Thay đổi thế giới không phải là năng khiếu của một số ít cá nhân xuất chúng, mà là của tất cả chúng ta, chỉ với 1 vài thay đổi nhỏ.
Mark quyết định bỏ học, tập trung toàn lực vào dự án của mình. Trong thời gian ngắn, sản phẩm của anh gây tiếng vang khắp các trường đại học và dần lan rộng ra khắp đất nước, sau cùng là toàn cầu. Mark thành công vì đã dám chấp nhận mạo hiểm, chơi một canh bạc tất tay, quyết liệt đưa sản phẩm ra với công chúng và đạt thành công tột đỉnh.
Chỉ có điều, Mark ở đây không phải Mark Zuckerberg. Thậm chí, Mark còn không có thật.
Những lầm tưởng về khởi nguồn của sáng tạo, cách tân và đổi mới cùng những câu chuyện màu hồng như trên đã làm mờ mắt chúng ta. Qua những câu chuyện, đầu sách và cả phim ảnh, dường như những người tạo nên lịch sử đều liều lĩnh, không biết sợ hãi, đầy sáng tạo và tiến bước rất nhanh đến với thành công.
Adam Grant đã vén màn bí mật, kể những câu chuyện đầy sức thuyết phục cùng với những số liệu nghiên cứu thực tế để đánh tan những lầm tưởng đó với quyển sách bán chạy số 1 của New York Times – Originals.
Cùng điểm qua 3 ý tưởng hay nhất từ sách nhé:
Những người khởi nguồn sáng tạo không khác nhiều so với chúng ta
Họ không chơi tất tay (all-in) mà cũng tìm cách đảm bảo cho mình những phương án dự phòng (back-up) nếu có lỡ thất bại. Sau khi làm nên chiếc máy Apple 1 nổi tiếng, Steve Wozniak mới thành lập công ty cùng Steve Jobs vào năm 1976 nhưng vẫn tiếp tục làm kỹ sư ở HP cho đến năm 1977. Những ý tưởng để cải tiến phương thức tìm kiếm trên Internet có tiến triển vào năm 1996 nhưng tận 1998 thì 2 nhà sáng lập Google mới quyết định toàn tâm toàn ý. Suýt nữa thì Google còn bị bán đi với giá 2 triệu USD năm 1997.
Họ cũng có những nỗi sợ, những lo âu và suy nghĩ mình sẽ thất bại. Thậm chí, có những thời điểm, bỏ cuộc là suy nghĩ thống trị đầu óc họ.
Tiến nhanh ra thị trường, là người dẫn đầu sẽ đảm bảo thành công?
Thực tế lại chứng minh điều ngược lại mới hay xảy ra hơn.
Trước Google chúng ta có Yahoo!, AltaVista.
Trước Facebook chúng ta có Yahoo! 360, Myspace.
Giờ thì họ đang ở đâu? Không phải cứ là người đầu tiên, người dẫn đầu thì sẽ đảm bảo thành công.
Không phải cứ toàn tâm toàn ý, hành động quyết liệt thì kết quả sẽ như mong muốn. Ngừng tay và trì hoãn ý tưởng, công việc một cách có chủ đích mới chính là phương pháp hiệu quả để tăng hàm lượng sáng tạo trong tác phẩm của mình. Tuyệt tác nàng Mona Lisa của Da Vinci hoàn thành sau hàng chục năm trì hoãn, bài diễn thuyết lịch sử “Tôi có một ước mơ” của Martin L. King hoàn toàn không nằm trong nội dung nói của bản nháp, tờ giấy mà King còn gạch lia lịa từng hàng trong lúc chờ đến lượt phát biểu của mình.
Thậm chí, những cố gắng đối đầu với thực tế, quyết liệt thay đổi hiện tại thường đem đến những thất bại không đáng có.
Nỗi sợ thất bại luôn tồn tại, không phải để chúng ta chiến đấu mà là biết cách quản lý chúng
Là một người suy nghĩ khác biệt và dám quyết tâm thay đổi thực tại, bạn đã mở cánh cửa chào đón những nỗi cô đơn, sợ hãi, mơ hồ và cả giận dữ. Chúng sẽ luôn ở đó, đồng hành cùng cả thành công và thất bại. Nhưng nếu chúng ta có thể chuyển hóa sợ hãi thất bại thành sự phấn khích được thử thách thì sao? Nếu chúng ta có thể mượn tay người khác để đánh tan sự mơ hồ của ý tưởng mới và táo bạo của mình, đem nó đến với công chúng?
Với Originals, Adam Grant chỉ ra rằng ai trong chúng ta cũng có thể trở thành những người khởi nguồn cho sáng tạo, bằng cách thay đổi cách nhìn nhận mọi thứ xung quanh, tìm ra càng nhiều ý tưởng càng tốt nhưng phải biết cách sàng lọc, từng bước chinh phục công chúng và vững vàng tâm lý trước những sóng gió xảy ra trong chính tâm trí của mình
Thay đổi thế giới không phải là năng khiếu của một số ít cá nhân xuất chúng, mà là của tất cả chúng ta, chỉ với 1 vài thay đổi nhỏ.
Theo: Brown Reading