Không phải cuộc đời nào cũng truyền cảm hứng tạo nên một tác phẩm vĩ đại, nhưng chắc chắn những tác phẩm vĩ đại đều được truyền cảm hứng từ cuộc đời.
Hoài Thanh viết, “Văn chương là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng”. Nguyễn Minh Châu viết, “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Những nhân vật trong văn chương đều lấy chất liệu từ con người thực tế, và hiển nhiên một nhà văn nặng lòng với thế sự như Ma Văn Kháng cũng không thể đứng ngoài quy luật này.
Là một trong những tác giả tiên phong cho công cuộc đổi mới văn học, khi mà con người được bứt khỏi những xiềng xích, giáo điều để được tự thân đứng như những cá nhân phức tạp, những nhân vật trong văn của Ma Văn Kháng trở nên thật hơn, người hơn. Những nhân vật này, lần đầu tiên được trả về theo đúng vai trò của nó là những “sinh vật xã hội”, mang trong mình nhiều mối quan hệ chồng chéo: với lịch sử, xã hội, với gia đình và với chính mình. Với sự khắc họa đa chiều như vậy, người đọc càng được nhìn sâu, hiểu sâu, dễ dàng liên hệ được những Lý, Tự hay Toàn với cuộc đời để đồng cảm, để thấm nhuần thông điệp mà nhà văn muốn truyền tải.
Bản thân nhà văn Ma Văn Kháng cũng đã chia sẻ, những nhân vật trong văn của ông được lấy cảm hứng từ chính những thành viên gia đình. Như trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn, nhân vật Đông “có nguyên mẫu từ ông anh vợ”; còn Lý thì là “hình tượng tổng hòa của các bà chị dâu” của nhà văn.
Thế nhưng, cái tài của nhà văn chính là nhìn ra cái nét điển hình của những con người trong xã hội, để bất kì người đọc nào cũng có thể thấy bóng dáng nhân vật đó trong các cá nhân xung quanh họ. Như Đông là con người thời chiến, có vẻ đẹp chất phác, giản dị của người chiến sĩ trận mạc, nhưng cũng có nhược điểm là suy nghĩ đơn giản, phó mặc, một di sản từ cơ chế bao cấp – chính là điển hình cho đa phần các ông chồng thời kì đầu những năm 80. Còn Lý, người phụ nữ đáo để, khéo việc nước, đảm việc nhà, nhưng dễ bị cuốn theo những giá trị vật chất, vì vật chất mà hất bỏ cả tình thân – lại chính là đại diện cho những người phụ nữ có xuất thân từ miền quê bước đầu đổi đời trên phố thị.
Thế giới nhân vật trong văn xuôi của Ma Văn Kháng tuy đông đảo qua lượng tác phẩm lớn, nhưng phân hóa rõ rệt, không phải theo giai cấp mà theo nhân cách cao-thấp. Những nhân vật trong tác phẩm của Ma Văn Kháng, hoặc sẽ là những tri thức nhân văn, cao thượng, đầy những trăn trở cuộc đời như Tự của Đám cưới không có giấy giá thú hay Luận của Mùa lá rụng trong vườn – hoặc sẽ là những kẻ ngu hèn, xảo quyệt, làm nô lệ cho vật chất như tên Quỳnh, tên Cẩn.
Và cũng như cuộc đời vạn biến, trong văn của Ma Văn Kháng cũng có những nhân vật chập chờn giữa những ranh giới thiện ác, chính tà như Lý, như Thuật, như Xuyến. Họ vốn bản chất là những con người hiền lương, nhưng lại để xã hội méo mó cuốn đi mà thay tính đổi nết. Trước những nhân vật như thế, Ma Văn Kháng không bao giờ chối gạt, lên án, mà vẫn luôn dành những trang văn để thể hiện niềm trân quý, yêu thương, gợi nhắc người đọc về con người quá khứ thuần phác ngày nào của họ. Cũng chính vì lẽ đó, ta mới càng thấy văn Ma Văn Kháng sát với cuộc đời: chẳng phải lúc nào con người cũng được quy định trắng đen, nhiệm vụ của ta là phải luôn cố gắng tìm ra điểm sáng và khơi lên nó – như cách phát triển của nhân vật Đông, nhân vật Lý.
Bản thân nhà văn Ma Văn Kháng đã từng chiêm nghiệm trong một tác phẩm rằng: “Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật.” Mỗi nhân vật trong các tác phẩm là một lần nhà văn đi “đãi vàng” trong bể cuộc đời, sao cho nhân vật vừa có nét điển hình tạo đồng cảm, vừa tự thân trở thành một cá tính riêng. Cảm nhận được chiều sâu tâm hồn trong các tác phẩm của ông, là một lần cảm nhận được chính tâm hồn của người tạo ra họ: một tâm hồn cao thượng, nhân văn, luôn nặng lòng với cuộc sống.
Trạm Đọc
Nhà văn Ma Văn Kháng sẽ góp mặt giao lưu với độc giả tại sự kiện “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”. Sự kiện là cơ hội để độc giả được trò chuyện với một trong những nhà văn thuộc thế hệ vàng của văn học Việt, nghe những câu chuyện “bếp núc” của nghề văn và cùng nhìn lại về quá khứ, hiện tại và cả tương lai của văn học Việt. Buổi giao lưu sẽ diễn ra vào 9h30 ngày 09/12/2017 tại trường Trung học Vinschool, Times City 458 Minh Khai, Hà Nội.
|