Hãy ngừng “khám phá bản thân”: Giáo sư Harvard tiết lộ những điều triết gia Trung Hoa dạy chúng ta về một cuộc sống tốt đẹp.
Ngày nay, không khó để quan sát dòng chảy của suy nghĩ trong “thế giới phẳng” này. Hãy thử xem xét một lời khuyên thường được nhắc đến có tên là “khám phá bản thân”. Thử gõ cụm từ này lên Google Search: chỉ trong vòng 0.58 giây, Google cho ra 665 nghìn kết quả. Kết quả tìm kiếm cho thấy xu hướng được coi là rất cần thiết này cũng đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam. Khám phá bản thân, yêu thương bản thân, và chấp nhận chính mình như hiện hữu – những lời khuyên này dường như đã trở thành những chỉ dẫn phù hợp với cuộc sống đương đại.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu cuối cùng chúng ta nhận ra mình đầy mâu thuẫn với bao hành vi khuôn mẫu? Dựa trên nền tảng triết học Á Đông, Michael Puett – Giáo sư Lịch sử Trung Quốc và Nhân học tại Đại học Harvard, đã đưa ra một giải pháp rất khác nhưng hữu ích cho cuộc sống đương đại của chúng ta trong một cuốn sách đồng tác giả với Christine Gross-Loh, có tựa đề The Path: What Chinese Philosophers Can Teach Us About the Good Life (Đạo: Những điều các triết gia Trung Hoa có thể dạy ta về cuộc sống tốt đẹp (Simon & Schuster, 2017).
Đứng thứ ba trong số các lớp học nổi tiếng nhất tại Đại học Harvard (chỉ xếp sau “Các nguyên lý kinh tế học” và “Nhập môn Khoa học Máy tính”), lớp “Các lý thuyết chính trị và đạo đức của Trung Hoa cổ điển” của Giáo sư Michael Puett có lúc đã thu hút tới hơn 700 sinh viên đăng ký theo học trong một khoá và đã giúp thay đổi cuộc sống của nhiều người trong số họ theo hướng tích cực hơn. Tương tự, cuốn sách The Path của ông lọt vào danh sách các sách bán chạy nhất của New York Times, đã được 25 quốc gia mua, trong đó có cả Trung Quốc (nơi sách được xuất bản năm 2016).
Đối với Giáo sư Puett, một trong những bài học rút ra từ các triết gia Trung Quốc là, “Đừng tìm kiếm bạn là ai, chứ chưa nói đến việc nắm lấy những gì bạn tìm thấy. Thay vì lựa chọn cách chấp nhận bản thân, hãy chọn cách tu dưỡng mình. Thay vì chấp nhận chính mình, hãy vượt qua chính mình. Đó không chỉ là cách bạn trở thành một người trưởng thành vững vàng. Đó còn là cách tốt nhất để tạo ra một thế giới thịnh vượng.” (The Path).
Cuốn sách của Puett xem xét lại vấn đề “khám phá bản thân” dưới ánh sáng của triết học Trung Quốc. Vì cái gọi là “bản ngã” mà chúng ta tìm thấy vào một thời điểm nhất định thực chất chỉ là một thực thể tạm thời đang tồn tại trong một tình huống cụ thể, cho nên nó sẽ không bao giờ là “cái tôi đích thực” mà chúng ta đang tìm kiếm.
Con người thật đó của chúng ta, nếu có, nên được hiểu theo một cách khác: nó không bao giờ cố định, nguyên vẹn, bất biến, mà ngược lại, luôn luôn thay đổi, thích ứng và hoàn thiện hơn qua nhiều hoàn cảnh thử thách khác nhau của cuộc sống, tuỳ thuộc vào việc chúng ta có cởi mở trước những thay đổi hay không.
Dồn hết vào quá trình định nghĩa bản thân như thế, chúng ta rơi vào nguy cơ xác lập tương lai của mình theo cách hiểu rất hẹp về con người chúng ta – những gì mà chúng ta xem là điểm yếu, điểm mạnh, những điều ta thích và không thích.
Nhà tư tưởng Trung Hoa có thể chỉ ra rằng, khi làm thế, ta đang chỉ nhìn thấy một phần rất nhỏ ở con người mà ta có khả năng chuyển hoá thành. Chúng ta đang dựa vào một vài thiên hướng cảm xúc của mình trong một không gian và thời gian nhất định và để chúng mãi xác định con người chúng ta. Bằng cách nghĩ về bản chất con người là bất biến, chúng ta đã tự giới hạn tiềm năng của mình. (The Path).
Nhanh chóng tin vào những gì chúng ta cho rằng là “bản ngã đích thực” của mình, chúng ta sẽ không chỉ giới hạn những tiềm năng mà còn đánh mất đi năng lực tự thích ứng và tự hoàn thiện trong những thời điểm khó khăn của cuộc sống.
Chúng ta nên luôn luôn trông đợi sẽ chứng kiến những điều bất ngờ và học cách ứng phó với bất kỳ điều gì xảy đến. Nếu chúng ta có thể làm như vậy thì ngay cả khi bi kịch xảy ra, chúng ta có thể bắt đầu chấp nhận rằng cuộc sống là không thể đoán trước và càng không thể xác định một cách hoàn hảo (…) Nếu thế giới của chúng ta cứ liên tục đổi thay và không thể đoán trước thì điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là không ngừng hoàn thiện mình.
Chúng ta có thể đi vào giải quyết từng tình huống để trở thành con người tốt nhất khả dĩ, không phải vì những gì chúng ta sẽ có được từ nó, mà đơn thuần là để tác động đến những người quanh ta theo cách tốt hơn. Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể trau dồi những mặt tốt hơn của mình và đối mặt với thế giới không thể đoán trước này, thay đổi nó trên mỗi bước đường mình đi. (The Path)
Tuy nhiên, việc tự tu dưỡng và thay đổi bản thân nên được thực hành không chỉ trong những thời điểm khó khăn mà còn trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống hàng ngày nơi mọi hành động dù nhỏ cũng sẽ giúp chúng ta dần hoàn thiện tính cách.
Chúng ta thường có khuynh hướng tin rằng để thay đổi thế giới, mình cần phải nghĩ lớn. Khổng Tử không bác bỏ điều này nhưng ông cũng nói rằng: Đừng bỏ qua những điều nhỏ. Đừng bỏ qua những thứ như các câu nói “làm ơn” và “cảm ơn”. Sự thay đổi sẽ không xảy ra cho đến khi mọi người điều chỉnh hành vi của mình, và họ sẽ không điều chỉnh đ̣ược hành vi trừ khi họ bắt đầu với những điều nhỏ. (The Path).
Lẽ đương nhiên, The Path chỉ là một cách đọc triết học cổ điển Trung Hoa trong bối cảnh đương đại. Nó cho chúng ta thấy những triết thuyết được viết ra cách đây hàng ngàn năm có liên quan như thế nào đến cuộc sống hiện đại ngày nay.
Nếu chúng ta tin rằng toàn bộ hành trình của đời người là một quá trình học hỏi lâu dài để trở thành con người đích thực thì cuốn sách của Puett chính là một tác phẩm xuất sắc trong việc chỉ ra làm thế nào chúng ta có thể thực hiện quá trình đó.
Trong chuyến thăm và làm việc với Đại học Fulbright Việt Nam từ ngày 7 đến 11 tháng Một, năm 2019, Giáo sư Michael Puett sẽ dành một buổi nói chuyện với công chúng về chủ đề “Triết học luân lý nhìn từ góc độ toàn cầu”.
Trong buổi nói chuyện này, ông sẽ chỉ ra cho chúng ta thấy những tư tưởng triết học cổ điển Á Đông nên được đọc, hiểu và thực hành như thế nào để giúp con người đương đại thay đổi bản thân và phát triển hài hoà với cộng đồng, xã hội và thế giới.
Đây sẽ là cơ hội đầy ý nghĩa để chúng ta tìm hiểu nhiều hơn về sách The Path, về luân lý học với tư cách một nhánh tri thức quan trọng dưới ánh sáng của các quan điểm thế giới đương đại nói chung, cũng như với tư cách môn học nền tảng bắt buộc trong giáo dục khai phóng nói riêng.
GS.TS Nguyễn Nam (Giảng viên sáng lập Đại học Fulbright)