“Khuyến học của Fukuzawa Yukichi chính là một tác phẩm mà tất cả các bạn trẻ đều cần để tạo dựng ý thức tinh thần công dân, phát xuất là công dân quốc gia và tột cùng là công dân toàn cầu.” Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhận xét.
“Khuyến học” chính là cuốn sách tiếp theo trong Tủ Sách Đời Người của Omega Plus Books. Trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn.
Nội dung được đề cập, bàn luận trong 17 phần của cuốn sách rất rộng lớn và bao trùm mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, luân lý, ngoại giao… Đây là điều dễ hiểu vì Fukuzawa là nhà Tây học có tầm nhìn rộng lớn, kiến văn sâu rộng và nước Nhật khi đó đang ở trong quá trình chuyển mình toàn diện. Tuy nhiên tựu trung lại có thể thấy nội dung cơ bản nhất, mối bận tâm lớn nhất của ông thể hiện trong “Khuyến học” là làm thế nào để quốc gia – dân tộc Nhật Bản trở thành một quốc gia – dân tộc văn minh, có vị thế ngang bằng, cạnh tranh được, tồn tại bình đẳng được với các quốc gia phương Tây. Câu trả lời mà ông đưa ra nếu nhìn bằng nhãn quan của người hiểu biết ở thời đại ngày nay thật đơn giản: Phải học! Nhật Bản cần phải chân thành, tích cực học hỏi phương Tây đồng thời nghiêm khắc nhìn lại chính mình để trở nên hùng cường, giàu mạnh. Không chỉ nhà nước mà cả trí thức trung lưu, người dân thường cũng phải học. Nhờ học, từng người dân sẽ trở nên độc lập trong đời sống và tư duy, và kết quả tất yếu là quốc gia được trở nên độc lập.
Với độc giả Việt Nam hiện nay, nhiều tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trong “Khuyến học” có lẽ không còn là điều mới mẻ gây chấn động lòng người như đối với người dân Nhật Bạn ở thời Minh Trị. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của ông thì vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc gia đang trên con đường hiện đại hoá.
Ngoài ra cuốn sách gối đầu giường của người Nhật này cũng sẽ giúp độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính cách và tinh thần của người Nhật Bản hiện đại, những người từ thân phận nông nô “ăn nhờ ở đậu” nhờ có sự khai sáng của những con người như Fukuzawa Yukichi mà đã trở thành “quốc dân” của một đất nước Nhật Bản hiện đại và văn minh như ngày nay.
“Người không học sẽ không có tri thức, kẻ không có tri thức là kẻ ngu đần.” Thế nên sự khác biệt giữa người thông minh và kẻ ngu đần kỳ thực cũng chỉ ở chỗ có học hay không học mà ra. – Trích “Khuyến học”
Điểm khác biệt trong bản “Khuyến học” của Tủ Sách Đời Người là được dịch theo bản Fukuzawa Yukichi soạn, Tomita Masafumi giới thiệu (学問のすすめ, Gakumon no susume), Nihon Hyoronsha [Nhật Bản bình luận xã], Tokyo, xuất bản năm 1941. Đây cũng là bản nằm trong bộ sách Meiji bunka sosho [明治文化叢書, Minh Trị văn hóa tùng thư]. Trong quá trình dịch, dịch giả có đối chiếu với bản tiếng Anh và tiếng Trung, bổ sung thêm một số phần làm rõ nghĩa, một số hình ảnh minh họa và hệ thống chú thích.