Bất cứ lúc nào bàn về tội ác ấu dâm, người ta cũng chỉ nói đến nỗi đau thể chất và tinh thần của người bị hại, thế còn tinh thần của những người chứng kiến thì sao?
Khi mà xã hội ngoài kia đang sôi sục về những vụ ấu dâm thì tôi cũng đọc được một câu chuyện ấu dâm khác trong thời Thế chiến thứ Hai, khi con người ta còn nhiều nỗi lo hơn so với cái xã hội rảnh như bây giờ. Bất cứ lúc nào bàn về tội ác ấu dâm, người ta cũng chỉ nói đến nỗi đau thể chất và tinh thần của người bị hại, thế còn tinh thần của những người chứng kiến thì sao?
Cấu trúc truyện lồng trong truyện trong cuốn sách Chuộc tội của Ian McEwen kể về lời khai của một cô bé mười ba tuổi khi là nhân chứng duy nhất trong vụ cưỡng hiếp người chị họ, kèm theo nỗi đau tinh thần đã kéo dài hơn sáu mươi năm, và một lời thú tội muộn màng.
Mùa hè 1935, Robbie Turner bị bắt vì tội cưỡng hiếp cô bé Lola mười lăm tuổi, một người họ hàng của gia đình Tallis. Nhân chứng và lời khai duy nhất của vụ án là con gái út mười ba tuổi, Briony Tallis, người đã chắc chắn khẳng định hung thủ là Turner, khi cô tình cờ bắt gặp cảnh tượng khủng khiếp ấy trong đêm tối tại khu vườn gần nhà. Turner là con trai người hầu và người giúp việc của gia đình Tallis, đồng thời cũng là người bạn ấu thơ của Cecilia Tallis. Qua lời tố cáo của Briony, Turner cũng là người đã bắt Cecilia cởi bỏ đồ trước mặt hắn, viết bức thư dâm đãng gửi và tra tấn Cecilia trong thư viện. Trong thời chiến tranh, để huy động hết lực lượng quân số, những người mang trọng tội như Turner đã được cho phép đi lính thay vì ngồi trong tù của chính phủ Anh.
Đọc đến đây, bạn có thể nói “Đáng đời hắn, những kẻ vô nhân tính như hắn đáng phải đền tội” hay những câu tương tự như vậy. Tôi cũng phần nào đồng cảm với bạn. Nhưng lời khai của một đứa trẻ tuổi vị thành niên có đáng tin không?
Nếu là thời nay chắc cảnh sát và truyền thông còn phải mổ xẻ rất nhiều tình tiết trong lời khai ấy. Nhưng khi ấy, cảnh sát và quân đội Anh còn phải lo về thuốc súng đạn dược trong cuộc chiến tranh với Đức, ai rảnh đâu đi điều tra lời nói của một đứa bé. Họ thậm chí còn mừng thay khi có một nhân chứng, và nhân chứng ấy lại vô cùng quả quyết, chắc chắn về những gì mình nhìn được. Briony có lẽ còn xứng đáng trở thành anh hùng trong lòng các cô gái trẻ ấy chứ.
Ấy vậy mà, người “anh hùng” của chúng ta, Briony lại sống trong những năm tháng đau khổ và dằn vặt suốt phần đời còn lại của mình. Năm năm sau, cô trở thành y tá thực tập trong bệnh viện London thay vì đi học tại Cambridge. Những lần chứng kiến thời khắc cuối cùng của người lính, cô thường nghĩ đến số phận của Robbie ngoài chiến trường. Cô cũng đã viết rất nhiều bức thư gửi chị gái Cecilia, người đã từ bỏ gia đình sau khi Robbie bị bắt và trở thành y tá, nhưng chưa bao giờ nhận được hồi âm. Cô đã lo sợ nếu không gặp được chị gái, cô sẽ không bao giờ có thể nói được lời xin lỗi, vì sự thật mà cô tiết lộ vô cùng đau lòng. Hung thủ mà Briony nhìn thấy năm năm trước hóa ra lại không phải là Robbie Turner.
Đối với cô khi ấy, Robbie là một con quỷ dâm dục nhưng trước đó cũng là người mà cô vô cùng cảm mến. Briony đã từng liều mình nhảy xuống hồ chỉ để xem liệu Robbie có cứu mình không, và để nói lời yêu với anh. Nhưng hỡi ôi, một cô bé ngây thơ và nông nổi trong thâm tâm không muốn người mình yêu ở bên cạnh chị cô nên đã sẵn sàng nói dối dù đã mười mươi nhìn thấy hung thủ là ai, một lời nói dối đủ làm thay đổi cuộc đời của cả ba con người.
Trong suốt những năm tháng làm y tá, Briony vẫn viết, nhưng không còn là những tiểu thuyết mộng mơ như thuở nhỏ nữa. Ngồi cô độc đánh máy trong những đêm lạnh tại bênh viện, Briony đã viết một lời thú tội chân thành không màu mè, hoa mỹ cho những người đã tin vào những lời nói dối năm xưa của cô. Lời thú tội đó sau cùng trở thành cuốn tiểu thuyết cuối đời của cô, cuốn sách mang tên Chuộc Tội.
Nhưng rốt cuộc đó vẫn chỉ là sự hèn nhát sau cuối của Briony, khi tất cả những người liên quan đều đã chết, họ mãi không được biết sự thật. Dù có viết bao nhiêu cuốn sách cũng không thể bù đắp lại được cuộc đời hạnh phúc cho Robbie và Cecilia. Vở kịch đầu tiên của Briony xuất hiện ở cuối truyện giống như nhắc lại cuộc đời hai con người ấy suy cho cùng cũng chỉ là vở kịch mà người khác dựng lên.
Briony đã nhận sai, nhưng vẫn tiếp tục làm sai, vẫn chỉ là con người hèn nhát không giống như trong cuốn tiểu thuyết kia.
Briony đã đi đến cuối đời bằng nỗi tuyệt vọng và tự lừa dối chính mình bằng ảo tưởng hạnh phúc. Không có gì sai khi lên tiếng trước một tội ác, chỉ là đừng như Briony, hãy làm người hùng thật đúng cách để không bao giờ phải nhận lấy đau khổ khi đứng trước sự thật mà thôi.
Thu Hoài/Trạm Đọc