Thành công đâu chỉ tiền – quyền: Không tiền, không quyền, không thành công là do một phần lỗi của số phận; nhưng có tiền, có quyền mà vẫn không thành công thì hoàn toàn là lỗi của bạn!
Đúng vậy, đó hoàn toàn là lỗi của bạn, nhưng không phải do kiếp trước bạn đã làm gì sai hay do kiếp này trót “tạo nghiệp”, mà chỉ đơn giản là do bạn chưa biết đến một loại thước đo khác – thước đo thứ ba định nghĩa lại hai chữ THÀNH CÔNG, ngoài hai thước đo tiền bạc và quyền lực mà chúng ta vốn được dạy.
Thước đo thứ ba đó được Arianna Huffington – nhà sáng lập của Huffington Post, từng xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí danh giá, là một trong “100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới” do Times bình chọn năm 2005, khám phá ra sau một “cú ngã thức tỉnh” vì làm việc quá sức.
“Cú ngã thức tỉnh” đó khiến cô nhận ra rằng: Khái niệm về sự thành công trong xã hội ngày nay đã thu hẹp chỉ còn liên quan đến tiền bạc và quyền lực. Ý tưởng về khái niệm này có thể hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, nó sẽ giống như việc chỉ giữ được thăng bằng trên một chiếc ghế đẩu có hai chân trong chốc lát, nhưng rồi cuối cùng chúng ta sẽ ngã nhào.
Và để giữ thăng bằng trên chiếc ghế đẩu kia, chúng ta cần thêm một chân ghế nữa, một thước đo nữa để thành công bền vững. Thước đo đó bao gồm 4 yếu tố: Hạnh phúc (Well-being), Sự thông thái (Wisdom), Sự kỳ diệu (Wonder) và Sự cho đi (Giving). 4 yếu tố này nghe thì có vẻ trừu tượng, nhưng Arianna Huffington đã phân tích chúng một cách rất dễ hiểu dựa trên các nghiên cứu đột phá mới nhất trong các lĩnh vực tâm lý học, thể thao, khoa học giấc ngủ và sinh lý học, trong cuốn Thrive (Thành công đâu chỉ tiền – quyền: Thước đo thứ ba để định nghĩa lại thành công trong tương lai) của mình.
Phần lớn chúng ta coi sự thành công đồng nghĩa với sự bận rộn. Chúng ta cố gắng tận dụng từng chút thời gian cho công việc: làm liên tục nhiều việc cùng một lúc, ngủ ít hơn, coi chuyện làm việc 24/7 là tiêu chuẩn sống… để rồi bị kiệt sức, căng thẳng và trầm cảm – hay nói đúng hơn, chúng ta đã mắc “căn bệnh chung của nền văn minh nhân loại” – theo cách nói của triết gia người Bỉ, Pascal Chabot.
Cách chữa “căn bệnh đó”, theo Arianna Huffington, là thiền định. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền định có tác động tích cực lên ba yếu tố còn lại của thước đo thứ ba. Thiền định giúp chúng ta cảm thấy thanh thản, bình yên trước những việc không diễn ra như ý muốn. Nó có ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống của chúng ta: sức khỏe, cơ thể, tâm trí, cảm xúc và niềm hạnh phúc.
Ngoài ra, thiền định còn đòi lại “quyền được ngủ” cho chúng ta, để chúng ta chú ý tới sức khỏe vật lý và sức khỏe tinh thần thay vì tôn thờ “sự kết nối quá độ” – điện thoại, e-mail, mạng xã hội… Chúng ta cần phát triển một nền văn hóa “rút phích cắm” sau 5 giờ chiều để dành thời gian nghỉ ngợi, đọc sách, kết nối trực tiếp với gia đình… và thay đổi cuộc đời. Bởi như Lain Thomas đã nói: “Mỗi ngày, thế giới sẽ kéo tay bạn và kêu lên: ‘Đây là việc quan trọng! Và điều này rất quan trọng! Và việc này cũng rất quan trọng! Bạn cần phải lo lắng về điều này! Và điều này! Và cả điều này nữa! Cho đến một ngày, bạn sẽ rụt tay lại, đặt lên trái tim mình và nói: ‘Không. Đây mới là điều quan trọng.”
2. Sự thông thái
Sự thông thái là việc nhận ra điều chúng ta đang thực sự tìm kiếm: sự kết nối và tình yêu thương để hướng tới một điều gì đó chân thực hơn, ý nghĩa hơn, trọn vẹn hơn. Bằng việc đưa ra những nhận thức sâu sắc với các sự kiện trong cuộc sống, sự thông thái sẽ giải thoát chúng ta khỏi những thực tế hạn hẹp mà mình bị mắc kẹt – một thực tế mà hai thước đo – tiền bạc và quyền lực – không còn làm thỏa mãn chúng ta nữa.
Cuộc đời là một lớp học vĩ đại, còn những sự kiện xảy ra trong cuộc sống – mọi nỗi bất hạnh, mọi sự coi thường, mọi sự mất mát, mọi niềm vui, sự ngạc nhiên và niềm hạnh phúc – là người thầy dìu dắt chúng ta trong lớp học đó, giúp chúng ta phát triển và trưởng thành.
Arianna Huffington khuyên chúng ta nên lắng nghe giọng nói bên trong mình mách bảo, hãy nghe theo sức mạnh của trực giác. Chính nó sẽ giúp chúng ta thanh thản tâm hồn, cảm nhận được tình yêu thương và thoát khỏi căn bệnh vội vàng cũng như nạn đói thời gian.
3. Sự kỳ diệu
Sự kỳ diệu không thể chỉ cảm nhận một cách đơn thuần – qua sự đẹp đẽ, bí ẩn, kỳ quặc hay khó hiểu; mà nó còn khiến tâm trí chúng ta thấy được điều mà mình cảm nhận thế giới xung quanh… bằng một lăng kính khác. Với yếu tố này, chúng ta cần “huy động” mọi giác quan để cảm nhận và hòa mình với vũ trụ. Và một lần nữa, chúng ta cần những giây phút tĩnh lặng để lắng nghe sự kỳ diệu.
Sự cho đi – chữ G khác biệt với 3 chữ W trên là câu trả lời duy nhất có thể giải quyết vô số vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Chúng ta đang ở trong những cuộc khủng hoảng về kinh tế, môi trường và xã hội, và không thể chờ đợi nhà lãnh đạo tuyệt vời nào đó đến giải cứu. Chúng ta cần tìm người lãnh đạo gương mẫu và thực hiện các bước cần thiết để tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng.
Một hình thức thể hiện tinh thần của sự cho đi là việc tình nguyện. Với lòng nhân ái, chúng ta có thể chống lại sự tham lam và ái kỷ quá mức. Nó sẽ giúp xã hội phát triển và tạo nên một thế giới hạnh phúc, tràn đầy lòng yêu thương và đầy ắp điều kỳ diệu.
Và đặc biệt, một lần nữa, sự cho đi có thể rèn luyện được thông qua thiền định – lắng nghe hơi thở, lắng nghe giọng nói bên trong, lắng nghe sự tĩnh lặng.
Nói tóm lại, cuốn sách này sẽ cung cấp cho chúng ta một thước đo thứ ba để định nghĩa lại sự thành công. Nếu tôn thờ tiền bạc, chúng ta sẽ bao giờ cảm thấy có đủ tiền. Nếu mải chạy theo quyền lực, chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn. Bởi như Paulo Coelho – tác giả cuốn Nhà giả kim, từng nói: “Thành công là gì? Đó là có thể đi ngủ mỗi đêm với sự bình yên trong tâm hồn.”
Hãy lắng nghe tâm trí, hãy lắng nghe sự tĩnh lặng, hãy hòa mình vào vũ trụ, hãy cho đi tình yêu thương, để sống an yên, trọn vẹn, và không phải vò đầu bứt tai nói trong hối tiếc “Tiền nhiều để làm gì?”, bởi:
Thành công đâu chỉ tiền – quyền
Thành công gồm cả an yên với đời!