Nếu từng có lúc cảm thấy như thể cả cuộc sống riêng tư lẫn thế giới rộng lớn hơn ngoài kia đều đang quay cuồng vượt ngoài vòng kiểm soát, hẳn bạn sẽ cần đến “Nghệ thuật sống vững vàng” – Daniel H.Pink
Cuộc sống tất bật ngày nay thật dễ khiến người ta sợ cảm giác bị bỏ lại phía sau. Để bắt kịp bạn bè hay đồng nghiệp, nhiều người chọn cách quay cuồng trong công việc, ráo riết theo đuổi mục tiêu này tới thành tựu khác, để rồi vào những phút giây hiếm hoi khi guồng quay đó dừng lại, họ lại rơi vào cảm giác mông lung vô định, không biết phải đi đâu về đâu.
Brad Stulberg – một chuyên gia nổi tiếng thế giới về hiệu quả làm việc, hạnh phúc và thành công bền vững – đã mô tả đây là trạng thái “rơi vào vùng trống rỗng”, tình trạng thường gặp ở thế kỷ 21 xuất hiện ở bất cứ ai. Khi gặp phải tình trạng này, chúng ta dễ nảy sinh tâm lý hoảng sợ khi không có “công việc tiếp theo” trong lịch trình, cảm thấy mình đang ở trong trạng thái rệu rã, thiếu sức sống. Chúng ta mất nhiều thời gian để nhìn lại quá khứ, suy tính tương lai, nghi ngờ các quyết định của bản thân…
Trong tác phẩm “Nghệ thuật sống vững vàng”, Stulberg gọi đây là “chủ nghĩa cá nhân anh hùng” – một trò chơi giành vị thế không hồi kết, không mang lại lợi ích gì cho chính bạn lẫn những người xung quanh và thường đi đôi với niềm tin hạn hẹp rằng các thành tựu đo lường được là thước đo duy nhất của thành công.
Nếu bạn luôn thấy cuộc sống của mình quay cuồng, liên tục bị cuốn vào hết việc này đến việc khác; cảm thấy mình quá bận rộn, nhưng khi có thời gian rảnh thì lại đứng ngồi không yên; thường xuyên thấy có điều gì đó không ổn nhưng lại không chắc điều đó là gì, và cũng không biết phải làm gì với nó; có đôi lúc lại sinh cảm giác cô đơn hoặc trống rỗng – thì đó là do chủ nghĩa cá nhân anh hùng đang ảnh hưởng tiêu cực đến bạn.
Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân anh hùng, để hướng đến một cuộc sống vững vàng, trọn vẹn hơn, tác phẩm “Nghệ thuật sống vững vàng” của Brad Stulberg sẽ là cuốn cẩm nang lôi cuốn cho bạn những lời khuyên thiết thực áp dụng ngay vào thực tiễn.
Điều ghi nhớ thứ nhất, tập đứng vững trước khi muốn vươn cao
“Sự vững vàng là sức mạnh nội tại kiên định và sự tự tin giúp bạn vượt qua mọi thăng trầm trong cuộc sống. Nó là cội nguồn của tính chính trực, sự ngoan cường và cảm giác trọn vẹn mà nhờ đó ta đạt được những thành tựu lâu bền, một cuộc sống an vui và viên mãn.”
Lão Tử – nhà hiền triết nổi tiếng của Đạo giáo từng dạy: Những ngọn gió trên thế gian này có khi êm ả, có lúc lại biến thành cuồng phong, nhưng nếu học được cách giữ tâm bất biến, ta có thể duy trì được thế cân bằng của bản thân giữa dòng đời vạn biến. Khi đã vững vàng, bạn sẽ không có nhu cầu nhìn lên hay nhìn xuống. Bạn ở đúng vị trí của mình và nắm giữ toàn bộ sức mạnh cũng như quyền hạn đích thực mà bạn có được từ vị trí đó. Chỉ khi vững vàng thì bạn mới có thể thật sự vươn cao, ít nhất là theo một cách bền vững.
Chính vì thế, trong “Nghệ thuật sống vững vàng”, tác giả Brad Stulberg đã xây dựng 6 nguyên tắc giúp chúng ta có thể đạt được thành công vững chắc. Giống như chùm rễ liên kết với nhau giữ cho cây tùng bách to cao trụ vững trên mặt đất, các nguyên tắc này sẽ luôn bổ trợ và song hành cùng nhau giúp dẫn lối chúng ta trên con đường tìm kiếm hạnh phúc.
Nguyên tắc 1: Chấp nhận vị trí hiện có để đến được vị trí mong muốn
Theo quan điểm của tác giả, chấp nhận ở đây không có nghĩa là buông xuôi, mà ngược lại, chấp nhận là xem trọng những gì ở ngay trước mắt để có thể đương đầu với nó một cách khôn khéo.
Hơn hai ngàn năm trước, vị hoàng đế La Mã theo chủ nghĩa khắc kỷ Marcus Aurelius đã viết trong nhật kí của mình:
Nếu bạn sử dụng tay chân của mình đúng với chức năng của chúng, việc cảm thấy bị đau tay, đau chân là hoàn toàn bình thường. Nếu người ta sống một cuộc sống bình thường của con người, việc cảm thấy căng thẳng là chuyện hết sức hiển nhiên. Epictetus, một nhà hiền triết cũng theo chủ nghĩa khắc kỷ từng cho lời khuyên: Khi ghét bỏ hoặc sợ hãi tình cảnh của mình, tình cảnh đó sẽ trở thành chủ nhân của chúng ta. Càng sợ hãi, phủ nhận hay chối bỏ vấn đề, nỗi đau và những tình huống khó khăn, bạn sẽ càng khổ sở.
Hãy bắt đầu từ nơi bạn đang hiện diện chứ không phải từ nơi bạn muốn đến, không phải từ nơi bạn cho rằng mình phải đến hay nơi mọi người kì vọng bạn sẽ đến. Hãy tập trung vào những thứ trong tầm kiểm soát, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mọi chuyện tốt hơn.
Nguyên tắc 2: Chú tâm vào hiện tại để làm chủ sự chú ý và năng lượng của bản thân
Bạn biết đấy! Việc từ bỏ một cuộc sống đầy những thứ phân tâm để bắt đầu sống trọn vẹn trong từng phút giây quả thật không dễ dàng. Tất cả những thông báo trên mạng xã hội, tin tức và vô số điều gây phân tâm đang nhan nhản trong xã hội ngày nay giống như kẹo ngọt. Chúng ta thèm ăn kẹo và kẹo cũng có vị thật ngon khi ta nhấm nháp chúng. Nhưng thực tế là chúng không cung cấp nhiều dưỡng chất gì cả mà ít ai cưỡng lại được.
Trong “Nghệ thuật sống vững vàng”, tác giả nhắc đến thiên anh hùng ca nổi tiếng Odyssey Homer, khi nhân vật chính Ulysses trong truyện rất muốn được nghe giọng hát của các mỹ nhân ngư, dù biết rõ điều đó sẽ khiến anh quên mất sứ mệnh của mình và dụ dỗ anh chuyển sang đầu quân cho kẻ thù. Để tránh khỏi điều này, Ulysses đã nhét sáp vào tai thủy thủ đoàn của mình để họ không thể nghe thấy tiếng hát, sau đó anh chỉ đạo họ trói mình vào cột buồm và không được thả ra trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thế là Ulysses đã có thể được nghe khúc hát của mỹ nhân ngư mà không bị biến thành nô lệ của nó.
Câu chuyện trên dạy chúng ta một bài học quý giá – khi đối mặt với những cám dỗ lớn lao, chỉ có ý chí mạnh mẽ thôi thì gần như không bao giờ đủ. Từ đó, Brad Stulberg đã đưa ra giải pháp để giúp chúng ta “đánh bại” những cám dỗ gây xao nhãng bằng 2 bước đơn giản nhưng hiệu quả: xác định khoảng thời gian bạn muốn toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc và chủ động loại bỏ tất cả yếu tố gây phân tâm trước khi thời điểm đó tới.
Nguyên tắc 3: Kiên nhẫn để đến đích nhanh hơn
Để giúp bạn đọc mường tượng rõ hơn về quá trình xây dựng lối sống hài hoà, tác giả luôn đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục thông qua quá trình đúc kết bài học hay từ nhiều công trình nghiên cứu khoa học hiện đại, các hệ tư tưởng của người xưa như Đạo giáo, Phật giáo, chủ nghĩa khắc kỷ… cùng kinh nghiệm của những nhân vật có tiếng – biết cách xây dựng một cuộc sống thành công.
Ở cuốn sách của mình, Brad Stulberg có nhắc đến Lão Tử – người sáng lập ra Đạo gia – người có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của triết học Trung Quốc. Tác phẩm để đời “Đạo đức kinh” của Lão Tử luôn hướng chúng ta đến những hành động được thực hiện một cách chậm rãi, ổn định và hài hòa. Ông khuyên chúng ta lưu ý đến dòng chảy của cuộc sống, phải kiên nhẫn và kiên định tiến lên từng bước vừa sức, thay vì nỗ lực một cách liều lĩnh để rồi thất bại. Lão Tử viết: “Bậc tình anh hoàn thành việc lớn bằng một chuỗi những hành động nhỏ”. Có thể hiểu là thay vì tập trung vào những thành tích vĩ đại khi theo đuổi những mục tiêu lớn, bạn hãy chia nhỏ chúng ra rồi tập trung vào từng phần một, kiên nhẫn phấn đấu, bạn sẽ đạt được kết quả tốt nhất.
Sự kiên nhẫn giúp trung hòa khuynh hướng vội vã, gấp gáp và cường điệu hoá những tình huống khẩn cấp của chúng ta, từ đó mang lại cho ta những lợi thế tốt hơn về lâu về dài, đạt được trạng thái ổn định, sức mạnh và sự tiến bộ bền vững.
Nguyên tắc 4: Chấp nhận tính dễ tổn thương để phát triển sức mạnh và sự tự tin đích thực
Có thể bạn đã quên, từ khi mới chào đời, chúng ta đã có khả năng bày tỏ cảm xúc và chia sẻ điểm yếu của bản thân một cách tự nhiên. Chỉ trong vòng một giờ sau khi ra đời, trẻ nhỏ đã biết cử động đầu mình để giao tiếp bằng mắt với mẹ. Vào ngày thứ hai hoặc thứ ba, bé sẽ bắt đầu đáp lại giọng nói của mẹ. Khi là những đứa trẻ sơ sinh yếu ớt, đây là cách loài người chúng ta bộc lộ tính dễ bị tổn thương và tạo dựng sự gắn kết với người chăm sóc mình. Đó là bản năng sinh tồn của loài người.
Vậy mà khi trưởng thành, ta lại có xu hướng giữ kín bản thân và tự trách mình vì thua kém so với người khác. Điều này không hợp lý chút nào. Chúng ta cần nhớ rằng, những điểm yếu, thất bại của chúng ta là bước đệm để học hỏi, phát triển và trưởng thành. Hãy thử nhìn nhận điểm yếu của mình như những vết nứt, bạn sẽ lấp đầy những khe nứt bằng cách đối mặt và bộc lộ chúng vào những thời điểm thích hợp. Bạn càng thoải mái thừa nhận điểm yếu của mình, càng cởi mở với nó, càng chia sẻ nhiều về nó, bạn càng trở nên vững vàng và đáng tin cậy.
Nguyên tắc 5: Xây dựng tính cộng đồng sâu sắc
Mỗi người chúng ta đều giống như đợt sóng trên mặt nước, lặng lẽ nhấp nhô và di chuyển theo thủy triều. Thế nhưng, đôi khi chúng ta lại dễ đắm chìm trong trải nghiệm của một con sóng nhỏ, chỉ tập trung vào cách mình dâng cao, nhấp nhô và hạ thấp. Chúng ta quên đi nguồn gốc của mình, không ghi nhớ được những con sóng đã đến từ đâu và sẽ đi về đâu. Chúng ta quên đi bản chất của sóng – nước, và cố chấp bám vào sự tối ưu hóa, năng suất và hiệu quả, khiến cho chúng ta dần chìm vào cảm giác cô đơn, trống rỗng. Tuy nhiên, để trụ vững trên mặt nước, chúng ta cần phải nhớ rằng không có nước thì không còn sóng. Chính những mối quan hệ xã hội và cảm giác thuộc về một nơi nào đó – tức tính cộng đồng sâu sắc – có tác động sâu sắc đến mọi thứ, từ sức khỏe thể chất và tinh thần, cho đến cảm giác thỏa mãn và thành công trong cuộc sống. Chúng ta tiến hóa để hòa nhập với cộng đồng, và chính cộng đồng sẽ là nơi ôm giữ chúng ta mỗi khi chúng ta “dâng lên” và “hạ xuống”. Khi xem nhẹ điểm tựa này, chúng ta sẽ phải trả giá đắt.
Nguyên tắc 6: Vận động cơ thể để tâm trí vững vàng
Trong một nghiên cứu được đăng trên tờ International Journal of Behavioral Nutrition and Physical Activity vào 2016, các nhà nghiên cứu đã tiến hành tìm hiểu tác động của một số hình thức vận động đối với nhân viên văn phòng. Kết quả thu được cho rằng: trong một chuyến đi bộ ba mươi phút, hoặc sáu lần đi bộ ngắn năm phút, các đối tượng tham gia nghiên cứu đều khẳng định khi vận động cơ thể, họ có tâm trạng vui vẻ hơn, cảm thấy dồi dào năng lượng hơn và đạt được các chỉ số sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên vẫn có một chút khác biệt, giữa hai điều kiện vận động. Khi thực hiện chuyến đi bộ ngắn sau mỗi giờ làm việc, họ cho biết nhìn chung cảm thấy thoải mái hơn, tràn đầy năng lượng hơn và duy trì được thái độ lạc quan trong suốt cả ngày; trong khi đó, khi đi bộ một lúc ba mươi phút trước giờ làm việc, họ cho biết mức năng lượng của mình sẽ giảm đi sớm hơn.
Từ đây, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng dù mọi hình thức vận động đều tốt, nhưng chia nhỏ giờ tập luyện ra vẫn là điều kiện vận động tối ưu đối với hiệu quả làm việc và sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Và lời khuyên từ tác giả Brad Stulberg cho những nhà sáng tạo, học giả hay nhân viên văn phòng là hãy tập trung làm việc trong một khoảng thời gian rồi nghỉ giải lao một khoảng ngắn, tận dụng thời gian nghỉ này để vận động cơ thể, thanh lọc tâm trí và sau đó bắt đầu một chu kỳ làm việc mới. Bằng cách này, bạn không chỉ khai thác được tối đa tiềm năng thể chất mà còn cả tiềm năng trí tuệ của mình.
Điều ghi nhớ thứ 2, từ nguyên tắc để đạt được thành công vững chắc đến sống cuộc đời vững vàng
Trong sự nghiệp tư vấn và đào tạo của mình, Brad Stulberg đã làm việc với nhiều giám đốc điều hành cũng như các doanh nhân về cách cải thiện hiệu quả công việc và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Anh được đánh giá là bậc thầy trong việc biến các dữ liệu khô khan thành những chiến lược khả thi. Điều đó được thể hiện qua những chương cuối của cuốn sách, tác giả luôn cố gắng đưa ra những chuỗi lời khuyên thiết thực, dễ hiểu giúp chúng ta thay đổi tính trì trệ vốn đã ăn sâu vào thói quen và nếp sống hàng ngày.
Có thể bạn đã từng nghe qua thông tin rằng chúng ta sẽ cần 21 ngày để hình thành một thói quen mới. Tuy nhiên, không hẳn là như vậy! Nghiên cứu đăng trên tờ European Journal of Social Psychology vào 2009 của các nhà nghiên cứu trường Đại học London đã theo dõi quá trình 96 người cố gắng hình thành thói quen mới, cho thấy trung bình các đối tượng cần khoảng 66 ngày để hình thành thói quen mới. Nhưng nếu xét từng cá nhân thì mức độ chênh lệch khá lớn. Một số người chỉ cần 18 ngày, trong khi vài người khác mất đến hơn 200 ngày. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định việc rèn luyện thói quen mới mà chỉ dựa vào sức mạnh ý chí sẽ làm giảm sút cả thành tích lẫn sức bền.
Tác giả “Nghệ thuật sống vững vàng” cho rằng, khi muốn thay đổi một thói quen, bạn nên giảm thiểu nhu cầu sử dụng sức mạnh ý chí, hoặc tốt hơn nữa là xoá bỏ hoàn toàn nhu cầu ấy. Phương pháp này vận hành như sau:
Hãy suy ngẫm về những hành vi mà bạn muốn (hoặc không muốn) duy trì. Sau đó tự mình kiến tạo nên những điều thuận lợi để thực hiện (hoặc loại bỏ) những hành vi đó. Hãy xác định những trở ngại đang cản đường bạn – và làm mọi việc trong khả năng để loại bỏ những trở ngại ấy. Hãy nghĩ thế này: Bất luận bạn có muốn chuyển sang ăn thức ăn lành mạnh và giàu dinh dưỡng nhiều đến mức nào, nếu cứ liên tục vào cửa hàng kẹo, bạn vẫn sẽ ăn rất nhiều kẹo. Bạn cần phải bước ra khỏi cửa hàng kẹo trước đã.
Có thể thấy, dưới ngòi bút của một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bản thân, cùng cách hành văn nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu, kết hợp nhiều ví dụ có tính ứng dụng cao, “Nghệ thuật sống vững vàng” sẽ cho bạn một góc nhìn mới về cách bạn muốn sống cuộc đời mình, đồng thời đưa ra những bài tập thực hành hiệu quả để mang đến cuộc sống trọn vẹn.
Công trình của nhà nghiên cứu BJ Fogg đến từ Đại học Stanford đã chứng minh rằng những thói quen đưa đến thành công sẽ có ba đặc điểm: chúng có tác động đến bạn, bạn có kỹ năng và khả năng thực hiện chúng, và chúng là những hành động mà bạn thật sự muốn làm. Đặc điểm cuối cùng này đặc biệt quan trọng. Nếu bạn nhận thấy bản thân có những suy nghĩ như có lẽ mình nên làm chuyện này hay chuyện kia, vậy thì những thay đổi đó có thể sẽ gặp phải rất nhiều lực cản. Tốt nhất, hãy bắt đầu với những thay đổi mà bạn thật sự muốn thực hiện, thậm chí dù đó chưa phải là những hành vi tối ưu. Hãy luôn nhớ: Khởi đầu vừa sức, đơn giản hóa mọi việc và kiên trì đến khi làm thật thành thạo.
Quá trình tiếp thu và thực hành các nguyên tắc để sống vững vàng thật ra chỉ có vậy: chúng ta làm những việc trong khả năng để kiến tạo một cuộc đời mà ta có thể sống trọn vẹn và ý nghĩa.
Khép lại quyển sách này, hy vọng bạn sẽ chọn cho mình những nguyên tắc sống vững vàng thay cho chủ nghĩa cá nhân anh hùng, bao gồm thái độ chấp nhận thay vì chìm trong những ảo tưởng và suy nghĩ hão huyền; khả năng hiện diện trọn vẹn trong từng phút giây thay vì bị phân tâm; chọn kiên nhẫn thay vì hối hả; chọn chấp nhận những điểm yếu thay vì mong muốn trở nên bất bại; chọn sự gắn kết cộng đồng hơn là sự tách biệt; và chọn vận động thể chất chứ không ngồi yên một chỗ. Bạn đã sẵn sàng thử chưa?