyền thống Nhật Bản và hiểu biết sâu sắc văn học, nghệ thuật nước Anh nên ông đem nỗi đam mê cùng những ảnh hưởng đó vào truyện một cách tinh tế và thông suốt.
Đọc xong cuốn sách sẽ khiến độc giả có cảm giác mình cũng vừa kết thúc một hành trình học hỏi về văn hóa Nhật Bản. Nếu là người yêu thích văn học và văn hóa Nhật thì thực sự Gối đầu lên cỏ là cuốn sách mà người đọc khó có thể bỏ qua.
Trạm Đọc
Theo Zing