Trên thế giới này tồn tại cả trăm sắc tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ, nhưng có một điều mà tất cả mọi người đều thấu hiểu, chẳng cần phải thốt ra thành lời. Đó chính là tình thương.
Cuối năm 2017, Hà Huy Thanh ra mắt cuốn sách đầu tay có tên “Tình thương”, đưa ra một khái niệm về tình thương và bước đầu vạch ra văn hóa tình thương – một chìa khóa cho các vấn đề toàn cầu.
Cuối năm 2018, anh tiếp tục phát triển ý tưởng của mình, đi sâu hơn vào bối cảnh và vấn đề của riêng Việt Nam, và ra mắt cuốn sách thứ hai: “Việt Nam – Quốc gia của tình thương”.
Đối với nhiều người, cái tên Hà Huy Thanh đã khá quen thuộc, bởi anh vừa là một doanh nhân, vừa là người tiên phong đưa “sơ đồ tư duy” của Tony Buzan về Việt Nam, lại vừa là cháu nội của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Nhưng có lẽ rất ít người biết đến Hà Huy Thanh như một “sứ giả của tình thương” gắn với bộ sách 2 cuốn kể trên.
Tình thương là thấu hiểu bản thân
Trong cuốn sách đầu tiên của mình, anh cho rằng: Mặc dù trên thế giới có hàng trăm quốc gia với hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau, văn minh nhân loại đã cực kỳ phát triển, sự phân chia tôn giáo, sắc tộc ngày càng rõ ràng, nhưng có một điều duy nhất cả nhân loại có thể thống nhất được với nhau, đó là tình thương.
Hà Huy Thanh không hề mơ hồ khi giải thích tình thương là gì. Anh có cái nhìn rất rõ ràng: Nguyên lý tình thương đi từ thấu hiểu đến chia sẻ, cuối cùng là kiến tạo giải pháp.
Thấu hiểu, trước hết là phải thấu hiểu bản thân mình, sau đó thấu hiểu người khác và thấu hiểu hoàn cảnh. Đây là ý tưởng mà tôi thích nhất trong cuốn sách của Hà Huy Thanh, không phải vì nó là điều đơn giản nhất, mà là vì nó là gốc rễ của vấn đề.
Nếu có thấu hiểu, sẽ không có định kiến. Không có định kiến, sẽ không có những hành động “lệch pha”. Đặc biệt, để gửi gắm thông điệp tình thương, Hà Huy Thanh không hô hào khẩu hiệu “hãy thương người khác”. Điều đầu tiên anh “hô hào”, là tất cả mọi người hãy tự nhìn vào bản thân để thấu hiểu chính mình.
“Tự nhìn vào bản thân”, tưởng dễ nhưng lại cực kỳ khó, bởi không phải ai cũng đủ dũng cảm để đối mặt với cả mặt sáng lẫn mặt tối trong tâm trí chính mình, bởi bên cạnh niềm vui, ai cũng từng bị tổn thương, và theo nhà phân tâm học S. Freud, thì chính những tổn thương ấy lại là thứ chi phối suy nghĩ và hành động của mỗi người.
Khi bàn đến vấn đề tự nhìn vào bản thân, Hà Huy Thanh đưa ra tiêu chí rành mạch: Thân thể khỏe mạnh – Tình cảm cân bằng – Trí tuệ sáng suốt – Tâm linh mạnh mẽ. Lấy bốn tiêu chí trên làm trụ cột, mỗi người có thể tự đánh giá được bản thân mình: Cơ thể đã khỏe mạnh chưa? Tình cảm có bị bất cứ nỗi đau và định kiến nào che khuất hay không? Trí tuệ có bị giới hạn? Và tâm linh có đang sợ hãi hay sùng tín điều gì? Tất cả những thứ đó sẽ tác động đến động lực hành động của mỗi người, chi phối cách người đó thực hiện điều mình muốn.
Hành trình của tình thương khiến tôi liên tưởng đến hành trình của giác ngộ, là bởi vì thái tử Siddhartha chỉ có thể đạt được chứng ngộ khi ngài ngồi dưới gốc bồ đề, tự nhìn nhận lại chính mình: Mình là ai, mình ở đâu, mình muốn gì? Siddhartha đã đi khắp kinh thành, nhìn thấy bao cảnh đời khổ đau, thấu hiểu người khác và thấu hiểu hoàn cảnh trước, nhưng chỉ đến khi nhìn sâu vào bản thân, ngài mới giác ngộ. Giác ngộ rồi, ngài lại tiếp tục con đường rao giảng của mình.
Cách làm của Hà Huy Thanh lại đi từ bản thân ra bên ngoài thế giới, bởi anh cho rằng, nếu không thể hiểu chính mình, bạn sẽ không đủ khả năng để thấu hiểu người khác. Và khi thấu hiểu rồi, bạn mới có thể chia sẻ cùng họ, cuối cùng là tìm ra giải pháp cho các vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống.
Giác ngộ là tình thương?
Tại Ấn Độ, có một cây tên là “Aśvattha”, có nghĩa là “Chúng ta không thể tồn tại như thế vào ngày mai”. Sau sự kiện thái tử Siddhartha ngồi thiền dưới gốc aśvattha và đạt chứng ngộ, người ta gọi cây đó là cây “Bodhi” (đọc là “bồ-đề”), với nghĩa là “giác ngộ”. Cả hai nét nghĩa mới và cũ của cây bồ đề đều chỉ đến ranh giới trước-sau, hiện tại-tương lai. Ghép lại, ta được một nghĩa chung: Chúng ta không thể tồn tại như thế vào ngày mai. Chúng ta giác ngộ.
Nhưng “tồn tại như thế” là như thế nào? “Giác ngộ” là gì? Có bao nhiêu người tu hành, tu tập tâm linh, thì dường như lại có bấy nhiêu câu trả lời cho hai câu hỏi trên. Có người cho rằng “giác ngộ” là gạt bỏ bụi trần, không tham sân si, không lưu luyến, không ái tình. Có người lại cho rằng, “giác ngộ” là nhìn mọi thứ với cái tâm bất biến, không lung lay, không rung động, không cảm xúc. Tôi vốn không muốn đưa ra một định nghĩa nhất thành bất biến về “giác ngộ”, chỉ là khi nhìn thấy lá bồ đề trên bìa hai cuốn sách của Hà Huy Thanh, tôi chợt nghĩ: Giác ngộ có thể là tình thương.
Tôi từng đọc được một câu chuyện kể về hai thầy trò hòa thượng nọ gặp một người phụ nữ đang muốn qua sông. Người sư phụ thấy vậy liền không ngần ngại cõng người phụ nữ kia lội qua sông. Đến khi sang sông rồi, vị tiểu hòa thượng vẫn băn khoăn về hành động vừa rồi của sư phụ mình. Đến lúc không thể nhịn được nữa, cậu hỏi: “Sư phụ, người phạm giới rồi, tại sao người lại cõng phụ nữ?” Vị sư phụ thủng thẳng đáp: “Ta đã đặt cô ta xuống từ lâu rồi, còn con, đã đi một đoạn đường dài như vậy, con vẫn chưa bỏ được cô ta ra khỏi đầu sao?”
Người ta thường lấy câu chuyện trên để minh họa cho cảnh giới rũ bỏ hồng trần của bậc giác ngộ, nhưng tôi lại thấy nó rất phù hợp để biểu hiện cho tình thương. Nếu vị hòa thượng kia giữ giới luật “cấm gần nữ sắc”, người phụ nữ sẽ loay hoay mãi ở bên bờ sông. Vị hòa thượng giữ được giới luật, nhưng lại cư xử vô cảm thiếu tình thương. Còn khi vi phạm giới luật, vị hòa thượng lại cứu giúp được một người đang trong hoàn cảnh khó khăn. Ở thời điểm đó, một bậc giác ngộ sẽ chọn tuân theo luật “cấm gần nữ sắc”, hay tuân theo luật “tình thương”?
Nguyên lý tình thương không phân chia giàu nghèo, già trẻ, gái trai. Nguyên lý tình thương chỉ đơn giản là đưa tay ra giúp đỡ khi bạn có khả năng.
Đức Phật đã giác ngộ, vậy tại sao ngài còn không quản ngại khó khăn đi khắp nơi giảng đạo? Phải chăng điều ngài giác ngộ được chính là tình thương. Vì tình thương, nên ngài không muốn con người trầm luân trong bể khổ.
Jesus Christ chịu hình phạt nặng nhất của chính quyền La Mã – đóng đinh lên thập tự – để hứng chịu mọi tội lỗi thay cho loài người, biến cây thập tự từ công cụ tử hình thành một biểu tượng của tình thương.
Trong Thiên Chúa giáo, các con chiên tự gọi đạo của mình là “đạo yêu thương”, bởi “Thiên Chúa là tình yêu”.
Trong khi Việt Nam vừa mới rúng động vì 231 cái tát lên mặt một em học sinh, hay những câu chuyện bảo mẫu bạo hành trẻ em; xa hơn, là biểu tình bạo động tại Pháp, nạn nhập cư tràn lan ở các quốc gia châu Âu;… nhìn như thế mới thấy, thế giới chúng ta đang sống thiếu tình thương, thiếu sự thấu hiểu, thiếu sẻ chia, và thiếu giải pháp đến mức nào. Giải pháp đôi khi không nằm trên giấy tờ, số liệu, mà nằm trong cách dùng tình thương để giải quyết vấn đề. Đọc lại hai cuốn sách của Hà Huy Thanh, tôi nhận ra anh có đưa ra được giải pháp cho các vấn đề toàn cầu (dù chưa thể cụ thể trong một cuốn sách chưa đến 200 trang), và anh chỉ khao khát một điều duy nhất: Đem tình thương phủ khắp nhân gian.
Tuy nhiên, cuốn sách của Hà Huy Thanh, đối với nhiều người, có lẽ không được thực tế lắm. Mặc dù anh có một ý tưởng đáng trân trọng, nhưng chính vì thế mà cuốn sách chưa thoát được hoàn toàn khỏi sự cảm tính và mang hơi hướng của tư tưởng Phật giáo, đặc biệt khi anh bàn về cách giải quyết vấn đề toàn cầu thông qua tình thương. Các vấn đề di dân, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chính trị,… thường phức tạp hơn vẻ ngoài của nó, và cũng có nhiều vấn đề liên đới đến nhau. Để giải quyết các vấn đề toàn cầu, “tình thương” lại là một giải pháp quá chung chung.
Ngay cả trong cuốn sách thứ hai “Việt Nam – quốc gia của tình thương”, Hà Huy Thanh cũng chưa hoàn toàn thoát khỏi được quỹ đạo của sự cảm tính đó. Những ví dụ anh dẫn trong lịch sử có thể thỏa mãn người đọc, nhưng trong bối cảnh hiện tại (sau năm 2000), các dẫn chứng thưa thớt và “yếu” hơn.
Dù vậy, cả hai cuốn sách đều đáng đọc, không phải bởi Hà Huy Thanh hô hào về một thế giới đại đồng hãy chia sẻ tình thương với nhau, càng không phải vì đọc sách xong, các bạn tự thấy mình có nhiệm vụ đi “ban phát” tình thương; mà vì khi đọc sách xong, bạn đọc sẽ biết cách để thực hành tình thương như thế nào.
Đông Tử