Bộ sách “Dạy con tài chính”, cuốn “Thương vụ nước chanh” hay “Tiền không mọc trên cây” trả lời cho câu hỏi đó.
“Dù là trẻ nhà giàu hay nghèo, dù cho con ít hay nhiều tiền, việc tập cho con biết cách quản lý, sử dụng và tiết kiệm tiền một cách hợp lý là điều rất quan trọng. Trẻ càng sinh ra ở vạch đích thì càng phải được dạy cách quản lý tiền, để các em biết quý trọng sức lao động”, bà Ngô Thị Thanh Tiên – đồng tác giả bộ sách Dạy con tài chính – chia sẻ.
Cũng giống bộ sách kỹ năng dành cho trẻ em Dạy con tài chính, cuốn Thương vụ nước chanh hay Tiền không mọc trên cây cùng đề cập chủ đề dạy trẻ cách sử dụng, chi tiêu và tiết kiệm tiền một cách hợp lý.
Lời giải đáp về cách sử dụng tiền
Khi trẻ đang ở độ tuổi tò mò, việc sử dụng đồng tiền ra sao cho đúng cách cũng là một trong số nhiều thắc mắc của các em.
Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, tiến sĩ tâm lý học Lê Thị Linh Trang và Ngô Thị Thanh Tiên đã viết bộ sách Dạy con tài chính. Bộ sách được trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư.
Dạy con tài chính gồm 6 cuốn với nhiều hình ảnh minh họa sinh động, hứa hẹn là người bạn đồng hành chia sẻ kiến thức giúp các bậc phụ huynh không cảm thấy lúng túng khi các con thắc mắc về tiền bạc.
Bên cạnh đó, bộ sách cũng giúp giải thích cho các bé hiểu đúng về tiền và cách thức quản lý, sử dụng tiền. Qua đó, các em sẽ có tính kỷ luật hơn khi chi tiêu, sống có trách nhiệm và biết chia sẻ với gia đình và cộng đồng.
Theo đồng tác giả Ngô Thị Thanh Tiên, từ lúc 3 tuổi, phụ huynh nên bắt đầu dạy con về tiền. Ví dụ, bạn có thể giới thiệu cho trẻ biết đây là tiền để mua thức ăn, mua đồ chơi, truyện tranh… Đặc biệt, bạn nên nhắc con trẻ rằng tiền rất quý nên phải được cất giữ cẩn thận.
Bộ sách dành cho trẻ trong độ tuổi 3-15 với những câu chuyện ngắn gọn, dễ hiểu. Ở tập 6, nhân vật bé Bông đã được học về chi phí cơ hội. Cụ thể, Bông được nhắc nhở nếu mua khoai tây chiên thì sẽ không còn đủ tiền đi picnic với bạn.
Hay trong tập 1, nhân vật bé Bo được cha mẹ trao tiền tiêu vặt vào tối chủ nhật hàng tuần và hướng dẫn bé cách chia số tiền đó vào các hũ. Mỗi hũ sẽ dành để chi tiêu cho những mục đích thiết thực khác nhau.
Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện trong bộ sách song ngữ Việt – Anh này còn đề cập những chia sẻ thân tình của các thành viên trong gia đình khi thảo luận các vấn đề xoay quanh việc sử dụng tiền.
Qua đó, cha mẹ sẽ giúp các con có được kỹ năng cơ bản như: Cách sử dụng tiền tiêu vặt, học cách đi siêu thị, cách chia sẻ khó khăn với bạn khác… Từ đó, trẻ sẽ có những quyết định tài chính thông minh, hiệu quả.
Tiền ở đâu mà ra?
Cùng chung quan điểm “trẻ cần nhận biết về tiền bạc từ khi lên ba tuổi”, chuyên gia tài chính với hơn 30 năm kinh nghiệm Neale S. Godfrey khẳng định rằng việc truyền dạy kỹ năng quản lý tài chính cho trẻ là điều rất quan trọng.
Bà viết Tiền không mọc trên cây với mục đích giải thích cho trẻ hiểu giá trị và cách sử dụng tiền hợp lý. Cuốn sách đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng, dễ hiểu về việc dạy con trẻ kiến thức quản lý đồng tiền theo từng độ tuổi.
Từ việc tính tiền, tiết kiệm, lập ngân sách chi tiêu, cho đến những khái niệm tài chính “to tát” như ghi nợ hay thế chấp, thẻ tín dụng, mua cổ phiếu hay giao dịch ngân hàng trên mạng đều được tác giả giải thích bằng những ví dụ sinh động.
Cuốn sách đem đến những bài học trực quan thú vị mà các bậc phụ huynh có thể đem áp dụng cho con mình. Điểm đặc biệt là nội dung từng bài học đi kèm ví dụ đời thường giống như những trò chơi dễ thực hiện mà cha mẹ có thể cùng chơi với các bé.
Xuyên suốt Tiền không mọc trên cây, tác giả cung cấp những định nghĩa đơn giản nhưng chuẩn xác cho những thắc mắc của con trẻ với mục đích giúp các em biết trân quý sức lao động và hiểu rằng đồng tiền được làm ra vất vả như thế nào.
Qua đó, sách hướng các em trở thành người trưởng thành, độc lập về tài chính và sống có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội.
Tác giả còn chỉ ra cho các bậc cha mẹ cách đưa tiền tiêu vặt cho con, đối phó trước những đòi hỏi vật chất của con, giúp con làm quen với ngân hàng và trang bị kiến thức tài chính cần thiết để tự lập.
Với văn phong nhẹ nhàng, vui nhộn và nhiều bài học thiết thực, Tiền không mọc trên cây lọt vào danh sách best-seller của New York Times, được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều phụ huynh Mỹ.
Bài học tài chính qua cuộc thi bán nước chanh
The lemonade war (Thương vụ nước chanh) là cuốn đầu tiên trong bộ truyện gồm 5 tập của Jacqueline Davies. Bộ sách đã bán được hơn ba triệu bản trên toàn thế giới, đoạt giải thưởng sách Khoa học Tài chính xuất sắc dành cho học sinh của Hiệp hội Giảng dạy Khoa học Quốc gia Mỹ.
Bằng cách kể chuyện hấp dẫn, tác giả giúp trẻ khám phá câu chuyện kinh doanh một cách tự nhiên thông qua hai anh em nhà Treski.
Anh trai Evan và em gái Jessi quyết định thực hiện một cuộc đua bán nước chanh, xem ai có thể kiếm được nhiều tiền nhất trong tuần cuối cùng của kỳ nghỉ hè. Evan muốn thắng để chứng minh em gái vẫn còn nhỏ. Trong khi đó, Jessi không muốn mình thua cuộc để anh trai thấy được rằng mình thực sự đã lớn.
Dưới hình thức một tác phẩm văn học thiếu nhi, Thương vụ nước chanh khơi gợi cho các độc giả nhí kiến thức về tài chính. Tác giả đã khéo léo lồng ghép những thuật ngữ trong kinh doanh như: Cạnh tranh, hạ giá, liên doanh, hợp tác… Diễn biến của câu chuyện đi kèm hình ảnh minh họa cụ thể, dễ hiểu cho từng thuật ngữ.
Theo Zing News