Chỉ với khoảng 200 trang, “Thế giới một thoáng này” chứa đựng những sự diễn biến quan trọng nhất thu nhỏ lại thế giới của con người tính khoảng 250.000 năm đổ lại, từ thời hái lượm sang thời nông nghiệp, đến thời hiện đại.
Cuộc tiến hóa này không chỉ thuần sinh học của Darwin mà còn là cuộc tiến hóa mà chính con người tự tạo ra, bằng sáng tạo những công cụ lao động, gọi là công nghệ, để tác động hiệu quả hơn vào môi trường cho sự tồn tại và phát triển.
Kỷ nguyên hái lượm kéo dài 250.000 năm, nhưng kết quả không bằng kỷ nguyên nông nghiệp hơn 10.000 năm trước, lúc lịch sử con người bắt đầu tăng tốc. Rồi kỷ nguyên này cũng không bằng kỷ nguyên hiện đại kéo dài khoảng 250 năm mới đây thôi tính từ cuộc cách mạng công nghiệp được đánh dấu vào năm 1750.
Cái gì quyết định cấu trúc xã hội? Ở nền tảng, không gì khác hơn là công nghệ, sản phẩm sáng tạo của chính con người. Con người là sản phẩm của chính sự sáng tạo đổi mới của mình. Mỗi sự chuyển đổi kỷ nguyên được đánh dấu bằng sự chuyển đổi công nghệ mang tính cách mạng.
Người bạn đồng hành của công nghệ là thương mại. Thương mại đã kết nối các miền xa xôi của các châu lục khác nhau lại thành một mạng lưới toàn cầu, và cũng chính nó kích thích sự phát triển công nghệ, khoa học vượt bậc.
Mặt khác, sự tiến hóa con người không chỉ thuần Darwin bằng sinh học, điều đòi hỏi đến hàng triệu năm. Cái gì giúp cho sự tiến hóa nhảy vọt? Đó chính là ngôn ngữ!
Xã hội trở thành xã hội học tập thể dựa trên ngôn ngữ truyền đạt. Kinh nghiệm của thế hệ được truyền lại không cần bằng ADN mà trước tiên bằng chữ viết. Xã hội nào biết học, sẽ tiến bộ nhanh chóng. Ngược lại sẽ trì trệ và có nguy cơ bị diệt vong.
Lịch sử đang minh họa hùng hồn bức tranh đó. Stephen Hawking, người khao khát ngôn ngữ tột cùng, đã diễn tả tầm quan trọng của ngôn ngữ một cách ấn tượng sâu sắc:
“Nhiều triệu năm liền, nhân loại chỉ sống như các động vật. Nhưng rồi một điều gì đó đã xảy ra, làm giải phóng sức mạnh của óc tưởng tượng chúng ta.
Chúng ta học nói, và học lắng nghe. Ngôn luận – speech – cho phép truyền thông các ý tưởng làm cho con người có khả năng làm việc chung với nhau để tạo ra những điều thần kỳ bất khả. Những thành tựu lớn nhất của nhân loại đã hình thành bằng lời nói, và những thất bại lớn nhất của nó là do không nói…
Những khả năng là vô tận. Tất cả những gì chúng ta cần làm là bảo đảm chúng ta tiếp tục nói, nói và nói”.
Thế giới một thoáng này giúp ta hiểu từ đâu chúng ta đến và chúng ta có thể sẽ đi về những nơi đâu.
Nó mô tả những dòng chảy của lịch sử, đôi lúc từ một cội nguồn, đôi lúc diễn ra trên nhiều vùng đất khác nhau một cách độc lập, rồi các lực lượng toàn cầu hóa kết hợp lại thành những tụ điểm văn minh mới, phát triển vượt bậc, kích thích mọi thứ sinh hoạt của con người, từ tay chân đến đầu óc, đặt nền tảng cho sự phát triển không thể đảo ngược được, lan tỏa ra những vùng đất còn ít phát triển.
Công nghệ luôn có vai trò quyết định trong mọi giai đoạn phát triển. “Nhà nước”, “đế chế”, “nền văn minh” hình thành.
Hai cột mốc đánh dấu sự phát triển có tính chuyển biến loài người và thế giới tự nhiên là cuộc cách mạng nông nghiệp cách đây hơn 10.000 năm, và cuộc cách mạng công nghiệp khoảng 250 năm.
Cuộc cách mạng thứ nhất đánh dấu sự “gia tốc” (acceleration) của lịch sử, trong khi cuộc cách mạng thứ hai tạo tiền đề để xã hội “cất cánh” vào năm 1850, kèm theo những tác động lên môi trường cũng cất cánh, rồi tiến lên cái được gọi “gia tốc lớn” (big acceleration) diễn ra tại cột mốc năm 1950 khi loài người, hay một bộ phận quan trọng ở các xã hội công nghiệp, bước vào giai đoạn xã hội tiêu thụ một cách quy mô.
Các khuynh hướng kinh tế – xã hội, và hệ thống Trái đất, từ đó đều đồng loạt tăng theo hàm số mũ có lợi cho con người nhưng có hại cho Trái đất và môi trường một cách đột biến.
Loài người, sau những thành tựu vĩ đại nhất, cuối cùng đang đứng trước thế lưỡng nan định mệnh: Quá mạnh mẽ đối với tự nhiên, đến nỗi có thể phá hủy hoàn toàn cái nôi sống duy nhất của loài mình.
Trạm Đọc
Theo Tuổi trẻ cuối tuần