Trong dòng chảy lịch sử, Hà Nội là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” hội tụ chiều sâu văn hóa kết tinh qua nhiều thăng trầm, nhiều thế kỷ, mỗi một thời như một nốt trầm, nốt bổng khác biệt để tạo nên khúc hợp tấu “Thủ đô ngàn năm văn hiến”. Và nếu như Hà Nội của hôm nay là giai điệu thị thành sầm uất, là cao độ cho những hoa lệ hào nhoáng ngân vang, thì Hà Nội của thập niên 60-70 chính là trầm âm cân bằng bản nhạc, là hình hài của “36 phố phường” nhẹ nhàng, êm đềm và da diết nhớ thương.
Ai đó từng nói rằng, muốn yêu hơn Hà Nội hôm nay thì nhất định phải nghe chuyện Thủ Đô của dăm chục năm trước. Bởi khi đặt hai chiều kích hiện đại và bao cấp cạnh nhau mới dễ dàng nhận ra sự dịch chuyển, đổi thay và tiến bộ của Hà Nội. Ấy thế nên, bộ sách “Hà Nội Xưa Và Nay” được chọn lọc với mong muốn giúp bạn đọc hiểu sâu, cảm thông và yêu thương hơn mảnh đất Hà thành này. Bộ sách gồm 4 cuốn: Hà Nội, Mũ Rơm Và Tem Phiếu; Kim Liên Một Thuở; Hà Nội Quán Xá Phố Phường và Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn!
Ngược đường thương Hà Nội xưa
Có mấy ai một đời người đi qua cả hai giai đoạn của Hà Nội, mà không xao xuyến khi nghĩ về tuổi thơ gắn bó với những hình ảnh mà giờ đây đã là lạ lẫm với lớp trẻ như: mũ rơm, tem phiếu, khu tập thể, gánh phở rong, áo dài cổ… Hà Nội, Mũ Rơm Và Tem Phiếu của Trung Sĩ và Kim Liên Một Thuở của Vũ Công Chiến đã gói ghém hết chân tình của một đời người để viết về Hà Nội thập niên 60-70 ấy, kể về ký ức một thời khói đạn gian khó của chính bản thân mình.
Với Hà Nội, Mũ Rơm Và Tem Phiếu, nhà văn Trung Sĩ đã rất giản dị trong giọng viết, từng câu từng chữ như một người anh cả kể chuyện hết sức chân thực, không thêm thắt hoa lá, không lãng mạn tình tứ. Dưới ngòi bút của Trung Sĩ, ta ngửi thấy rất nhiều “mùi Hà Nội cũ”. Đó là mùi trong lành khi cậu bé Trung Sĩ nhớ về các khoảng đẹp của tuổi thơ với hình ảnh đi bắt chuồn chuồn ớt, tắm sông, câu cá, tiếng pháo nổ ngày Tết… Đó là mùi ngai ngái của những thức ăn độn ngô, độn sắn. Đó là mùi đau thương trong bom nổ khói đạn khi Hà Nội oằn mình chịu các đợt bắn phá của giặc ngoại xâm. Khi ấy hình ảnh Mũ Rơm hiện lên rõ rệt, là chiếc mũ theo mọi người đi sơ tán, đó cũng là chiếc mũ hôm qua đứa bạn cùng bạn còn đội, mà nay nghe đâu nó dẫm phải mìn chẳng trở về nữa. Hà Nội khi ấy xơ xác, lòng người cũng hoang mang ngóng tin bình an của người thân. Hà Nội còn in hằn trong tâm trí của thế hệ 5x, 6x thưở bấy giờ bằng thứ “mùi Mậu Dịch” của một thời bao cấp đói khổ mà Trung Sĩ đã kể rằng:
“Khi tôi đến cơ quan mậu dịch, lên tầng hai chơi với các bà, bao giờ cũng được một vài cái bánh chả thơm phức lá chanh, hoặc ít ra là khúc sắn vàng dẻo quánh. Nhưng ấn tượng nhất ở đây là một thứ mùi đặc biệt, là tổng hợp của các thứ mùi. Mùi hồ chua chua từ các súc vải ẩm, mùi men kẹo giấy chảy, mùi mốc các thùng gỗ cũ, mùi hăng hắc từ các con cá chép nhựa mới nhập… Lĩnh xướng trên tất cả loại mùi, có lẽ là mùi khen khét, ngầy ngậy của xà phòng cục 72% Liên Xô. Tổng phổ mùi đó cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được, nó ám vào đầu óc rồi, và tôi tạm đặt tên là “mùi mậu dịch”.
Nếu tác phẩm của Trung Sĩ gợi lên vô số thứ “mùi Hà Nội cũ” thì nhà văn Vũ Công Chiến lại khắc họa Hà Nội xưa qua góc nhìn kiến trúc của Khu Tập Thể Kim Liên – “khu chung cư cao cấp nhất thời bấy giờ”. Tác phẩm Kim Liên Một Thuở như một cỗ máy thời gian đưa người đọc trở về cuộc sống thắm thiết “tình làng nghĩa xóm” của mấy chục năm trước. Cư dân Kim Liên chung nhau cái bếp, chỗ rửa rau vo gạo, thậm chí chung nhau cả nhà vệ sinh, người ngồi trong, kẻ ngoài đứng đợi cũng “buôn chuyện” được, chia sẻ từ quả chanh quả ớt, thìa mỡ, vài nhúm mỳ chính hay vay nhau bơ gạo, chai dầu hỏa đun bếp lúc nhỡ nhàng…Theo dòng chảy của thời gian, chung cư Kim Liên bây giờ đã trở thành khu nhà “cổ” giữa đô thành hiện đại. Những nấm mốc rêu phong, cơi nới chằng chịt đã hằn lên “tuổi già” cho một công trình, nhưng cũng in đậm ký ức của thế hệ 5x, 6x, 7x trong đời sống gian khó mà lấp lánh tình người.
Sống chậm lại để yêu hơn Hà Nội nay
Nốt nhạc trầm Hà Nội xưa đã điểm, thì cao độ Hà Nội nay cũng được ngân vang. Đó là Hà Nội qua góc nhìn trong tác phẩm Hà Nội Quán Xá Phố Phường và Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn.
Có nhiều người chẳng hiểu được Hà Nội quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy cái ngõ, vài món ngon mà sao cứ ào ào đi vào văn thơ. Ấy nhưng không, ngõ của Hà Nội đâu chỉ là ngõ mà đó còn là chứng tích lịch sử. Ẩm thực của Hà Nội đâu chỉ no bụng thôi, đó còn là câu chuyện của văn hóa và sự hội nhập. Theo chân Uông Triều vi hành qua Hà Nội, Quán Xá Phố Phường bạn đọc sẽ ngỡ ngàng về muôn vàn điều chưa tỏ của đất Hà thành.
Uông Triều kể về những con phố lịch sử như Đê La Thành, Hàng Đào, Hàng Ngang… không diêm dúa, đẽo gọt mà được mô tả và cung cấp thông tin vừa đủ để độc giả hình dung được khung cảnh, nhân vật cùng sự kiện đôi khi đã mờ khuất trong xa vắng. Cung đường Hồ Tây mênh mang, thơ mộng cất giấu kỷ niệm của bao người. Cầu Long Biên “là con đường đi lại mưu sinh của nhiều người lao động” và chỉ cần “nhìn hướng di chuyển của dòng người là biết bên nào là trung tâm thành phố”. Trên những ngõ những phố ấy còn gắn bó quán xá với những bún phở, bún ốc, bún cá, bánh rán, miến trộn, v.v Những thức quà thơm thảo do Hà Nội khai sinh hoặc được nhập khẩu từ tỉnh thành lân cận thì rồi cũng trở thành văn hóa ẩm thực níu chân cư dân Thủ đô. Phải vào những ngày Tết cổ truyền, phố vắng người thưa, hàng quán đóng cửa mới nhơ nhớ cảnh chen chúc cạnh nhau húp xì xụp thức quà xế chiều.
Đọc Hà Nội, Quán Xá Phố Phường xong có lẽ chẳng cần hỏi “hôm nay ăn gì”, hay đơn giản có đủ ý tưởng cho các buổi hẹn hò. Và rồi khi đã lê la hết quán xá phố phường ấy, mà gặm nhấm thêm Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn thì đúng là đủ đầy gia vị cho sự thấu hiểu.
Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn là cuốn bút ký của tác giả Hồng Phúc, cũng là sự chuyển dịch tình cảm tương đồng với dịch chuyển nơi sống của chị. Lập nghiệp và định cư ở Sài Gòn, tác giả đã dành yêu thương cho mảnh đất nắng gió, sôi động này, nhưng trong tâm khảm vẫn luôn khắc khoải nhớ thương về một Hà Nội gọi là Nhà, là nơi chôn nhau cắt rốn. Kể về Sài Gòn bằng giọng hòa sảng, dí dỏm bao nhiêu thì những dòng viết về húng hành làng Láng, ga Hàng Cỏ hay đồng hồ Bưu điện Thành phố lại đầy trăn trở bấy nhiêu. Dẫu viết về hai miền đất thì tựu trung lại luôn là một tình yêu, mong bạn đọc hiểu hơn về những thay đổi của thời đại, về màu sắc của vùng miền, về những dịch chuyển trong văn hóa, xã hội của hai thành phố quan trọng nhất dải đất chữ S.
Hà Nội xưa dù có cũ kỹ bạc màu, ấu trĩ, gian khổ và Hà Nội nay dù có đổi thay đến chóng mặt thì vẫn luôn là “hồn” quê chẳng thể nào nguôi ngoai trong trái tim những người gắn bó với mảnh đất này. Bộ sách “Hà Nội Xưa Và Nay” sẽ mang đến cho bạn đủ đầy cung bậc cảm xúc, làm giàu thêm hiểu biết về thủ đô yêu dấu của người Việt.
Trạm đọc