Nếu bạn cũng như tôi, chưa thể xóa nhòa vết thương trong lòng mình. Hãy đọc cuốn sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh xem sao. Hi vọng bạn sẽ nhận ra một điều gì đó cho chính mình.
Hôm trước dạo phố, tình cờ nhớ ra câu chuyện năm xưa.
Hồi 5 tuổi, tôi thường chơi một mình vì bố mẹ mải làm ăn. Đùa nghịch thế nào va phải phích nước sôi, bỏng hết vùng chân. Lúc ấy tôi khóc ré lên vì nóng. Người trong nhà phát hiện ra rồi đưa tôi vào bệnh viện. Băng bó chữa trị cuối cùng cũng khỏi, nhưng vết sẹo chẳng thể xóa nhòa. Một đứa trẻ bị vết bỏng nặng ở chân như tôi, sau này có thể đi đâu xa được? Mà, ai dám đi cùng một người đầy sẹo như tôi chứ?
Bố mẹ mua cho tôi nhiều thứ lắm. Nào là kem trị sẹo, nào là đồ chơi, quần áo đẹp… để tôi đỡ tủi thân vì vết sẹo. Sẹo trên da thịt dễ quên nhưng vết thương lòng mãi ghi nhớ. Có lần bố mẹ nói sẽ đưa tôi sang Singapore để chữa vết sẹo này, tốn bao nhiêu tiền cũng không sao, miễn là tôi vui vẻ. Tôi cười, nói với bố mẹ: “Bố mẹ tốn tiền thế làm gì đâu. Con vẫn vui mà.”
Cuối cùng, tôi từ chối sang Singapore. Vì thật ra, nhà tôi cũng chẳng mấy dư giả. Tôi không muốn bố mẹ phải bán nhà, bán đất chỉ để cho tôi một đôi chân trắng trẻo. Tôi thà giữ vết sẹo trên da, còn hơn để bố mẹ lo nghĩ cho mình.
Suốt nhiều năm tôi sống với vết sẹo trên đôi chân như thế. Một lần, trong bữa cơm tất niên, mọi người bàn về vết sẹo của tôi năm xưa. Ai cũng nhìn tôi đầy xót xa. Mọi người đều thương tôi không có đôi chân lành lặn như bạn bè. Điều ấy tôi hiểu, nhưng cũng chỉ có thể cúi mặt ăn cơm. Tôi không muốn người trong nhà mất vui chỉ vì mình.
Chị tôi nói trêu “Sau này nếu không làm được hoa hậu, nhất định là quả hậu. Đứa nào chê mày tao sẽ xử lí”. Cả nhà cười rất to. Tôi nhớ hôm ấy cả nhà ăn cơm tất niên trước khi sang năm mới. Ai cũng xúng xính quần áo điệu đà, váy đỏ diện Tết. Tôi cũng có quần áo, nhưng chẳng thể mặc váy làm dáng, chỉ cố gắng cười cùng mọi người. Khi bữa tiệc qua đi, không ai biết rằng đêm ấy vết sẹo năm xưa lại làm đau trái tim một người.
Tôi có một nhóm bạn. Chúng tôi hay ăn uống cùng nhau. Một lần, tôi đi ăn cùng họ.
– A nóng quá!
– Lấy đá chườm mau!
Bàn bên cạnh có người không cẩn thận nên bị bỏng. Nhìn vẻ mặt nhăn nhó và sự quan tâm của mọi người, tôi lại nhớ vết sẹo của mình năm xưa. Bây giờ nó vẫn không khá hơn là bao, nhưng tinh thần tôi đã tốt hơn nhiều. Thời gian sẽ xóa nhòa tổn thương. Nhưng thời gian tôi đi qua liệu đã đủ?
Lúc ấy, tôi nhìn người bị bỏng, chợt nghĩ:
Hóa ra vết sẹo của mình chẳng rõ đến vậy, chỉ là tôi cứ cố gắng làm cho nó nặng thêm. Khi trở về nhà, tôi đã viết nhật kí và ngủ rất ngon. Chưa bao giờ tôi thấy thanh thản như thế. Nhưng có lẽ sự bình yên đích thực trong tâm hồn không phải chỉ là một cảm giác bất chợt trong cuộc đời. Nó là một điều rất khác…
Năm tôi 25 tuổi, có một người tỏ tình với tôi. Anh nắm tay tôi, bảo sẽ chăm lo cho tôi cả đời. Lúc ấy tôi rất xúc động. Chưa bao giờ có một người con trai nào thì thầm vào tai tôi những điều ngọt ngào như vậy.
Hóa ra bao nhiêu năm tôi cứ chờ mong một người như thế, chờ mong ai đó cầm tay tôi và trân trọng. Lúc ấy, tôi mới hiểu ra, mình đâu cần ai đó trân trọng. Một người đàn ông có thể xoa dịu vết thương lòng trong tôi không? Vết thương lành trở lại đôi khi không đến từ những lời nói, cũng không phải bởi một ai đó thật đặc biệt.
Chính là tôi cần học cách buông bỏ thế nào là sự hoàn hảo mà mình ngộ nhận từ đời sống này.
Chính là tôi cần tha thứ cho sự khiếm khuyết trên thân thể mình.
Chính là tôi cần chăm sóc cho bản thân tốt hơn và sống hạnh phúc hơn.
Tôi sẽ chân chính hạnh phúc bằng nỗ lực năm năm tháng tháng.
Hôm ấy, tôi về nhà, ngâm mình trong bồn nước nóng suốt cả tiếng đồng hồ. Vết sẹo trên chân tôi, thật ra, chính là vết thương lòng bấy lâu nay tôi lưu giữ. Điều tôi cần buông bỏ, là tổn thương trong tinh thần. Vết sẹo ấy rồi sẽ theo năm tháng mà tan đi thôi. Thời gian thật sự sẽ xóa nhòa tổn thương. Đáng lẽ tôi phải nhận ra điều ấy từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ.
Ngước nhìn ánh trăng xanh, tôi thấy lòng mình thật bình an.
Giống như Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói trong cuốn sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”:
“Bụt có cái hiểu rất khác về cuộc đời. Ngài hiểu rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là sự thực, chính là nguyên do gây cho chúng ta khổ não.
Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là Có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ.”
Tôi thật sự có thể buông bỏ những lo lắng trong tâm mình để đạt đến sự thanh thản đích thực.
Nếu bạn cũng như tôi, chưa thể xóa nhòa vết thương trong lòng mình. Hãy đọc cuốn sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh xem sao. Hi vọng bạn sẽ nhận ra một điều gì đó cho chính mình, quan trọng rằng, sau những tháng ngày bươn trải nơi cõi đời, sẽ có những giây phút thật bình an. Mà… những điều đó, giữa thế gian chật chội này không thể đổi bằng tiền được, phải không?