“Nếu không đi theo một ai đó, bạn cảm thấy rất cô đơn phải không. Vậy cứ hãy cô đơn đi”.
Jiddu Krishnamurti là một nhà tư tưởng tâm linh và triết học hàng đầu thế giới mà những ý tưởng của ông tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay. Cuốn sách “Tự do vượt trên sự hiểu biết” là một trong những tác phẩm dễ tiếp cận nhất trong hệ thống tư tưởng đồ sộ và sâu sắc của ông.
Trong tác phẩm này, Krishnamurti tiết lộ cách chúng ta có thể giải phóng bản thân một cách triệt để và ngay lập tức khỏi sự chuyên chế của những gì được mong đợi từ thế giới bên ngoài. Bằng cách thay đổi chính mình, chúng ta có thể thay đổi cấu trúc của xã hội và các mối quan hệ của mình. Nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự thay đổi và những giá trị mà nó đem lại, hình thành nên thông điệp quan trọng nhất cuốn sách này.
Trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã được “đút mớm” bởi kiến thức của người khác, bởi nền văn hoá, bởi những cuốn sách, bởi các vị thần linh. Không có gì mới trong chúng ta, không có gì mà chúng ta tự khám phá ra cho chính mình. Không có gì nguyên bản, khai sơ, mới lạ. Nguyên nhân chính của sự rối loạn này là việc cố gắng tìm kiếm sự thật được hứa hẹn bởi một người ngoài.
Hầu hết chúng ta phản đối những kẻ chuyên chế và độc tài, nhưng trong thâm tâm chúng ta lại dễ dàng chấp nhận lẽ sống của họ để dùng làm tấm bản đồ cho cuộc đời mình. Câu hỏi liệu có hay không có một vị Chúa, một vị thánh, một chân lý vĩnh hằng hay bất cứ tên gọi nào khác, không bao giờ có thể được trả lời bằng sách vở, bởi các linh mục, triết gia hoặc đấng cứu tinh. Không ai và không có gì có thể trả lời câu hỏi đó ngoài chính bạn và đó là lý do tại sao bạn phải hiểu chính mình.
Tính non nớt chỉ nằm trong sự thiếu hiểu biết về bản thân. Hiểu chính mình là khởi đầu của trí tuệ. Sự thật không có con đường mòn, và đó là vẻ đẹp của sự thật, nó đang sống. Bạn không thể phụ thuộc vào bất cứ ai. Không có hướng dẫn, không có giáo viên, không có thẩm quyền nào có thể nói thay chân lý hộ bạn. “Điều quan trọng không phải là một triết lý sống mà là quan sát những gì thực sự diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, dù bên trong nội tâm hay bên ngoài thế giới”, ông viết.
Vì thế, ông cho rằng các mệnh lệnh được áp đặt sẽ luôn tạo ra sự nổi loạn. Tất cả thẩm quyền thuộc bất kỳ loại nào, đặc biệt là trong lĩnh vực tư tưởng và hiểu biết, đều gây ra sự tàn phá xấu xa nhất. Lãnh đạo huỷ hoại những kẻ tuân phục và những người đi theo phá hủy các nhà lãnh đạo. Bạn phải là giáo viên và môn đệ của chính bạn. Ông trấn an bạn rằng, “Nếu không đi theo một ai đó, bạn cảm thấy rất cô đơn phải không. Vậy cứ hãy cô đơn đi”.
Tại sao bạn sợ hãi khi ở một mình? Bởi vì bạn phải đối mặt với chính mình như bạn vốn là và bạn thấy rằng mình trống rỗng, đần độn, ngu ngốc, xấu xí, đầy tội lỗi và lo lắng. Một thực thể nhỏ mọn, “kém chất lượng”, “đã qua sử dụng”. Đối mặt với sự thật này; nhìn nó đi, đừng chạy trốn nó. Khoảnh khắc mà bạn chạy trốn, nỗi sợ bắt đầu. Vì vậy, tích luỹ kiến thức về bản thân và tìm hiểu về bản thân là hai điều khác nhau, vì kiến thức bạn thu thập được về mình luôn là quá khứ. Bạn luôn thay đổi mỗi ngày và luôn có những điều đáng ngạc nhiên để học hỏi về mình.
Người ta vẫn nói: “Đừng đặt chìa khóa hạnh phúc của bạn vào túi người khác”. Chúng ta không thể tác động đến thế giới ngoài kia, nhưng có quyền kiểm soát nội tâm của mình. Khi những người khác có thể chi phối cảm xúc bạn, bạn trở thành nô lệ cho các ham muốn của họ, mà quên mất bản thân mình muốn gì. Bạn vui khi họ vui, bạn buồn vì họ buồn.
Mỗi khi bạn buộc phải làm điều gì đó vì đó là nhiệm vụ của bạn, bạn sẽ không yêu thích những gì bạn đang làm. Khi có tình yêu, lúc đó sẽ không có bổn phận và không có trách nhiệm. Tự do và tình yêu đi liền với nhau. Nếu ép buộc, đó không thể gọi là yêu, và nếu có một tình yêu thực sự, bạn sẽ không cảm thấy mất tự do. Đó chính là một sự tự do vượt lên trên mọi giới hạn.
Trạm Đọc tổng hợp | Nguồn ảnh: Sưu tầm
Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách “Tự Do Vượt Trên Sự Hiểu Biết” tại: Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.