“Sự thật ta nắm giữ” – cuốn sách truyền cảm hứng và gửi gắm tới độc giả nhiều thông điệp về sự nỗ lực và tinh thần hành động vì một cộng đồng, xã hội công bằng và tốt đẹp hơn.
Trong cuốn hồi ký Sự thật ta nắm giữ, Thượng nghị sĩ Kamala Harris – giờ đây là đương kim Phó Tổng thống Mỹ đã kể lại cho độc giả những trải nghiệm đã hình thành nên niềm tin, lý tưởng của bà; cùng những công việc, thành tựu tiêu biểu đã được bà thực hiện trong nhiều năm qua. Không chỉ vẽ nên một bức tranh đẹp về một nhà chính trị thông minh, nhân hậu, chăm chỉ, chuyên nghiệp, cuốn sách còn truyền cảm hứng và gửi gắm tới độc giả nhiều thông điệp về sự nỗ lực và tinh thần hành động vì một cộng đồng, xã hội công bằng và tốt đẹp hơn.
Sự thật ta nắm giữ gồm 10 chương sách, theo đó, Kamala Harris lần lượt dẫn dắt độc giả đi qua con đường bà đã trải qua, từ thời thơ ấu, đến khi trở thành một công tố viên, Tổng chưởng lý, rồi trở thành một Thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ.
Trong đó, mẹ của bà, một sinh viên giỏi đến từ Ấn Độ – có hiểu biết chính trị nhạy bén, luôn đề cao công lý – có ảnh hưởng mạnh mẽ đến bà hơn cả. Mặc dù nuôi con một mình sau khi ly hôn với cha bà – một sinh viên xuất sắc đến từ Jamaica – nhưng mẹ của Kamala vẫn quyết tâm nuôi dạy bà cùng cô em gái trở thành những phụ nữ da màu tự tin và kiêu hãnh.
Không chỉ được nghe kể về những cuộc đấu tranh dân quyền mà cha mẹ cùng bạn bè của họ đã tham gia, ngoài thời gian học tập tại trường, Kamala luôn được mẹ cho tham gia những cuộc thảo luận với bạn bè của bà về các nhà tư tưởng cấp tiến, nạn phân biệt chủng tộc, lịch sử phân biệt chủng tộc tại Mỹ, các phong trào giải phóng ở các nước đang phát triển; tham gia vào những hoạt động sôi nổi tại Rainbow Sign – trung tâm văn hóa của người da màu – nơi mọi người truyền cho nhau niềm tự hào về cội nguồn, kiến thức, nhận thức và sức mạnh hướng tới thực hiện những điều phi thường…
Tại đây, ngoài những kỹ năng cần thiết dành cho người làm chính trị, lãnh đạo, Kamala đã nhìn thấy các phiên bản mở rộng hợp lý cho những bài học hằng ngày của mẹ bà, nơi bà có thể bắt đầu hình dung tương lai của mình sẽ ra sao.
“Mẹ tôi đã nuôi dạy chúng tôi tin rằng câu nói: Điều này khó quá! là một lời bào chữa không thể nào chấp nhận được; rằng trở thành một người tốt có nghĩa là phải lên tiếng ủng hộ cho điều lớn hơn bản thân mình; rằng thành công được đo lường một phần thông qua những việc ta giúp người khác đạt được và hoàn thành. Bà nói với chúng tôi: Đấu tranh với chế độ làm sao cho chúng trở nên công bằng hơn và không bị giới hạn bởi những điều vốn có”, trích trong cuốn hồi ký.
Với niềm tin, lý tưởng sống ấy, cùng sự hỗ trợ của gia đình, người thân, bạn bè, Kamala Harris đã lần lượt nỗ lực hoàn thành chương trình học tập tại ĐH Howard, ĐH luật Hasting, trở thành một công tố viên, Tổng chưởng lý, rồi trở thành một Thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ. Ở cương vị nào bà cũng nỗ lực dùng sự hiểu biết và vai trò của mình để đem lại công lý, những đổi thay tốt nhất cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt là những người da màu, những người yếu thế trong xã hội.
Kết hợp một cách khéo léo giữa những câu chuyện đời tư với sự nghiệp nhiều dấu ấn cùng những câu chuyện chạm vào được trái tim, Kamala Harris khiến độc giả bị cuốn theo hành trình đã qua của bà.
Kamala Harris (sinh ngày 20/10/1964) là một chính trị gia và luật sư người Mỹ, Phó Tổng thống thứ 49 của Hoa Kỳ. Bà là nữ phó Tổng thống đầu tiên, nữ quan chức cấp cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ; đồng thời là người Mỹ gốc Phi, gốc Á đầu tiên là Phó Tổng thống của Hoa Kỳ.
Theo Vietnamnet