Hãy đọc 4 tình huống giả tưởng sau đây và cho biết hành vi của các nhân vật dưới đây là đúng hay sai, và tại sao?
- Một chàng thanh niên đi siêu thị mỗi tuần một lần và mua một con gà. Nhưng trước khi chế biến, anh ta quan hệ tình dục với nó. Sau đó anh ta nấu con gà lên rồi ăn.
- Một chiếc ô tô vô tình đâm chết chú chó cưng của một gia đình nọ ngay trước cửa nhà chủ. Nhà chủ nghe đồn rằng thịt chó rất là ngon, vì vậy họ xẻ thịt chú chó làm bữa tối. Không một ai hay biết về hành động này.
- 2 anh em Giang và Mai đang đi du lịch cùng nhau tại Pháp trong kì nghỉ hè. Một đêm nọ, chỉ có 2 anh em trong một chiếc cabin gần biển và 2 người quyết định thử “quan hệ” với nhau cho vui. (Ít nhất thì đây cũng là một trải nghiệm mới lạ với cả hai). Mai đã dùng thuốc tránh thai nhưng Giang cứ sử dụng thêm bao cao su cho an toàn. Cả hai đều thích thú trải nghiệm này nhưng đều đồng ý sẽ không bao giờ làm lại. Họ coi kỉ niệm này như một bí mật giữa 2 người, điều khiến tình cảm anh em càng sâu đậm hơn.
- Một phụ nữ nọ tìm thấy một lá cờ Tổ quốc trong ngăn tủ đã rách nát và bà ta lấy luôn nó để lau bồn cầu.
Tôi cá bạn sẽ chỉ mất vài tích tắc để trả lời cho câu hỏi thứ nhất: cả 4 nhân vật đều đang thực hiện những hoàn động hoàn toàn sai trái, vô đạo đức, phi nhân tính, kinh tởm, bỉ ôi, tư cách không bằng con vật… Nhưng đáp án mà tôi quan tâm hơn là lý do bạn dùng để chứng minh cho phán xét đạo đức của mình. Suy cho cùng, nếu bạn có là Bộ trưởng Bộ Văn hóa và cấm tiệt tất cả các hành vi trên chỉ bởi vì nó khiến bạn cảm thấy tởm lợm thì bạn đang hành động phi lý trí rồi.
Và thực tế, không chỉ bạn, tôi và tất cả loài người đều hành xử một cách cảm tính như thế. Bởi nếu tư duy có lý trí, thì bạn đã không thể chửi rủa họ như thế được.
Thử phân tích nhé. Trong tình huống 1, con gà bị “hiếp dâm” đã chết, và kể cả nó chưa thì cũng còn xa loài người mới đạt tới đẳng cấp đạo đức bảo vệ trinh tiết cho một con gà. Không ai bị làm hại ở đây, nhưng bạn vẫn ‘cảm thấy’ có gì đó ‘không ổn’ ở hành vi này. “Nhưng quan hệ với động vật là điều không thể chấp nhận được. Nghĩ đến đã thấy ghê tởm rồi”.
Hay trong ví dụ số 3 về tình huống loạn luân giữa 2 anh em, bạn có lại cho rằng 2 người này đã làm một điều hoàn toàn sai trái không? Nếu bạn lý luận rằng lỡ may cô gái thụ thai và sinh ra con khuyết tật thì đề bài đã nêu rõ rằng cả hai đều đã sử dụng các biện pháp tránh thai, và giả sử 100% sẽ không có em bé, liệu bạn có còn cảm thấy có gì đó ‘sai sai’ nữa không?
Còn hành vi cuối, tại sao dùng lá cờ Tổ quốc để lau bồn cầu thì thật đáng bị cho “ăn gạch”, vì dù gì, chiếc cờ quá rách để có thể treo lên và hơn nữa, thì cũng chẳng ai nhìn thấy hành vi “báng bổ” đó của bà mà noi gương. Quan hệ với động vật là sai, làm ô uế đến những thứ linh thiêng là sai, nhưng tại sao? Thật lòng nhé, vì tôi cảm thấy nó kinh tởm.
Đây chính là những tình huống mà nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng Jonanthan Haidt thách đố giới hạn đạo đức của những người tham gia thí nghiệm nhằm tìm hiểu bản chất thực sự của các lập luận đạo đức. Liệu có phải chúng ta đi đến kết luận rằng một hành vi là đúng hay sai (ví dụ quan hệ với con gà) dựa vào các lập luận logic? Hay ta quyết định dựa vào các tín hiệu cảm xúc (uây, trông nó kinh tởm quá) rồi sau đó mới sử dụng lý lẽ như một ông luật sư để bào chữa cho tuyên ngôn của thân chủ cảm xúc của mình. Ai thực sự là ông chủ ở đây? Lý trí hay cảm xúc?
Nếu bạn đã từng đọc cuốn sách Tư duy nhanh và chậm (và tôi khuyên bạn nên đọc nó) thì bạn biết rằng có 2 mẫu hình tư duy: Hệ thống 1, rất nhanh, bản năng, cảm xúc, vô thức, tự động, và Hệ thống 2, rất chậm, lý trí, logic, có ý thức. Ta sử dụng hệ thống 1 để xử lý những vấn đề như 2+2=, hay điều khiển hầu hết các công việc lặp đi lặp lại như đánh răng, rửa mặt, lái xe, lướt Facebook…. Đó chính là nguyên nhân tại sao bạn lại khó bỏ các tật xấu như thế, bởi vì chúng diễn ra hoàn toàn nằm dưới ngưỡng của ý thức. Bạn sử dụng hệ thống 2 trong khi tính xem 212+1156= , khi viết luận, khi đi thi, khi tranh cãi với phe rồ Mẽo và rồ Nga trên mạng, khi quyết định có “Share” bài này hay không… tất cả những công việc đòi hỏi đến lý trí.
Hệ thống 1 hoạt động vô cùng nhanh và đòi hỏi ít năng lượng hơn rất nhiều hệ thống 2, vô cùng tốn tài nguyên (bạn đã tính ra kết quả của 212+1156= chưa). Đó là lý do tại sao bạn đừng dại gặp người yêu lúc đói bởi lý trí của bạn, khi không còn “xăng” để vận hành sẽ rất dễ bị cảm xúc tiếm quyền. Và hãy nhắc công ty bạn đừng bao giờ tổ chức những cuộc họp 4h chiều điên rồ, thời điểm tồi tệ nhất cho các giải pháp năng suất, vì không ai còn đủ nhiên liệu để tiếp sức cho hệ thống 2. (Bạn có thể tự kiểm nghiệm lời khuyên của tôi bằng cách thử giải phương trình lúc 11h30’ trưa.) Tuy nhiên, câu chuyện về Tư duy nhanh và chậm xin được bàn đến ở các bài viết khác, còn trong bài viết này tôi chỉ muốn liên hệ nó đến mô hình xử lý kép tương tự trong các quyết định đạo đức.
Đa phần các quyết định trong cuộc sống của chúng ta là các quyết định đạo đức. Nếu địa hạt khoa học đương đầu với những câu hỏi về sự thật (ví dụ Trái Đất quay quanh mặt Trời hay ngược lại) thì con người hàng ngày luôn phải đối mặt với các câu hỏi đạo đức: Mình (và người khác) làm thế này là đúng hay sai? Chấp nhận được về mặt đạo đức hay không? Đứa hàng xóm có thai từ năm lớp 10 cơ đấy? Cô diễn viên này từng bỏ anh người yêu đã bên mình 10 năm để theo một ông 60 tuổi, nhưng giàu sụ? Và đám báo chí biết thừa điều này. Vậy nên, những tít bài về sự thật kiểu: Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống nhân loại, dù vô cùng quan trọng cũng khó có thể đạt được sự quan tâm bằng cái tít kiểu: “Vất vả nuôi chồng ăn học bao năm, đến lúc có nhà lầu, xe hơi lại ly hôn vì chồng tìm được “tình yêu đích thực“
Với một vấn đề vô cùng gẫn gũi như trên, nhưng trong gần như suốt thế kỉ 20, các nhà triết học, tâm lý, xã hội học vẫn cho rằng con người đi đến một quyết định đạo đức đơn thuần bằng lý trí, cảm xúc chỉ đóng vai trò thứ yếu. Giáo sư Jonathan Haidt đề ra một mô hình khác về các phán xét đạo đức.
Ông cho rằng “các phán xét đạo đức cũng không khác gì các phán xét về cái đẹp. Khi bạn nhìn thấy một bức tranh, bạn thường thường tự động và ngay lập tức biết rằng bạn có thích nó hay không. Nếu ai đó hỏi bạn tại sao nó đẹp, bạn bắt đầu bịa. Bạn không thực sự biết tại sao bạn lại nghĩ cái gì đó là đẹp, nhưng mô đun diễn giải của bạn (hệ thống 2) rất giỏi trong việc bịa ra một lý do. Bạn tìm kiếm một lời giải thích hợp lý trong đầu về lý do thích bức tranh và chộp ngay lấy bất cứ cài này hiện lên đầu tiên nghe có vẻ hợp lý…
Các tranh luận đạo đức cũng giống hệt như thế: 2 người cảm thấy bất bình về một vấn đề, cảm xúc của họ đến trước, và lý lẽ được sáng tác ngay tại chỗ, để lôi ra cãi nhau. Khi bạn bẻ gãy được lập luận của người yêu, liệu cô ấy thường có thay đổi ý kiến của mình và đồng ý với bạn không? Tất nhiên là không. Lý do không chỉ bởi “phụ nữ luôn đúng” mà bởi bạn chỉ mới chạm vào phần nổi của tảng băng thôi. Trên thực tế lý luận được bịa ra để nghe cho “có lý” sau khi cảm xúc đã quyết định tính đúng sai trước đó lâu rồi. (Trừ một số vấn đề đã được thực hành lý trí lâu năm, như câu hỏi “Tra tấn tên khủng bố để bắt khai nơi giấu bom là đúng hay sai” với một nhà hoạt động nhân quyền).
Lý trí không chỉ như một con rối bị cảm xúc đứng sau giật giây. Như khi đọc 4 ví dụ đầu tiên, nếu tự quan sát mình trong gương, bạn sẽ cảm thấy cảm xúc kinh tởm hiện lên thoáng qua trên gương mặt (mắt nheo lên, mũi nhăn lại, lười hơi lè ra). Rồi sau đó, đến khi tôi hỏi lý do tại sao, bạn mới bắt đầu “bịa” ra lý do để “thỏa đáng hóa” câu trả lời của mình. *
Bạn chống lại việc ăn thịt thú cưng, kể cả khi nó đã chết và cũng không ai biết được việc này? Bạn thực sự lo cho linh hồn của chú chó sẽ bị ô uế hay bạn cảm thấy thật kinh tởm khi ăn thịt ‘bạn thân’ của mình. Bạn chống lại hôn nhân đồng tính? Có phải lý do là bạn lo cho con cái của họ sau này sẽ không được phát triển toàn diện (có cha-có mẹ) hay bạn bạn cảm thấy “eo ôi” mỗi khi nhìn thấy hai bạn trai hôn nhau giữa đường?
Mặc dù cảm xúc nhiều khi làm lệch lạc các phán xét đạo đức, nhưng thiếu nó lại còn nguy hiểm hơn. Khi nghiên cứu những kẻ biến thái tâm lý, các nhà khoa học thấy rằng chính sự thiếu sót về chức năng cảm xúc – khả năng logic, lập luận và IQ thậm chí còn cao hơn người bình thường – mới khiến chúng gây ra những hành vi kinh rợn. Tên hề sát nhân “John Wayne Gacy” của nước Mỹ, sát hại 32 thiếu niên từ năm 1972 đến năm 1978 – 26 người bị vứt xác dưới sàn nhà của mình, 3 được chôn quanh nhà, và 4 được vứt xuống sông – mà vẫn không hề cảm thấy tội lỗi, cắn rứt lương tâm, và vẫn có thể ngủ ngon như một đứa trẻ.
Nếu nhìn các phán xét đạo đức theo mô hình này thì đâu sẽ là các biện pháp can thiệp đúng đắn để thay đổi định kiến của mọi người? Nếu bạn muốn một ai đó ngừng kì thị người da đen, người nhập cư, LGBT, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… thì bạn nên tiếp cận lên cảm xúc hay lý trí của họ.
Mở một lớp về quyền con người, tập trung vào ý tưởng trừu tượng về quyền bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc cho các học viên có thể có hiệu quả, nhưng tôi không chắc sẽ có tác động lâu dài vì bạn chỉ đang tác động vào kẻ nô lệ là lý trí. Một cách hiệu quả hơn có thể áp dụng là tác động sâu vào cảm xúc của đối tượng như cách Túp lều bác Tôm đã làm cho người da màu hay Cô gái Đan Mạch cho người đồng tính. Có vẻ sau bao nhiêu năm thì triết gia David Hume cũng đúng khi tuyên bố thẳng vào mặt những nhà Khai sáng tôn thờ lý trí: “Lý trí là, và phải là nô lệ cho cảm xúc, và không bao giờ có thể giả vờ làm việc gì khác ngoài phục tùng và tuân lệnh ông chủ.”
John Wayne
Trạm Đọc
* Dưới đây là một đoạn phỏng vấn trong thí nghiệm (chỉ có 20% người tham gia cho rằng việc quan hệ giữa 2 anh em Giang và Mai – mà trong bản gốc là Julie và Mark – là chấp nhận được), khi kẻ biện hộ đã cạn lời, nhưng ông chủ vẫn không thay đổi quyết định.
A: Vậy bạn nghĩ sao về vấn đề này, liệu 2 anh em, Julie và Mark quan hệ với nhau có sai không?
B: Yeah, mình nghĩ chuyện quan hệ này hoàn toàn sai trái. Bạn biết đấy, bởi vì mình là người khá sùng đạo và mình nghĩ loạn luân luôn luôn là trái đạo đức. Nhưng, mình không biết tại sao.
A: Chính xác thì loạn luân sai ở chỗ nào, bạn thử nói xem
B: Um, chuyện này, mình đã từng nghe – mình không biết nó có đúng không, nhưng nếu người phụ nữ mà mang thai, thì đứa bé sinh ra sẽ bị dị dạng, hầu hết là như thế.
A: Nhưng cả hai đã sử dụng bao cao su và thuốc tránh thai rồi mà
B: Oh, Ok. Yeah, đúng là bạn có nói thế.
A: Vậy, không đời nào họ có con được.
B: Đúng, mình đoán an toàn nhất thì nên kiêng cữ, nhưng um, uh…um, mình không biết, mình chỉ biết nó sai thôi. Mình không biết, bạn vừa hỏi mình gì nhỉ?
A: Liệu 2 anh em quan hệ với nhau có sai không?
B: Yeah, mình nghĩ là sai
A: Và tớ đang cố tìm hiểu lý do tại sao nó sai.
B: Ok, um…đúng là…xem nào, hãy để mình nghĩ về vấn đề này xem sao. Um – bọn họ bao nhiêu tuổi gì?
A: Họ đều đang học Đại học, khoảng 20 gì đó.
B: Oh, oh [trông có vẻ thất vọng]. Mình không biết, mình chỉ..nghĩ là bố mẹ chúng ta không dạy ta làm việc đó – mình đoán lý do là, um…chính là, um…mẹ bạn không dạy bạn làm thế. Bạn không thấy nó quá hiển nhiên sao. Mình không nghĩ nó được chấp nhận. Tất cả chỉ có thế.
A: Bạn không nói rằng nếu bất cứ điều gì chúng ta không được bố mẹ dạy thì đều là sai hết đấy chứ. Ví dụ, nếu bạn không được dạy rằng phụ nữ có thể đi làm như nam giới, thì bạn có nói phụ nữ đi làm là sai hay không?
B: Um…đúng là…oh, quỷ thật. Trường hợp này khó quá. Tôi thực sự – um, ý mình là, không đời nào mình thay đổi quan điệm về chuyện loạn luân nhưng mình không biết làm sao – làm sao để diễn đạt những gì mình đang cảm thấy. Thật là điên rồ.
Đây là một trong rất nhiều đoạn phỏng vấn mà các nhà nghiên cứu ghi lại được về sự tắc tịt lý luận đạo đức (moral dumbfounding), xảy ra khi chúng ta có một phản ứng đạo đức mạnh nhưng lại không thể “bịa” ra được lý do nào để hợp lý hóa chúng. Bạn có thể trực tiếp quan sát thế lưỡng nan này bằng cách thử nghiệm 4 ví dụ ban đầu với bạn của mình. Vậy, cơ chế hoạt động thực sự của các quyết định đạo đức là gì? Bạn dùng lý lẽ hay cảm xúc để quyết định mặc áo hai dây vào đền chùa là đúng hay sai?