Là một blogger du lịch, Hoài Sa đi nhiều và viết nhiều. Năm 2018, Hoài Sa đến Hà Giang, để rồi phải lòng mảnh đất này. Đặc biệt là những thửa ruộng ở Bản Phùng và Bản Luốc ở Hoàng Su Phì đã cuốn hút anh. Hơn hai năm với nhiều lần đặt chân tới đây, Hoài Sa đã sống cùng và làm cùng những người địa phương của các dân tộc Dao, Nùng, Tày, Mông… Anh kể lại trong trang sách của mình những câu chuyện nghề truyền thống nơi đây. Là cụ ông người Dao Đỏ dạy chữ Nôm Dao mà nay gần như đã lạc lõng khi thế hệ trẻ không còn thích học nữa. Là những nghệ nhân già xã chạm bạc Pờ Ly Ngài của người Nùng đã chế tác biết bao trang sức lóng lánh cho mỗi mùa lễ hội. Là nghề trồng chè shan tuyết với những cây chè cổ thụ trăm năm tuổi trên ngọn đồi Nậm Piên…
Với lối viết trẻ trung, “Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì” đã miêu tả rất chi tiết và hết sức thú vị về cách trồng và thu hoạch nông sản, về đặc sản “cá chép thả ruộng”, từ đó hiện lên nét lao động, chinh phục thiên nhiên của những người dân tộc thiểu số nơi đây. Trong trang sách của Hoài Sa, các phong tục tập quán của người dân nơi đây cũng hiện lên rõ nét. Đó là lễ hội Bản Luốc của người Dao Áo Dài với những cuộc thi trò chơi, nấu xôi ngũ sắc và trang phục truyền thống. Là những phong tục “vạn vật hữu linh” gắn với cây lúa như lễ Cơm mới của người Nùng. Là lễ Cấp sắc – lễ trưởng thành cho nam thanh niên ở Bản Luốc, là lễ Nhảy lửa trên than hồng của thanh niên Dao Đỏ…
Những câu chuyện về ruộng bậc thang, về văn hóa các dân tộc thiểu số nơi đây còn cho thấy hướng phát triển du lịch cộng đồng mà tác giả nhắc tới nhiều lần xuyên suốt cuốn sách. Vốn là một huyện nghèo, du lịch cộng đồng là cách làm đúng đắn của Hoàng Su Phì. Điều quan trọng là huyện cần xây dựng và giữ gìn mô hình làm du lịch bền vững, có trách nhiệm với sự tham gia của người dân địa phương.
Vẫn là Hà Giang đấy, nhưng so với cao nguyên đá Đồng Văn, khu vực phía tây Hà Giang không danh tiếng bằng. Do điều kiện giao thông chưa phát triển như tại các điểm du lịch nổi tiếng khác, nên hiện nay chưa nhiều người dân Việt Nam đặt chân đến Hoàng Su Phì. Kể những câu chuyện đặc sắc về văn hóa, phong tục và di sản giàu sắc màu nơi đây trên từng trang sách, tác giả Hoài Sa mong muốn Hoàng Su Phì sẽ được biết đến nhiều hơn. Cuốn sách “Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì” do NXB Kim Đồng ấn hành.