Kinh Thánh là có thể được xem là một bách khoa toàn thư rất hữu ích trong việc nghiên cứu nhân loại cổ đại về các mặt lịch sử, chính trị, quân sự, pháp luật, luân lý đạo đức, kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, văn hoá…
Kinh Thánh lâu nay đã được xem là một tác phẩm kinh điển nhất mọi thời đại với những kỉ lục mà chưa từng có tác phẩm nào vượt qua được như: cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại (hơn 7 tỉ ấn bản được phát hành (ước tính tới năm 2020)); được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất (Kinh Thánh trọn bộ được dịch sang 700 ngôn ngữ, và hơn 1.500 ngôn ngữ có bản dịch Tân Ước); cuốn sách được trích dẫn nhiều nhất, có ảnh hưởng nhất và là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới…
Kinh Thánh có tên gốc trong tiếng Hy Lạp là Biblia, nghĩa là “sách”; trong tiếng La Tinh là Scriptura, nghĩa là “trước tác” “bài viết”, “bản thảo”; trong tiếng Anh gọi là The Bible, nghĩa là sách kinh điển. Khi chuyển sang Tiếng Việt, các dịch giả sử dụng theo danh từ Hán Việt – thường gọi các sách tôn giáo dạy đạo lý là kinh, nên chúng ta có tên gọi là Kinh Thánh trong Tiếng Việt, được sử dụng rộng rãi từ xưa đến nay, dù tên gọi này mang màu sắc tôn giáo và gây nhiều hiểu lầm cho những độc giả chưa từng tiếp cận.
Kinh Thánh gồm hai phần: từ nhiều văn thư được thu lại thành hai bộ lớn là Cựu Ước và Tân Ước trong suốt hơn 1.600 năm từ thế kỷ 12 trước CN cho tới thế kỷ 2, được viết bằng ba ngôn ngữ, chủ yếu là chữ Hebrew (hay Hipri của người Do Thái), Hi Lạp cổ và một vài phân đoạn trong Kinh Thánh được viết bằng tiếng Aram – một cổ ngữ được dùng phổ biến tại Do Thái trong thời Đức Chúa Yêsu.
Cựu Ước là Giao ước cũ của người Hebrew (nay gọi là Do Thái) với Thiên Chúa, gồm 46 cuốn chia 4 phần, chứa đựng vũ trụ quan, nhân sinh quan cổ xưa nhất của nhân loại, do nhiều người viết suốt từ năm 1.200 đến năm 100 trước CN. Còn Tân Ước là Giao ước mới của các tín đồ Ki-tô giáo với Thiên Chúa, nguyên văn từ các cổ bản Hi Lạp, ra đời một thế kỷ sau khi xuất hiện đạo Ki-tô, trình bày cuộc đời và học thuyết của Chúa Yêsu.
Kinh Thánh là có thể được xem là một bách khoa toàn thư rất hữu ích trong việc nghiên cứu nhân loại cổ đại về các mặt lịch sử, chính trị, quân sự, pháp luật, luân lý đạo đức, kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, văn hoá… Nên có thể nói chưa đọc và hiểu Kinh Thánh thì rất khó hiểu được nền văn minh phương Tây nói riêng, cũng như thế giới nói chung. Với việc xuất bản Kinh Thánh lần này, Omega+ mong muốn giới thiệu Kinh Thánh đến công chúng rộng rãi theo cách một cuốn sách kinh điển mà tất cả mọi người đều có thể tìm thấy giá trị, ý nghĩa riêng cho mình.
VỀ BẢN DỊCH KINH THÁNH CỦA LINH MỤC NGUYỄN THẾ THUẤN
Việc chuyển ngữ Kinh Thánh sang tiếng Việt bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, cách đây hơn 100 năm, và đã có khoảng 6 bản dịch đầy đủ của tác phẩm này được xuất bản tại Việt Nam và phổ biến chủ yếu trong cộng đồng Công giáo.
Bản tiếng Việt do Omega+ xuất bản là bản dịch của cố Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn – một học giả uyên thâm của Giáo hội Công giáo Việt Nam, lâu nay được xem là một trong những công trình dịch thuật khả tín, khoa học nhất đã từng được xuất bản bằng tiếng Việt, được giới nghiên cứu đánh giá rất cao và là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng đối với các chủng sinh Đại Chủng viện, Học viện của các Dòng Tu…
Bản dịch được thực hiện trong hơn 15 năm, kể từ khi Cha Thuấn du học về nước năm 1956 và gần hoàn tất cho đến khi mất năm 1975. Cuối năm 1976, toàn bộ bản dịch Kinh Thánh của Cha được các vị trong dòng tu hoàn thiện phần còn lại dở dang và xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn.
Những điểm nổi bật của bản dịch:
– Bản dịch công phu được Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn thực hiện trên các nguyên bản tiếng Hipri, Aram và Hy Lạp, đối chiếu với các bản Syri và Latinh.
– Cha Thuấn đã dày công thực hiện việc chú giải Kinh Thánh một cách tỉ mỉ và công phu. Đây cũng là phần nội dung được đánh giá cao so với một số bản dịch khác.
– Cha khảo dị những sự khác nhau, thiếu/đủ từng chữ, từng câu trên các văn bản đã khảo sát. Ví dụ: (…) vòng lại những chữ trong văn bản không có, nhưng cần để rõ nghĩa chiếu theo mẹo, hay mạch lạc; hoặc […] vòng lại những chữ, hay câu, chắc được là có trong văn bản cựu trào, nhưng nhiều bản xưa lại không có…
– Cha Thuấn còn thực hiện một lớp chú giải khác bên lề sách, với nhiều trang sách chi chít ký tự và số, với mục đích chỉ ra các đoạn khác trùng nhau, đi song song với nhau về ý tưởng trong cùng một quyển sách.
NỘI DUNG CHI TIẾT CỦA KINH THÁNH TÂN ƯỚC
Kinh Thánh – Tân Ước gồm 27 sách hợp lại. Nói về đặc điểm chung của 27 sách này, ấn bản do Linh mục Nguyễn Thế Thuấn nhận định rằng đây là “Hai mươi bảy văn thư, dài vắn khác nhau, nội dung và ngoại diện cũng có lắm điều thù dị, đã được thu lại làm thành một bộ, và mang tên chung là Tân Ước, hay nói cho rõ hơn: Kinh Thánh của Giao ước mới”.
Về bố cục sắp xếp của 27 sách nhỏ tạo thành Kinh Thánh – Tân Ước, ta có:
1) Những sách thuật lại đời Chúa Yêsu: các lời Ngài nói, các việc Ngài làm. Đó là các sách mà lâu nay quen gọi là Tin Mừng (Phúc âm): Tin Mừng theo thánh Matthêô (Mt), Tin Mừng theo thánh Marcô (Mc), Tin Mừng theo thánh Luca (Lc), Tin Mừng theo thánh Yoan (Yn);
2) Sách Công vụ các Tông đồ (Cv) cho biết việc các Tông đồ (Phêrô và Phaolô) đã làm, để lập Hội thánh trong dân Do Thái và nơi Dân ngoại;
3) Các Thư của thánh Phaolô, các Thư Chung để các Ngài dạy dỗ Cộng đoàn tân tòng sống theo ơn Thiên Chúa đã kêu gọi, hay là đề phòng chống lại những lầm lạc đương thời, có thể làm tổn thương đến lòng đạo chân chính;
4) Trong buổi cấm cách ghê sợ: đế quốc Roma muốn diệt đạo Chúa Kitô, chúng ta thấy xuất hiện Khải huyền của Yoan (Kh) với mục đích ủy lạo khuyến khích tín hữu kiên tâm chịu đựng vì Chúa.
Bên cạnh khía cạnh thần học, tôn giáo, bản thân Kinh Thánh – Tân Ước là lịch sử nội bộ của Hội thánh cùng Cộng đoàn Kitô hữu. Theo đó, khi đặt trong đối sánh với thế sử, Kinh Thánh – Tân Ước giúp ta nhìn nhận vào các giai đoạn lịch sử văn minh thế giới kể từ mốc Chúa Yêsu ra đời từ một góc nhìn khác – góc nhìn của một tôn giáo mới ra đời và hình thành kể từ năm 0 – vào những diễn biến lịch sử đương thời (như sự tồn tại và phát triển của Cộng đoàn Kitô có liên quan và chịu ảnh hưởng ra sao từ các thiết chế pháp luật của Do Thái giáo và Đế chế La Mã).
Lịch sử của Hội thánh bao gồm các quá trình khai sinh, bành trướng, xung đột với bên ngoài, và củng cố nội bộ của Cộng đoàn Kitô. Các sách Tân Ước phản ảnh lại các giai đoạn ấy. Duyệt qua các giai đoạn ấy là dịp để ta đặt niên biểu cho các sách Tân Ước. Và nhờ niên biểu, chúng ta cũng được rõ bối cảnh lịch sử của các sách: một điều có ích lợi không phải là nhỏ trong việc tìm hiểu các sách Tân Ước.
LINH MỤC GIUSE NGUYỄN THẾ THUẤN (1922–1975)
Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn sinh năm 1922, tại làng La Phù, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thủ đô Hà Nội), thuộc giáo phận Hà Nội, vào Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội và thụ phong linh mục năm 29 tuổi, tức vào năm 1951. Năm 1952, cha Nguyễn Thế Thuấn được cử đi du học tại Rome, kế đó, sang học tại trường Thánh Kinh Jerusalem trong vòng 4 năm (1952–1956). Về nước, cha được cử dạy môn Thánh Kinh tại Học viện của Dòng ở Đà Lạt. Cha từng giữ chức Giám học Học viện và bề trên nhà Dòng Chúa Cứu Thế tại Đà Lạt. Về sau, cha không giữ chức vụ này nữa mà chuyên tâm với việc dịch Kinh Thánh, bắt đầu với Tân Ước và theo sau là Cựu Ước.