Đã qua rồi thời kỳ cha đi làm và mẹ ở nhà chăm con; trong thế giới hiện đại, người cha đóng vai trò quan trọng không kém trong sự phát triển những năm đầu đời của trẻ.
Một số người với quan niệm bảo thủ vẫn cho rằng đàn ông vào phòng đẻ là điều tối kị, vì phụ nữ không nên bị nhìn thấy trong lúc sinh nở (thế làm sao người ta làm ra em bé?). Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các nước Phương Tây, đàn ông được khuyến khích nên ở bên cạnh vợ để “trợ” sinh, cả khi chờ sinh lẫn trong quá trình sinh đẻ. Bằng cách động viên vợ, người cha trở thành một nhân tố quan trọng trong quá trình “chui ra” trót lọt của con.
Mặt khác, nghiên cứu chứng minh rằng những người vợ có chồng hỗ trợ bằng cách nâng vai hoặc đầu lúc rặn đẻ “ít đau hơn, ít phải dùng thuốc hơn” còn “các cặp cha mẹ thường thoả mãn với sự trải nghiệm này.” Trong cuốn “Sự thật về ba năm đầu đời của trẻ,” bác sĩ Silvana Quattrocchi Montanaro khẳng định rằng trẻ sơ sinh có khả năng cao gặp sang chấn khi sinh ra nếu người mẹ có tâm trạng không tốt hoặc chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng.Sự vắng mặt của người cha để tránh “điềm xấu” khi vợ đẻ không những không mang lại điều tốt lành gì, mà thậm chí còn có khả năng để lại những hậu hoạ tâm lý đau lòng cho con.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ đừng cho rằng con phải bế trên tay mới là một con người hoàn chỉnh. Sự sống đã bắt đầu trước đó chín tháng rồi – điều đó có nghĩa là vai trò của người cha trong thời kỳ mang thai cũng không thể coi nhẹ. Theo bác sĩ Montanaro, hệ thống thần kinh của trẻ đã phát triển từ khi còn trong bụng mẹ, với “số lượng các tế bào thần kinh đạt mức tối đa vào tháng thứ bảy của thai kì.” Nếu muốn đánh dấu sự tồn tại của mình trong tiềm thức con, cha đừng dại gì lơ là con khi bé còn trong bụng mẹ!
Em bé hoàn toàn có thể hiểu được tình thương của người cha dù chưa hề biết mặt. Thông qua những tín hiệu cảm xúc tích cực từ mẹ do tình yêu từ người chồng, và nhờ vào “tiếng nói thứ ba,” trẻ có được một môi trường sống an toàn để sẵn sàng cho cuộc sống mới.
Hơn nữa, việc cùng chia sẻ với vợ không chỉ trong giai đoạn ốm nghén còn làm dày thêm tình cảm vợ chồng, qua đó gián tiếp tạo ra không khí thấu hiểu và yêu thương trong gia đình khi trẻ chào đời. Thứ ngôn ngữ đầu tiên trẻ học được ở một môi trường lạ lẫm và đầy rẫy hiểm nguy chính là tình yêu – tiền đề không thể thiếu để trẻ phát triển tâm lý hoàn thiện mà không ai khác người cha có thể dạy đầy đủ cho trẻ.
Quan niệm ngày xưa cho rằng phụ nữ sau sinh cần kiêng ngủ cùng chồng mà thay vào đó ngủ cùng… mẹ chồng để tiện chăm sóc. Tuy nhiên, có một thực tế mà các ông chồng không mấy khi nhận ra là các bà mẹ sau khi sinh có xu hướng cao mắc trầm cảm do sự sụt giảm hormones thần kinh. Thay vì để vợ ngủ cùng mẹ chồng làm tăng mức độ stress của sản phụ, người chồng nhất thiết cần ở cạnh vợ để vợ được an tâm.
Trớ trêu thay, 6 đến 8 tuần tuổi đầu là giai đoạn chuyển tiếp môi trường của trẻ. Nói cách khác, trẻ cần được hướng dẫn bằng tất cả tình yêu thương của cha mẹ để có thể yên tâm rằng môi trường mới này an toàn và chào đón trẻ.
Lúc này, vai trò của người cha đặc biệt quan trọng. Với tư cách “trụ cột gia đình,” cha trở thành “rào chắn bảo vệ” cho không gian yên tĩnh và chia sẻ của hai mẹ con, đồng thời là chỗ dựa tinh thần cho người phụ nữ sau khi họ trải qua cuộc vượt cạn đầy đau đớn và mỏi mệt. Hơn thế nữa, cha có thể tận dụng cơ hội này để ẵm con và để con làm quen với “sinh vật mới.”
Tóm lại, dù không mang nặng đẻ đau nhưng không thể phủ nhận vai trò to lớn của người cha trong những năm đầu đời của trẻ. Chăm con giờ đây không chỉ là dạy dỗ những thứ đao to búa lớn, mà còn là những cử chỉ yêu thương nhỏ nhất trong gia đình.
Trang Sâu
Trạm Đọc