“Cô ấy chỉ là một cô gái miền Đông Luân Đôn trong chiếc váy lộng lẫy. Cho đến khi cô tin vào chính mình, thì chuyện cô mặc chiếc váy nào cũng không còn quan trọng nữa.”
Bạn đã bao giờ thử tưởng tượng, mọi thứ sẽ ra sao nếu lần đầu tiên bạn bước chân vào lớp học không phải là khi bạn 6 tuổi, mà là 17?
Điều này nghe có vẻ thật khó tin và dị thường, nhưng đó lại là một câu chuyện có thật của Tara Westover được thuật lại đầy sinh động trong cuốn hồi ký của cô – Educated (Hiện đã có bản dịch tiếng Việt của cuốn sách với tựa đề Được Học do NXB Phụ Nữ Việt Nam phát hành).
Câu chuyện bắt đầu ở miền Tây nước Mỹ, bang Idaho, bên ngọn núi Buck, nơi chiếc xe bus học sinh không dừng bánh khi đi ngang ngôi nhà của gia đình Westover. Tara, người con út trong gia đình 7 anh chị em, không được đến trường và thậm chí không có giấy khai sinh, tức là về mặt pháp lý, Tara không hề tồn tại.
Điều này xảy ra sở dĩ cha cô là một người cuồng tín theo Mormon giáo. Ông đã từ bỏ mọi tiện ích công cộng như điện, y tế và giáo dục công, đồng thời tách biệt khỏi tất cả những gì liên quan đến chính phủ và sống một cuộc sống tự cung tự cấp. Cha của Tara là một người đàn ông hà khắc, tính khí thất thường và áp đặt rất nhiều điều lệ, quan điểm sống của mình lên toàn bộ gia đình; theo ông, giáo dục công chỉ là một âm mưu “tẩy não” người dân của chính phủ.
Vì vậy, Tara đã không được đến trường từ nhỏ như những người khác. Thay vì vui chơi và học tập, cô phải dành thời gian làm những công việc hết sức nguy hiểm trên bãi phế liệu kim loại cùng bố hay đôi khi là pha chế thảo dược cùng mẹ. Tuy nhiên, may mắn thay, cô cũng được mẹ mình giáo dục tại nhà để học cách đọc và thực hiện các phép tính đơn giản. Không sách giáo khoa hay tiểu thuyết, cuốn sách cô được đọc chỉ là Kinh Thánh.
Sau khi chứng kiến một người anh ham học của mình – Tyler, dũng cảm rời khỏi nhà và theo đuổi con đường giáo dục, Tara đã được truyền cảm hứng và nhận được sự khích lệ để nối gót người anh trai của mình.
“Ngoài kia có cả một thế giới, Tara à.” Tyler
(Bản gốc: “There’s a world out there, Tara.”)
Tara đã tự tìm tòi và ôn thi để đậu vào BYU (Brigham Young University) với tư cách một sinh viên không có bằng tốt nghiệp cấp 3. Đó là năm cô 17 tuổi, khi Tara lần đầu tiên được bước chân vào một lớp học.
Mọi thứ ban đầu không hề lý tưởng, Tara giống như một chú cá mắc cạn, hay nói chính xác hơn, có lẽ cô giống như Tarzan vừa rời khỏi thế giới rừng già và du nhập vào cuộc sống của loài người. “Michelangelo, Holocaust, Thời Kỳ Khai sáng Scotland,…” chắc hẳn là những từ ngữ, cái tên quen thuộc với nhiều người, nhưng với Tara, chúng chỉ giống như “những lỗ đen trên trang giấy”. Sau 17 năm đầu đời không được đến trường, Tara trở nên tụt hậu, mất thăng bằng vì bị mất đi một lỗ hổng kiến thức vô cùng lớn về nền văn minh nhân loại, theo cả góc độ vi mô lẫn vĩ mô. Chúng ta không biết những gì mình không biết. Đôi khi Tara không thể phân biệt được điều gì là đúng, điều gì là sai, cô chỉ hành xử theo bản năng của mình. Tara giống như một người đến từ “thế giới khác”, vì vậy mà cô khó có thể hòa nhập với mọi người trong cuộc sống thường ngày bởi cách cô nói chuyện, hành xử và sinh hoạt đều có sự khác biệt rất lớn. Ngay cả việc “rửa tay sau khi đi vệ sinh” với Tara cũng từng là một vấn đề gây ra mâu thuẫn, cô đã không được dạy điều đó và cũng không cảm thấy cần thiết phải làm vậy.
Sau những lần bị mọi người xa lánh, sau nhiều đêm thức trắng và nhịn ăn, những phút giây suy sụp tinh thần và cả những thất bại, cô dần gặt hái được những thành quả của việc học. Và cũng phải mất một thời gian dài cùng không ít nỗ lực, dần dần, Tara mới có thể học cách tìm kiếm và đón nhận sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Bởi lẽ, việc thiếu đi nền tảng giáo dục cơ bản khiến cô luôn cảm thấy tự ti và xấu hổ về bản thân mình.
Hành trình đến với giáo dục của cô luôn đầy rẫy những khó khăn: thiếu thốn về mặt tài chính, không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ, một tâm hồn tổn thương vì những tháng ngày chịu đựng sự bạo hành của người anh trai Shawn. Khi Tara càng tiến xa trên con đường học vấn, gia đình cô càng lùi lại phía sau. Cô học được cách kiến tạo nên con người mình và đau đớn nhận ra bản thân cũng đang dần “trật” ra khỏi bức tranh về thế giới bên ngọn núi Buck mà bố mẹ đã vẽ nên cho cô trong suốt thời thơ ấu. Hướng đến một thế giới lý trí, rộng lớn với giáo dục làm đòn bẩy, hay mãi mãi mắc kẹt trong vòng tròn được thêu dệt bằng những giáo điều và niềm tin mù quáng? Chúng ta ắt hẳn đều lựa chọn điều đầu tiên, Tara cũng vậy, nhưng với Tara, để theo đuổi điều đó, cô đã phải trả giá bằng tình cảm gia đình của mình.
“Từ tất cả những gì tôi từng cố gắng phấn đấu cho việc học trong suốt những năm qua, tôi đã giành lấy cho mình một đặc quyền rằng: tôi được chứng nghiệm nhiều hơn những chân lý mà bố tôi đã trao cho tôi, cũng như dùng những chân lý ấy để xây dựng nên thế giới quan của riêng mình. Tôi tin rằng khả năng đánh giá những ý tưởng, những câu chuyện lịch sử, hay những quan điểm khác nhau là điều cốt lõi của việc tự kiến tạo bản thân. Nếu tôi đầu hàng ngay bây giờ, tôi sẽ không chỉ mất vị thế của mình trong cuộc chiến này. Tôi sẽ còn mất đi quyền kiểm soát ý chí của chính mình. Đây là cái giá mà tôi phải trả, giờ thì tôi đã hiểu rồi. Thứ mà bố muốn tước đoạt khỏi tôi không phải là một loại quỷ dữ: mà là chính con người tôi.”
(Bản gốc: “Everything I had worked for, all my years of study, had been to purchase for myself this one priviledge: to see and experience more truths than those given to me by my father, and to use those truths to construct my own mind. I had come to believe that the ability to evaluate many ideas, many histories, many points of view, was at the heart of what it means to self-create. If I yielded now, I would lose more than an argument. I would lose custody of my own mind. This was the price I was being asked to pay, I understood that now. What my father wanted to cast from wasn’t a demon: it was me.”)
Sau 10 năm dấn thân vào chặng đường giáo dục, Tara đã theo học tại Oxford và Cambridge, cuối cùng cô đã nhận được bằng Tiến sĩ, dù không hề có bằng tốt nghiệp trung học. Trong 7 anh chị em, Tara, Tyler và Richard lựa chọn bỏ lại ngọn núi Buck phía sau đều thành công trên con đường học vấn và nhận được bằng Tiến sĩ; trong khi 4 người còn lại ở lại và không có bằng tốt nghiệp trung học. Hãy nhìn vào sự cách biệt ấy và bạn có thể nhận ra giáo dục có thể đưa ta đi xa đến nhường nào.
Và Tara đã đi quá xa để có thể trở về với gia đình. Từ những trải nghiệm và thành tựu của mình, với Tara, chắn giáo dục đã khẳng định được giá trị của nó. Nhưng trong trái tim cô vẫn âm ỉ những nỗi đau và nỗi nhớ nhà da diết: Là Tara đã bỏ lại gia đình, hay gia đình đã khước từ cô? Hành trình của cô là sự thay đổi ngoạn mục hay chỉ là sự phản bội đơn thuần?
“Bạn có thể yêu thương ai đó nhưng vẫn lựa chọn sự chia ly. Bạn có thể nhớ ai đó mỗi ngày nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì họ đã không còn hiện diện trong đời bạn.” – Tara Westover
(Bản gốc: You can love someone and still choose to say goodbye. You can miss a person everyday and still be glad that they are no longer in your life – Tara Westover)
Hành trình học vấn phi thường của Tara Westover là một minh chứng cho giá trị của giáo dục, dù đôi khi phải trả giá đắt, nhưng ta sẽ trưởng thành và không bao giờ còn như xưa. Chỉ có giáo dục mới có thể giúp ta khẳng định bản thân và kiến tạo nên thế giới của riêng mình. Educated – cuốn hồi ký xuất sắc nhất 2018 sẽ là một nguồn cảm hứng to lớn với những người đang theo đuổi con đường học vấn; đồng thời, cuốn sách cũng là một lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy trân trọng giá trị của giáo dục và cơ hội mà ta đang nắm giữ. Bởi giáo dục sẽ khiến cuộc đời ta thay đổi mãi mãi.
Tôi sinh ra trong một gia đình không có truyền thống hiếu học và cũng không có nhiều cơ hội để tiếp cận một nền giáo dục tử tế. Tôi còn nhớ, ngày bé, trước khi vào học lớp 1, ông bà, cha mẹ đã luôn dặn dò tôi rằng: “Ráng học giỏi vào nha con”. Tôi vẫn luôn cố gắng hết mình trên con đường học vấn, và ở giai đoạn chông chênh của tuổi trẻ, không ít lần cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng, ngọn đuốc còn lại duy nhất của tôi là “học tập”. Thật khó để khẳng định nó sẽ dẫn tôi đi về đâu, nhưng trực giác mách bảo tôi rằng đó nhất định sẽ là một nơi tươi sáng. Khi tôi nhắm mắt lại và chợt nghĩ: nếu bây giờ tôi ngừng học, từ bỏ giáo dục, tôi không nghĩ tôi còn nhìn thấy tương lai của mình nữa.
Trịnh Tố Uyên
Ảnh minh họa: Jeannie Phan
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Tại sao các nhà sử học lại thích “lật ngược” lịch sử?
Các ngôi sao không sáng mãi, chúng đã được sinh ra và chết đi như thế nào?
Beethoven: Con người và Nghệ sĩ, thể hiện qua ngôn từ của chính ông