Các cuốn sách như “Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt”, “Dòng tranh dân gian Việt Nam”, “Tranh dân gian Hàng Trống” giúp bạn đọc hiểu sâu về dòng tranh dân gian.
“Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, thi sĩ Hoàng Cầm đã viết câu thơ ý nghĩa về tranh Đông Hồ. Không chỉ có dòng tranh của đất Kinh Bắc, các dòng tranh dân gian khác đều mang màu dân tộc, gắn bó với văn hóa người Việt.
Giờ đây, trong thời đại kỹ thuật số, tranh in và các sản phẩm văn hóa số trở nên phổ biến. Nhưng mỗi dịp Tết đến, các bức tranh dân gian tưởng đã phôi phai lại “sáng bừng” lên trong các sản phẩm ứng dụng.
Nhiều cuốn sách về tranh dân gian Việt đã được xuất bản, giúp bạn đọc hôm nay hiểu sâu hơn về tranh dân gian cũng như văn hóa đẹp ngày Tết.
Cung cấp kiến thức tổng quan về tranh dân gian Việt Nam
PGS.TS Trang Thanh Hiền (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) từng nói những bức tranh dân gian không chỉ thể hiện nét tinh hoa trong ngón nghề, sự tinh tế trong thẩm mỹ, mà còn là thông điệp và niềm ước vọng của dân gian về năm mới. Tranh dân gian thích hợp với mọi nhà, mọi hoàn cảnh trong dịp Tết đến, xuân về.
Đó cũng là lý do mà Trang Thanh Hiền thực hiện cuốn Tranh Tết – Nét tinh hoa truyền thống Việt. Cuốn sách cung cấp kiến thức phổ thông về các dòng tranh dân gian Việt Nam như tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh làng Sình…
Tác giả cũng đưa ra nhiều thông tin về giấy dó và nghề làm giấy dân gian, nghệ thuật thư họa tranh dân gian, tranh dân gian Việt trong dòng chảy nghệ thuật dân gian châu Á.
Không chỉ giúp bạn đọc hôm nay có kiến thức cơ bản về các dòng tranh dân gian Việt Nam, sách còn giống như một giai phẩm Tết với ăm ắp thông tin cùng những bức tranh dân gian được đặt hàng nghệ nhân để độc giả thưởng thức.
Cũng là ấn phẩm tổng quan về các dòng tranh dân gian Việt Nam, công trình Tranh dân gian Việt Nam – sưu tầm và nghiên cứu đã ra đời từ năm 1960. Đến năm 2017, công trình của Maurice Durand được xuất bản tiếng Việt, năm 2019, sách đoạt giải B Giải thưởng Sách Quốc gia.
Hơn 70 năm trước, Maurice Durand – người được coi là vị “thành hoàng” về Việt Nam học của giới nghiên cứu Pháp – trong quá trình tìm hiểu văn hóa Việt đã sưu tầm nhiều tranh dân gian. Các bức tranh thường được bán lẻ ở chợ hoặc bán dạo vào dịp Tết, lễ ít khi được làm ra để sử dụng lâu dài. Do đó, rất ít nơi tập hợp và lưu giữ nhiều tranh dân gian.
Bộ sưu tập hơn 400 bức tranh dân gian của Maurice Durand kèm nghiên cứu, phân tích, bình chú trở thành tư liệu quý. Khi xuất bản tiếng Việt cuốn sách, nhóm biên soạn thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ nhận xét đây là bộ sưu tập quan trọng bậc nhất (xét ở khía cạnh toàn diện) còn được lưu giữ tính đến nay.
Trong công trình này, bạn đọc được thưởng thức tranh dân gian Việt theo các chủ đề như: Tôn giáo, tín ngưỡng, tranh minh họa lịch sử, văn học Việt Nam… Tác giả chỉ ra cách để hiểu và giải các thông điệp ẩn chứa trong tranh dân gian truyền thống.
Nét đẹp, kỹ thuật riêng của từng dòng tranh dân gian
Bên cạnh những công trình toàn diện, có những cuốn sách đi sâu vào lịch sử, nét đẹp, kỹ thuật làm của từng dòng tranh.
Cuốn Dòng tranh dân gian Kim Hoàng do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, GS.TS Trịnh Sinh, nhiếp ảnh gia Lê Bích thực hiện. Đây là kết quả của một dự án ý nghĩa nhằm khôi phục lại dòng tranh nổi tiếng một thời.
Theo nhóm tác giả, dòng tranh Kim Hoàng đã nhạt màu trên thị trường khoảng bảy thập kỷ nay. Ngay trên chính quê hương của dòng tranh này, xã Kim Hoàng, huyện Hoài Đức, Hà Nội cũng không còn nhiều tác phẩm. Nhóm tác giả tâm huyết đã tìm trong công trình Tranh dân gian Việt Nam – sưu tầm và nghiên cứu của Maurice Durand những bức tranh Kim Hoàng, đi thực địa, nghiên cứu nhằm khôi phục dòng tranh đỏ.
Song song với việc làm lại tranh, nhóm tác giả cũng thực hiện sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Sách cho thấy vẻ đẹp, kỹ thuật của dòng tranh, nêu đặc trưng, chất riêng, điểm độc đáo của dòng tranh dân gian này, bố cục tranh, các chữ Hán Nôm thường được đưa vào tranh…
Ba chương sách với 346 ảnh màu minh họa, 24 tài liệu tham khảo và trích dẫn đã thể hiện sống động vẻ đẹp, giá trị của dòng tranh dân gian Kim Hoàng.
Là công trình của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, GS.TS Trịnh Sinh, nhiếp ảnh gia Lê Bích, sách Dòng tranh dân gian Đông Hồ không chỉ cho thấy vẻ đẹp của dòng tranh nổi tiếng mà còn cung cấp thông tin chi tiết về làng nghề.
Trong bốn năm trời, nhóm tác giả có hàng trăm cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, phỏng vấn nghệ nhân làng Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) để tìm hiểu và tái hiện về làng nghề, các bước làm tranh, nghệ nhân nổi tiếng gắn bó với nghề.
Cuốn sách đi sâu vào hai dòng tranh ít được biết đến ngày nay là tranh đồ thế và tranh trổ giấy. Trong các dòng tranh dân gian, tranh Đông Hồ được công chúng hôm nay biết tới nhiều hơn cả. Ấn phẩm Dòng tranh dân gian Đông Hồ cung cấp nhiều tư liệu mới được các nghệ nhân chia sẻ đồng thời mang tới cái nhìn sống động về làng nghề.
Giống các dòng tranh dân gian khác, tranh Hàng Trống có hai dòng chính: Tranh thờ và tranh Tết. Cuốn sách Tranh dân gian Hàng Trống của Phan Ngọc Khuê nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của dòng tranh, kỹ thuật và nghệ thuật của dòng tranh, giới thiệu về các loại tranh Hàng Trống.
Sách giúp người đọc, người xem tranh hiểu về ý nghĩa tượng trưng, huyền thoại, giáo lý đằng sau mỗi bức tranh Hàng Trống. Qua các bài nghiên cứu, dẫn luận, chú thích theo từng bức tranh, bộ tranh, thể loại tranh, cuốn sách mang tới sự tinh tế trong nghệ thuật của cha ông, tâm hồn người Việt nói chung, người Hàng Trống, cư dân Thăng Long – Hà Nội nói riêng.
Cuốn sách xác định vị trí của dòng tranh dân gian Hàng Trống trong quá trình hình thành, phát triển lịch sử nghệ thuật dân tộc và tranh dân gian Việt Nam.
Theo Zing News